Nỗi ám ảnh kinh hoàng nhất với tài xế Việt Nam

Google News

Đèo Lò Xo là nơi xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm, tuy nhiên công tác quản lý giao thông ở đây còn nhiều bất cập.

Đèo Lò Xo nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh thuộc địa bàn 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Đoạn đường đèo dài hơn 27 km uốn lượn quanh co giữa núi cao, vực thẳm này là nỗi ám ảnh đối với các tài xế. Đây là nơi đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm, thế nhưng, việc quản lý giao thông ở đây còn nhiều bất cập.
Noi am anh kinh hoang nhat voi tai xe Viet Nam
 
Là người thường xuyên chở hàng trên đường Hồ Chí Minh qua đèo Lò Xo, tài xế Cái Tiên Sáng ở thành phố Đà Nẵng cho biết, mỗi lần chạy xe qua đoạn đường ngoằn ngoèo này anh giảm tốc độ xuống dưới 30 km/ giờ mà vẫn thấy run. Theo anh Sáng, đoạn đường đèo này có nhiều khúc cua ngoặt, lòng đường hẹp, độ dốc lớn, nên rất khó xử lý khi gặp chướng ngại vật. Trong khi đó, việc bố trí các biển báo hiệu đường bộ chưa hợp lý, cần phải có biển “cấm vượt” để đảm bảo các loại xe đi đúng làn đường, phần đường quy định.
Anh Sáng cho biết thêm: “Đi đúng tốc độ mà đường thì ổ gà, nứt nẻ nhiều quá. Cũng muốn là những khúc ôm cua phải có kính lõm để cho tài xế đủ tầm quan sát, chủ động được tốc độ. Lòng đường đèo dốc nếu được mở rộng thì càng tốt, tầm nhìn càng thoáng, hạn chế bớt tai nạn”
Năm qua, trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đã xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông, làm 10 người chết, 18 người bị thương. Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên đèo Lò Xo như vụ xe giường nằm rơi xuống vực sâu vào trưa ngày 23 tháng 6 làm 1 người chết, 40 người bị thương. Hay vụ xe đầu kéo mất lái tông vào taluy, lật nghiêng bên đường khiến phụ xe chết tại chỗ, tài xế bị thương nặng xảy ra vào ngày 5 tháng 12 năm ngoái.
Trung tá Phan Văn Sơn, Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông, Công an huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết, việc quản lý giao thông ở khu vực này còn chồng chéo. Hạt Quản lý Đường bộ huyện Đăk Lây, tỉnh Kon Tum quản lý mặt đường, Công an huyện Phước Sơn phụ trách taluy âm, còn Công an huyện Đăk Lây phụ trách taluy dương. Khi xảy ra tai nạn thì khó xác định trách nhiệm của đơn vị nào. Mặt khác, Công an huyện Phước Sơn quản lý phía taluy âm tức về phía bên trái, như vậy muốn đi về phía bên phải cho đúng luật thì lại trái quy trình tuần tra kiểm soát của Cục Cảnh sát Giao thông Đường bộ.
Trung tá Phan Văn Sơn cho biết thêm: “Hai địa phương cùng quản lý một đoạn đường từ việc tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm điều đó là bất cập, dẫn đến việc công an địa phương này đùn đẩy cho địa phương kia và ngược lại. Thứ 2 nữa là đoạn đường đèo Lò Xo, việc quy định tốc độ đối với các loại xe cơ giới tham gia đường bộ được Nhà nước áp dụng theo tiêu chí giống như các tuyến Quốc lộ khác là không hợp lý, bởi đây là đoạn đường đèo dốc, độ cong cua lớn khuất tầm nhìn nhiều”.
Để đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực đèo Lò Xo, chính quyền huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam nhiều lần kiến nghị Tổng cục Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải mở rộng, gia cố mặt đường và phía taluy âm, xây dựng thêm vị trí tránh nạn nhưng hiện vẫn chưa được giải quyết.
Ông Trần Văn Tân, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng kiêm Phó Ban An toàn Giao thông huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Đèo Lò Xo là một cung đường rất nguy hiểm. Mặc dù sau khi xây dựng đường Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho việc đi lại giữa khu vực Tây Nguyên về miền Trung cũng như ra Đà Nẵng, nhưng do địa hình như vậy nên đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Cần mở rộng một số đoạn cua để tạo tầm nhìn”.
Mời quý độc giả xem video:
Theo VOV News

Bình luận(0)