Nhìn từ cuộc đua vào đại học: Học nghề “rộng cửa” và nhanh lập nghiệp

Google News

Tại sao thay vì cố vào học ĐH để rồi có thể thất nghiệp hay khó xin việc, thì học sinh có thể chọn học nghề mà ra trường có việc làm ngay, thu nhập tốt...?

Những ngày gần đây, cuộc đua vào đại học (ĐH) đang trở nên nóng bỏng khi điểm chuẩn của các trường đưa ra "cao vút", nhiều thí sinh đạt 27-28 điểm vẫn không đỗ nguyện vọng 1, cùng với đó là hàng chục nghìn thí sinh chính thức trượt đại học. Một vấn đề đặt ra: Tại sao thay vì cố vào học ĐH để rồi có thể thất nghiệp hay khó xin việc, thì học sinh có thể chọn học nghề mà ra trường có việc làm ngay, thu nhập tốt...?
Một câu chuyện đau lòng vừa xảy ra tại xã Bình Quý (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) chiều 5/10, khi em Nguyễn Thị H (SN 2002) được phát hiện đã tự tử ở nhà mình. Theo bạn bè em H và lãnh đạo Công an xã Bình Quý, rất có thể H nghĩ quẩn vì thi tốt nghiệp THPT được điểm cao nhưng không đậu vào một trường ĐH luật như mình mong muốn.
Nhin tu cuoc dua vao dai hoc: Hoc nghe “rong cua” va nhanh lap nghiep
 Các thí sinh tham gia kỳ thi tay nghề quốc gia lần thứ XI - năm 2020. Ảnh: M.N
Học nghề làm ông chủ
Không cố vào học ĐH bằng mọi giá mà sớm chọn con đường học nghề để sớm ra trường, nhanh có việc làm và thu nhập là hướng đi mà nhiều bạn trẻ đã chọn. Và xu hướng học nghề thay vì học ĐH đang lan rộng...
Nguyễn Tiến Tuyên (quê Hải Dương) - sinh viên khóa 49, ngành công nghệ ôtô Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh, cho biết, thi tốt nghiệp THPT, em được 24 điểm. Với số điểm này cùng học bạ 3 năm học THPT là học sinh khá và giỏi, Tuyên có thể trúng tuyển nhiều trường ĐH, nhưng Tuyên lại lựa chọn học nghề. Tuyên cho hay từ lâu đã yêu thích nghề sửa chữa ôtô, chính bởi vậy, dù bạn bè theo học ĐH nhiều nhưng Tuyên vẫn đăng ký học nghề.
Tuyên cho biết thêm, lớp 12 của em có 40 học sinh, nhưng chỉ có 5 bạn đăng ký học nghề. "Nhiều bạn vẫn có tâm lý học ĐH mới là thành công" - Tuyên nói.
Trong buổi khai giảng, nhập học tại Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh, Tuyên và 10 học sinh có điểm đầu vào cao nhất được nhận học bổng của trường. "Nhà nghèo nên em muốn học nghề nhanh để có thể đi làm kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Ước mơ của em là sau này có thể trở thành một kỹ sư chế tạo, sửa chữa ôtô. Nếu có tiền em sẽ mở một xưởng sửa ôtô ở quê" - Tuyên cho hay.
Cũng từng mất khá nhiều thời gian để quyết định chọn ĐH hay chọn học nghề, nhưng rồi tình yêu với nghề cơ khí chế tạo đã khiến Trương Tiến Nguyên (quê thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên) bất chấp sự ngăn cản của gia đình, bạn bè và bỏ tất cả để theo học nghề. Sau 3 năm theo học ngành CNN tại Trường Công nghiệp Việt Đức (Thái Nguyên), Nguyên xin đi làm công nhân cho một số công ty. Sau 2 năm làm công nhân và tích lũy được ít vốn, anh đã mạnh dạn thế chấp hết tài sản, nhà cửa và gọi vốn để thành lập Công ty TNHH TTJ. Đến nay công ty của Nguyên có hai nhà xưởng, tạo việc làm cho gần 30 lao động tại địa phương, có vốn lưu động hàng chục tỷ đồng.
Trương Tiến Nguyên cho biết: "Hiện công ty đang gia công các linh kiện cơ khí cho các doanh nghiệp của Hàn, Nhật Bản. Hiện nay các thiết bị cơ khí đạt chuẩn quốc tế được sản xuất tại Việt Nam rất thiếu, chính vì vậy, đây là cơ hội để Công ty TTJ phát triển sản phẩm".
Nhớ lại giai đoạn còn đi học, Nguyên kể anh từng là học sinh giỏi của trường nên lúc Nguyên nói không đi học ĐH mà theo học nghề, gia đình anh phản đối kịch liệt. Thế nhưng ngay từ lúc còn học phổ thông, anh đã thích học nghề. Lúc theo học nghề rồi, anh càng say vì phát hiện ngành cơ khí chế tạo đang là ngành "hot", nhu cầu các sản phẩm trong ngành này đang rất lớn.
