Theo đó, phiên tòa phúc thẩm này do Thẩm phán, Phó chánh Tòa hình sự (TAND TP Hà Nội) làm chủ tọa. Ngoài ra, thành phần HĐXX phúc thẩm còn có 2 thẩm phán khác và Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên xử là ông Nguyễn Minh Hải (VKSND TP Hà Nội)
Trước đó, phiên tòa phúc thẩm này đã nhiều lần bị trì hoãn và dời ngày xét xử tới ngày 10/8 tới đây là do một số bị cáo có đơn đề nghị tạm hoãn phiên tòa để có thời gian chữa trị bệnh tật cũng như để các luật sư có đủ thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án nhằm bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp cho bị cáo.
Tính đến thời điểm hiện nay, phiên tòa phúc thẩm xét xử các cựu cán bộ xã Đồng Tâm và cựu cán bộ huyện Mỹ Đức sẽ có 3 luật sư tham gia bào chữa. Cách đây vừa tròn 1 năm (trong 2 ngày 8 và 9/8/2017), TAND huyện Mỹ Đức đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm xét xử đối với 14 bị cáo trong vụ án.
|
Các cựu cán bộ xã Đồng Tâm tại phiên tòa sơ thẩm. |
Cụ thể, 3 cựu Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm bị kết án về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là Nguyễn Văn Sơn bị tuyên phạt 36 tháng tù; Lê Đình Thuần bị áp dụng 42 tháng tù và Nguyễn Văn Bột bị xử phạt 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Tiếp đến, các bị cáo từng là cán bộ xã Đồng Tâm gồm: Nguyễn Tiến Triển, Nguyễn Văn Đức, Bùi Văn Dũng, Bùi Văn Hồng cùng bị áp dụng mức án 30 tháng tù; Nguyễn Xuân Trường bị xử phạt 6 năm 6 tháng tù và Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Văn Khang cùng bị xử phạt 24 tháng tù.
Với nhóm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, bị cáo Phạm Hữu Sách và Trần Trung Tấn (đều là cựu cán cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức) cùng bị tuyên phạt 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Đinh Văn Dũng bị áp dụng 36 tháng tù và Bạch Văn Đông bị xử phạt 30 tháng tù.
Sau khi lần lượt bị áp dụng các mức án nêu trên tại phiên tòa sơ thẩm, 4 bị cáo là Nguyễn Xuân Trường, Nguyễn Văn Sơn, Trần Trung Tấn, Nguyễn Văn Bột không có đơn kháng cáo. Mười bị cáo còn lại đều đã làm đơn kháng cáo đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại bản án sơ thẩm đối với họ.
Trong đó, bị cáo Phạm Hữu Sách (nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức) kháng cáo đề nghị xem xét lại vụ án và hành vi phạm tội của bị cáo. Tại đơn kháng cáo, bị cáo này cho rằng bản thân không phạm tội như kết luận của bản án sơ thẩm.
Chín bị cáo còn lại gồm: Lê Đình Thuần, Nguyễn Tiến Triển, Nguyễn Văn Đức, Bùi Văn Dũng, Bùi Văn Hồng, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Văn Khang, Đinh Văn Dũng và Bạch Văn Đông đều có kháng cáo với mục đích đề nghị cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Trong đơn kháng cáo gửi TAND TP Hà Nội, cả 9 bị cáo này đều bày tỏ thái độ ăn năn, hối cải và thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, tất cả các bị cáo này đều cho rằng hình phạt mà TAND huyện Mỹ Đức áp dụng là cao hơn so với tính chất, mức độ phạm gây ra.
Cũng theo bản án sơ thẩm, từ năm 2002 đến năm 2013, do buông lỏng công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai tại địa bàn xã Đồng Tâm, các bị cáo Nguyễn Văn Bột, Nguyễn Văn Sơn, Lê Đình Thuần, Nguyễn Xuân Trường, Nguyễn Tiến Triển và một số bị cáo nguyên là cán bộ chủ chốt của địa phương vì động cơ vụ lợi đã thực hiện việc cấp, giao đất trái thẩm quyền và hợp thức đất lấn chiếm cho một số hộ dân trái quy định.
Đối với 4 bị cáo nguyên là những cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai cũng như Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định, thẩm tra nguồn gốc đất dẫn đến việc ký xác nhận không có căn cứ pháp luật.
Đi đến các quyết định nêu trên, tòa cấp sơ thẩm khẳng định, tính chất, mức độ trong hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm đối với xã hội; xâm phạm hoạt động đúng đắn, bình thường của cơ quan Nhà nước. Mặt khác, hành vi phạm tội của các bị cáo còn làm cơ quan, tổ chức Nhà nước bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân và gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản…