Những phát biểu "nóng" của ĐBQH về dự án Luật Quy hoạch

Google News

(Kiến Thức) - Trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quy hoạch, 27 đại biểu đã phát biểu với nhiều ý kiến "nóng" về dự thảo luật quan trọng này.

Sáng 26/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về dự án luật Quy hoạch. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá: “Trong phiên họp thảo luận tại hội trường hôm nay đã có 27 đại biểu phát biểu ý kiến. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Nhìn chung thì kết quả thảo luận hôm nay khá sâu sắc và toàn diện, đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao các ý kiến trong báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự án Luật quy hoạch của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Song cũng có một số ý kiến đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cần chỉ đạo các cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo cần sửa đổi nhiều điều trong dự án luật để đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ, hợp lý và logic. Các ý kiến của các vị đại biểu đã được Ban thư ký Quốc hội ghi chép và phản ánh đầy đủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình, đồng thời chỉ đạo Ủy ban Kinh tế và các cơ quan soạn thảo tiếp thu hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua”.
Nhung phat bieu "nong" cua DBQH ve du an Luat Quy hoach
Quy hoạch phải vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ảnh: Internet. 
Kiến Thức xin điểm một số ý kiến đáng chú ý của các đại biểu về dự án luật Quy hoạch:
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum): “Để ngăn ngừa tình trạng lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm có thể xảy ra, đề nghị nghiên cứu xem xét bổ sung mục tiêu của hoạt động quy hoạch đó là hoạt động quy hoạch phải vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, tại nguyên tắc thứ 5 của dự thảo quy định đảm bảo tính khoa học dự báo khả thi tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực trong hoạt động quy hoạch. Chúng ta thấy rằng hoạt động quy hoạch cần có các nguồn lực để đảm bảo, các nguồn lực này cơ bản được nhà nước đảm bảo, tuy nhiên vẫn có thể huy động các nguồn lực từ xã hội khác trong hoạt động quy hoạch, bởi vậy nên bổ sung vào nguyên tắc này là sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhà nước và của xã hội trong hoạt động quy hoạch như thế nó sẽ đầy đủ hơn”.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (TP Cần Thơ) khi góp ý khái niệm quy hoạch tổng thể quốc gia mang tính chiến lược: “Cần phải có thời kỳ đủ dài để làm cơ sở cho các quy hoạch cấp thấp hơn. Mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có giải trình nhiều, lý do chọn quy hoạch 10 năm đề phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Mười năm do biến động kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế... Tôi đề nghị quy hoạch chiến lược cấp quốc gia chỉ 10 năm là tầm nhìn quá ngắn trong bối cảnh khoa học, kỹ thuật, công nghệ, kinh tế phát triển rất nhanh như hiện nay. Thậm chí quy hoạch chưa được thực hiện hết thời kỳ hay tỉnh, vùng quy hoạch chưa lâu thì đã phải điều chỉnh. Vì thế trong bối cảnh hiện nay, quy hoạch tổng thể quốc gia cần có tầm nhìn xa, định hướng ổn định, nhất định trong một thời kỳ đủ dài thì mới có thể có hiệu quả, tôi đề xuất cấp quốc gia là 20 năm, tầm nhìn 30 năm cấp vùng tỉnh là 10 năm và tầm nhìn 20 năm”.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng): “Về chi phí cho hoạt động quy hoạch quy định tại Điều 9. Khoản 1, Điều 9 dự thảo luật quy định chi phí lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch được sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Tuy nhiên, theo quy định của Luật đầu tư công tại các Điều 7, 8, 9 và 10 thì không có tiêu chí nào xác định hoạt động lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch thuộc các loại dự án đầu tư công. Do đó sẽ không thể bố trí kinh phí để thực hiện các loại hoạt động này. Vì vậy, theo tôi, cần thiết phải thiết kế lại quy định này theo hướng các chi phí trên được sử dụng từ vốn đầu tư công theo quy định của Luật ngân sách như dự thảo Luật quy hoạch trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai. Trong trường hợp vẫn giữ như Khoản 1 Điều 9 của dự thảo luật thì cần thiết phải sửa đổi ngay Luật đầu tư công trong dự thảo Luật quy hoạch thì mới đảm bảo tính thống nhất và khả thi của quy định”.
Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên): “Về số lượng các luật cần sửa đổi theo danh mục là 32 luật, tôi đồng ý với đại biểu Hiển là qua rà soát sơ bộ thì còn một số luật, cụ thể như Luật xuất bản, Luật dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa, Luật giáo dục quốc phòng và an ninh... cũng cần tiếp tục được rà soát và sửa đổi. Tôi thấy rằng qua đó thì số lượng không chỉ dừng ở 32 điều như Chính phủ trình mà số lượng luật này còn tăng hơn nữa. Các đại biểu trao đổi với tôi và số lượng là qua nghiên cứu như đại biểu thấy rằng con số phải vượt trên 50 dự án luật cần sửa liên quan”.
Đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang): “Dự thảo Luật quy hoạch tại Điều 41 vẫn tiếp tục duy trì hệ thống thông tin phân tán do các bộ, ngành địa phương xây dựng, quản lý và cung cấp. Nó sẽ tiếp tục bị chậm trễ và thiếu khách quan. Trong khi đó, thông tin về kinh tế - xã hội biến động từng giờ, từng phút, tác động trực tiếp. Do đó, dựa vào hệ thống thông tin qua bộ máy dẫn đến thông tin chủ quan, sai lệch cũng như không có giá trị. Nếu thông tin tổng hợp do quốc gia ban hành thì cũng cần xây dựng hệ thống thông tin quốc gia thống nhất. Căn cứ điều hành toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội thì phải được công bố chính thống bởi cơ quan Chính phủ. Nếu là thông tin thực tế biến động kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế thì đó là hệ thống thông tin toàn cầu được cập nhật thời gian thực đang là công cụ phát triển của nhân loại và đang phổ cập tại Việt Nam với 70% dân số sử dụng Internet và 40 triệu người đang sử dụng Smartphone. Trong khi dự thảo Luật quy hoạch đã đưa ra việc cung cấp thông tin đa ngành được xây dựng bởi bốn cấp từ Trung ương đến địa phương. Trong khi dịch vụ đo đạ quang điện tử đã chuyển sang rada vượt qua trở ngại không gian và thời gian, biên giới đã mở toàn cầu và cung cấp dịch vụ trực tuyến với giá rẻ. Còn các thông tin đa ngành khác cũng đang được cập nhật từng giây bởi thế giới không dây. Tất cả những nội dung trên không phản ánh cũng không khuyến khích trong dự thảo Luật”.
Đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An): “Về xử lý vi phạm, đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Bởi thời gian qua thực trạng các chương trình dự án trong quy hoạch, nhất là quy hoạch phân khu chức năng về khu cụm công nghiệp, khu dân cư thương mại chậm hoặc không triển khai hay còn gọi là quy hoạch treo khá phổ biến, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong vùng dự án cũng như trong vùng quy hoạch. Do vướng quy hoạch nên người dân không xây dựng mới nhà cửa, không thể chuyển mục đích sử dụng đất, không thể đầu tư phát triển gây thiệt hại tài sản, lãng phí nguồn lực xã hội quốc gia. Vì vậy, tôi đề nghị Luật quy hoạch cần quy định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến quy hoạch”.
Đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông): “Về hệ thống quy hoạch tại Điều 12, cơ bản tôi đồng ý với việc tích hợp loại bỏ nhiều quy hoạch được quy định trong hệ thống pháp luật hiện nay để bảo đảm tính liên kết đồng bộ khả thi trong việc lập thực hiện quy hoạch và phát triển của các ngành. Tuy nhiên, để triển khai việc tích hợp nhiều quy hoạch trong hệ thống pháp luật chúng ta cũng chưa lường hết được những khó khăn tác động đến kinh tế - xã hội. Với hàng nghìn quy hoạch đã được lập và phê duyệt để đảm bảo tuân thủ nguyên tắc, bảo đảm tính liên tục, tính kế thừa, tính ổn định khi tích hợp các loại quy hoạch sẽ là việc khó có khả thi có thể tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Để tích hợp các quy hoạch chuyên ngành tôi đề nghị các cơ quan cần đánh giá phân tích kỹ hơn tác động của việc tích hợp từng loại quy hoạch ngành theo đúng quy định của Luật văn bản ban hành quy phạm pháp luật”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng: “Đây là một luật mới, có phạm vi rất rộng, phải nói hết sức khó, chính vì vậy 6 năm vừa qua chúng ta cũng chưa thông qua được luật này và để đi đến được ngày hôm nay cũng là một nỗ lực rất lớn và sự phối hợp của các bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội thông qua các cuộc hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia trong nước và ngoài nước, làm hết sức thận trọng và hết sức cầu thị, đặc biệt ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 cũng như trong quá trình vừa qua”.
Hải Ninh

Bình luận(0)