Nhiều tài xế thà đi “cung đường máu” chứ không nộp phí qua QL5

Google News

(Kiến Thức) - Diễn biến ùn tắc tại trạm thu phí số 1 QL5 những ngày qua khiến nhiều người đặt câu hỏi: Việc thu phí QL5 đang tồn tại những bất cập gì?

Liên tục trong chiều 4,5 và 6/9, Trạm thu phí một dừng số 1 – Quốc lộ 5 xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông khi nhiều lái xe đã dùng tiền lẻ với các mệnh giá từ 200, 500, 1000 đồng để trả phí qua trạm. Lực lượng chức năng phải huy động nhiều người, áp dụng nhiều biện pháp để ứng phó.
Vụ việc khiến một lần nữa dấy lên câu hỏi việc thu phí QL5 đang có những bất cập gì khiến người tham gia giao thông phải đối phó bằng cách tiêu cực như thế?
Nhieu tai xe tha di "cung duong mau" chu khong nop phi qua QL5
 Trạm thu phí một dừng số 1 – Quốc lộ 5 liên tục diễn ra cảnh ùn tắc giao thông khi nhiều lái xe đã dùng tiền lẻ với các mệnh giá từ 200, 500, 1000 đồng để trả phí qua trạm.
Chủ đầu tư khẳng định, QL 5 thu phí đúng kế hoạch
Mặc dù liên tục bị các lái xe dùng tiền lẻ với các mệnh giá nhỏ để trả phí qua trạm gây ùn tắc giao thông, Đại diện Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) - Lãnh đạo Trạm thu phí số 1 quốc lộ 5 - khẳng định, việc thu phí tại Quốc lộ 5 đã được Chính phủ đồng ý và sẽ tiếp tục thu như kế hoạch.
Trong báo cáo mới nhất của Vidifi gửi các cơ quan chức năng ngày 6/9/2017, Vidifi được giao làm chủ đầu tư Dự án và được giao quyền thu phí QL5 từ năm 2009 cho đến hết thời gian BOT Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
“Việc giao Vidifi quyền quản lý thu phí 2 trạm QL5 thực chất là một khoản vốn góp của Nhà nước vào Dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, thực hiện theo hình thức hợp tác công tư (PPP) quy định tại Nghị định số 78/2007/NĐ-CP ngày 11/5/2007 (nay là Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 về đầu tư theo hình thức hợp tác công tư).
Ngoài ra, tại Quyết định 746/QĐ-TTg ngày 29/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Nhà nước còn hỗ trợ trực tiếp vào Dự án khoảng 29% tổng mức đầu tư, trong đó hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng trên 4000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020.
Vì vậy, việc đầu tư xây dựng Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng bao gồm hình thức nhà nước đầu tư trực tiếp (thu phí QL5, chi phí GPMB,…) và hình thức BOT (thu phí cao tốc, quảng cáo, dịch vụ trên cao tốc…)”, báo cáo của Vidifi cho biết.
Nhieu tai xe tha di "cung duong mau" chu khong nop phi qua QL5-Hinh-2
 