"Nghĩ vậy, nên mình lại càng quyết tâm, phải học thật tốt, phải làm cho bằng được" - Nguyên nói.
Cánh cửa nghề nghiệp rộng mở khi học nghề
Không còn cảnh học sinh học nghề bị lườm nguýt, hay miệt thị, giờ đây các học sinh học nghề đã bước vào một tâm thế mới. Học nghề vẫn có thể làm quản lý, lãnh đạo, học nghề vẫn có thể đi du học, làm việc ở nước ngoài - đó là chuyện thực. Thậm chí học nghề còn có thể có việc làm ngay khi đang học, thu nhập cả nghìn USD/tháng. Chính những cơ hội ấy đã giúp nhiều học sinh vững tin hơn trong việc lựa chọn học nghề thay vì học đại học.
Chị Nguyễn Thị Lan (Hoằng Hóa, Thanh Hóa), có con vừa tốt nghiệp THPT năm 2020, cho biết, con chị có kết quả thi khá tốt, điểm các môn khối tự nhiên đạt 27 điểm. Với số điểm này, con chị có thể lựa chọn vào một số trường ĐH lớn con lại bày tỏ thích đi học nghề Quản trị hệ thống mạng công nghệ thông tin.
"Mới đầu mình nghe thấy nghề này lạ lắm, chẳng hiểu học xong làm gì, con có xin được việc hay không nên cũng không đồng ý với quyết định của cháu. Thế rồi sau khi nghe cháu nói, cộng thêm mình tới tận trường cháu đăng ký học để tìm hiểu thì thấy cơ hội việc làm của ngành nghề này khá rộng mở, thậm chí nhà trường còn cam kết hỗ trợ tạo việc làm sau khi học, nên mình thấy khá yên tâm để con theo học" - chị Lan nói.
Kể từ sau khi thực hiện quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp về Bộ LĐTBXH quản lý, công tác giáo dục nghề nghiệp đã có những bước phát triển vượt bậc. Trong thời gian ngắn, Bộ LĐTBXH đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất để sắp xếp lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tháng 5/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra Chỉ thị số 24 về Đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Kèm theo đó là một loạt các cơ chế khuyến khích đào tạo nghề 9 + cao đẳng; hỗ trợ các trường đào tạo nghề chất lượng cao, tôn vinh học sinh cơ sở giáo dục nghề nghiệp xuất sắc...
Cùng với những thay đổi về chất lượng đào tạo, cam kết đào tạo gắn với việc làm trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, là sự thay đổi trong nhận thức của xã hội. Tất cả những điều đó đã giúp giáo dục nghề nghiệp được "nâng tầm".
Ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) từng nói: "Chưa bao giờ giáo dục nghề nghiệp đứng trước thời cơ lớn như vậy. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tận dụng lợi thế đẩy mạnh chất lượng dạy và thực hành. Đồng thời ký kết, phối hợp với doanh nghiệp trong việc đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh sau học nghề".
Ông Nguyễn Quốc Huy - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh cho biết, để nâng cao chất lượng đào tạo, một mặt nhà trường tăng cường đào tạo, tập huấn cho đội ngũ giáo viên, mặt khác cập nhật đưa vào giảng dạy nhiều ngành học chất lượng cao.
Đặc biệt, nhiều năm trở lại đây, nhà trường đã ký hợp tác đào tạo và giải quyết việc làm cho học sinh với các doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế. Theo đó, học sinh học một số ngành học chất lượng cao còn có cơ hội được học lên và làm việc cho các tập đoàn đối tác ở nước ngoài với thu nhập cả nghìn USD/tháng. Nhờ nâng cao chất lượng đào tạo mà nhiều năm trở lại đây uy tín, thương hiệu của nhà trường được nâng lên. Trong 3 năm liên tiếp trở lại đây trường đều tuyển đủ và vượt chỉ tiêu tuyển sinh.
Theo Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)