Theo thông tin từ Báo Lao Động, lần theo manh mối từ một cô dâu môi giới cho rể ngoại quốc được tuyển trọn trong cuộc gặp mặt tại khách sạn City View (Phố Mới, xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng), nhóm PV đã bóc trần ra những mánh khóe của đường dây môi giới xuyên quốc gia này. Cùng với đó là quy trình tuyển vợ "như đi lựa một mớ rau" của những chú rể ngoại quốc. Việc đầu tiên các cô dâu phải làm ngay sau khi được “chốt” là đóng một khoản phí. Phí này được các bà mối gọi là tiền cọc, phí chống trốn và trả công cho bà mối với tổng số tiền dao động từ 15 - 25 triệu đồng.
|
Hoạt động môi giới cô dâu cho chú rể Hàn Quốc, Trung Quốc tại huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Ảnh Báo Lao Động
|
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hôn nhân là mang tính chất tự nguyện. Mặc dù phong tục của người Việt ta từ xưa có sự mai mối trong hôn nhân, nhưng việc làm của các ông mai bà mối ngày xưa hoàn toàn hợp đạo lý, vì hôn nhân chỉ diễn ra khi chú rể, cô dâu thấy hợp nhau và tự nguyện lấy nhau.
|
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Luật sư Hùng cho biết thêm, hiện nay, theo quy định tại Điều 51 của Nghị định 126/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hôn nhân và Gia đình, Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được xem là một đơn vị sự nghiệp thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hoặc Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ có các tổ chức thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ được công nhận và có thể hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.
"Ngoài ra, các hành vi như: Tư vấn hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận; đòi hỏi tiền bạc hoặc các lợi ích khác ngoài thù lao theo đúng quy định khi thực hiện hoạt động tư vấn, hỗ trợ về hôn nhân và gia đình mà có yếu tố nước ngoài: Người môi giới không được tìm kiếm lợi nhuận hoặc yêu cầu tiền bạc hoặc lợi ích khác ngoài thù lao hợp lý khi cung cấp dịch vụ tư vấn hoặc hỗ trợ về hôn nhân và gia đình có liên quan đến yếu tố nước ngoài hoàn toàn là những hành vi môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái luật theo quy định tại Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP.
Vì vậy, hoạt động môi giới cô dâu Việt cho chú rể ngoại quốc của các đối tượng trong đường dây này là vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật, quyền tự do và bình đẳng trong việc quyết định hôn nhân. Với tính chất, quy mô của đường dây môi giới này, trường hợp mục đích của người nước ngoài là thông qua hoạt động kết hôn để đưa cô dâu ra nước ngoài để thực hiện các mục đích vô nhân đạo nhưng vẫn thực hiện hành vi môi giới để nhận tiền, lợi ích vật chất thì người có hành vi môi giới kết hôn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội mua bán người quy định tại Điều 150 của Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 với mức hình phạt cao nhất của tội danh này lên đến 20 năm tù", luật sư Hùng phân tích.
Luật sư Hùng phân tích thêm: "Trường hơp chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, các đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 10 triệu đến 20 triệu đồng về hành vi: Thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài khi chưa có giấy đăng ký hoạt động; Lợi dụng việc tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nhằm mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc vì mục đích trục lợi khác".
>>> Xem thêm video: Bắt nhóm môi giới mại dâm cho khách nước ngoài