Vidifi cũng khẳng định, tuy nhiên, thực tế nguồn thu phí QL5 từ năm 2009 đến nay chủ yếu để thực hiện quản lý, duy tu và sửa chữa cho chính QL5, chưa hỗ trợ được cho Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo quy định.
“QL5 đã được đại tu, mở rộng nâng cấp từ năm 1998. Hiện, phần lớn các công trình đã xuống cấp nặng nề và đều đã quá thời hạn đại tu. Theo dự kiến cần phải đầu tư từ 2500 – 3000 tỷ đồng thì mới sửa chữa căn bản những hư hỏng để đảm bảo khả năng khai thác và nâng cao tuổi thọ QL5. Với mức thu phí như hiện nay thì doanh thu thu phí QL5 cơ bản đáp ứng được việc sửa chữa QL5 trong thời gian tới. Tuy nhiên, chưa hỗ trợ cho Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo như dự kiến ban đầu. Vidifi đã hoàn thành việc lập dự án đầu tư và đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét phê duyệt để sớm thi công sửa chữa QL5 vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018.
Vidifi cũng khẳng định, việc thu phí trên Quốc lộ 5 và Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã được VIDIFI quản lý chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.
QL 5 thu phí, ai chịu thiệt?
Trong các chiều 4,5,6/9, ngoài những tài xế dùng tiền lẻ để trả phí đường qua trạm, nhiều người dân các huyện Văn Giang, Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên) cũng kéo tới khu vực trạm thu phí để phản đối bởi nhiều xe trọng tải lớn do tránh trạm thu phí đã đi vào các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ khiến đường bị xuống cấp trầm trọng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Nhiều người dân địa phương bức xúc cho rằng, họ thường xuyên qua trạm thu phí để đến các địa bàn lân cận cách đó không xa, việc thu phí hở đã khiến họ phải chi trả một số tiền lớn cho quãng đường chỉ vài km.
Rõ ràng, theo phản ánh của người dân địa phương và lái xe, chủ doanh nghiệp vận tải thì họ chính là những người đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc thu phí QL5 mà theo họ là giá phí quá cao và việc đặt trạm thu phí tuyến đường này hỗ trợ thu phí đầu tư tuyến đường khác là không hợp lý.
Nhieu tai xe tha di "cung duong mau" chu khong nop phi qua QL5-Hinh-3
 Cung đường từ ngã tư Quán Gỏi – địa phận giáp ranh giữa Hải Dương và Hưng Yên đã rẽ hướng Quốc lộ 38, đi qua huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) rồi trở ra Quốc lộ 5 đoạn gầm cầu vượt Như Quỳnh (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) cũng được lái xe tận dụng lưu thông để tránh trạm thu phí.
Để tìm hiểu cặn kẽ những hệ lụy mà phương án tài chính thu phí QL 5 đã và đang gây ra gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp tham gia giao thông vì thời gian thu phí kéo dài, khiến đường tỉnh lộ, huyện lộ, đường dân sinh xuống cấp, PV Kiến Thức đã trao đổi với đại diện các doanh nghiệp cũng như khảo sát trên một số tuyến đường mà nhiều xe trọng tải lớn coi như “cung đường máu” để tránh trạm thu phí.
Ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại Đức Chính bức xúc, năm 1998, hai trạm thu phí Quán Toan và Phố Nối trên Quốc lộ 5 bắt đầu hoạt động. Tới nay, sau mười mấy năm đáng lý phải hoàn vốn và bỏ hai trạm này. Thế nhưng, bây giờ tăng phí xe con gấp 4 lần và tăng phí xe đầu kéo gần 3 lần như vậy là mức phí rất bất hợp lý.
“BOT tăng thì chúng tôi buộc phải tăng phí với khách hàng, qua đó, người dân lại phải sử dụng sản phẩm đắt như kiểu "nước nổi thì bèo nổi", ông Chính cho biết.
Đồng tình với ý kiến của ông Chính, một số doanh nghiệp vận tải cho rằng, cần rà soát lại việc thu phí. Đồng thời, cần phải tính lại mức thu như vậy có hợp lý không, tổng mức quyết toán có đúng không, mức thu như thế trong thời hạn bao lâu có đúng không rồi cân đối tính toán để điều chỉnh lại cho phù hợp.
>>> Mời độc giả xem video đường 380 xuống cấp do xe trọng tải lớn né trạm thu phí QL 5:
Những ngày gần đây, đường 380 (đường 196 cũ) nối quốc lộ 5 vào xã Phan Đình Phùng, qua xã Minh Hải (huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên), lượng xe trọng tải lớn tránh trạm thu phí đổ về với lưu lượng lớn khiến con đường này bị xuống cấp nặng nề.
Khảo sát, PV Kiến Thức ghi lại được những hình ảnh ổ voi, ổ gà tại các khúc cua, trên mặt đường nhiều điểm trên toàn tuyến. Tương tự nhiều đường dân sinh khác, do đường hẹp người dân đã dùng barie chắn ở độ cao 2 mét, tuy nhiên nhiều lái xe vẫn bất chấp đi qua để tránh trạm thu phí, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Một “cung đường máu” mà cánh tài xế thà đi xa chứ không chịu nộp phí qua trạm đường 5 chính là cung đường từ ngã tư Quán Gỏi – địa phận giáp ranh giữa Hải Dương và Hưng Yên đã rẽ hướng Quốc lộ 38, đi qua huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) rồi trở ra Quốc lộ 5 đoạn gầm cầu vượt Như Quỳnh (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) cũng được lái xe tận dụng lưu thông để tránh trạm thu phí khiến người dân địa phương luôn phải sống trong cảnh bất an.
Ở đầu trạm thu phí QL 5 khu vực An Dương (Hải Phòng), nhiều con đường cũng trong tình cảnh tương tự như đường 391 (tỉnh Hải Dương đã từng phải áp dụng nhiều biện pháp như cấm xe, xin giảm phí đường 5 một cách quyết liệt nay mới giảm tải), đường QL 17B đoạn từ thị trấn Phú Thái (huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) sang An Dương (Hải Phòng) cũng đang xuống cấp trầm trọng vì lượng xe container xe tải lưu thông qua đây quá lớn.
Còn nhiều con đường khác mà cánh lái xe bất chấp lưu thông để tránh trạm thu phí đã để lại nhiều hệ lụy cho cuộc sống người dân địa phương sống ven đường.
>>> Mời độc giả xem video Cận cảnh QL 17B xuống cấp do xe trọng tải lưu thông lớn:
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hưng Yên cho biết, Sở cũng đang phối hợp với Sở Tài chính làm văn bản tham mưu UBND tỉnh Hưng Yên để xem xét đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính giảm mức phí 50% cho các loại phương tiện lưu thông trên QL 5 và miễn giảm phí cho nhân dân tham gia phương tiện giao thông cơ giới ở khu vực quanh trạm thu phí.
Đại diện Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết, sẽ xem xét miễn, giảm phí cho người dân gần trạm QL 5 khi có đề xuất của địa phương.
Đó có thể là giải pháp trước mắt để làm dịu đi những căng thẳng diễn ra mấy ngày qua tại Trạm thu phí số 1 – QL5. Tuy nhiên, rất cần những giải pháp hữu hiệu lâu dài để vừa đảm bảo phương án tài chính cho nhà đầu tư BOT, vừa đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp vận tải và quyền lợi chính đáng của người dân.
VIDIFI đề nghị Tổng cục An Ninh có biện pháp ngăn chặn để đảm bảo an ninh trật tự:
Báo cáo của Vidifi cho biết: “Hiện nay, với sự lan truyền rất nhanh thông tin trên mạng xã hội, đặc biệt là những thông tin bình luận mang tính tiêu cực vào thời điểm dư luận xã hội đang quan tâm, có nhiều ý kiến về các Dự án BOT giao thông. Các đối tượng xấu đã lợi dụng tình hình này để cấu kết kêu gọi kích động gây mất trật tự và an ninh tại khu vực Trạm thu phí.
Trước tình hình nêu trên và có thể tiếp tục diễn biến phức tạp tại hai trạm thu phí QL5, VIDIFI đã có văn bản báo cáo và đề nghị Tổng cục An Ninh và Công an các tỉnh thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương quan tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan xác minh, điều tra làm rõ hành vi nêu trên của cá nhân, tập thể và có biện pháp ngăn chặn để đảm bảo an ninh trật tự và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)