Anh Nguyễn Văn Dũng, một doanh nghiệp vận tải (trụ sở tại Hưng Yên) có nhiều đầu xe thường xuyên đi trên Quốc lộ 5 tâm sự: “Khi cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đi vào hoạt động, tôi và nhiều người cứ nghĩ là sẽ không phải trả phí khi đi Quốc lộ 5, vì chúng tôi đã phải trả phí quá lâu rồi. Tuy nhiên, cao tốc này đến nay đã hoạt động được gần 2 năm nhưng 2 trạm thu phí trên Quốc lộ 5 không những vẫn hoạt động mà còn tăng phí rất cao”.
|
Trạm thu phí số 1 trên Quốc lộ 5 (Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên). Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN |
Đây cũng là tâm tư của nhiều người dân, doanh nghiệp tại Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Mới đây cử tri tỉnh Hưng Yên đã có văn bản gửi tới kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV kiến nghị “Cần kiểm tra Trạm thu phí số 1, Quốc lộ 5 (Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, Hưng Yên) để giảm mức phí và theo phản ánh không có đầu tư mới nhưng Trạm này vẫn tăng phí bất thường từ 10.000 đồng/lượt lên 40.000 đồng/lượt”.
Sở dĩ người dân phản đối vì Quốc lộ 5 vốn được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước đã thu phí nhiều năm, nhưng lại vẫn thu phí sau khi Quỹ bảo trì đường bộ đã đi vào hoạt động.
Mặt khác, 2 trạm thu phí này đang được Tổng công ty Phát triển Hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi – chủ đầu tư dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng) thu phí để hoàn vốn cho dự án khác là cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, những năm qua, Hiệp hội liên tục nhận được đề nghị của các Hội Vận tải địa phương đề nghị bỏ 2 trạm thu phí trên Quốc lộ 5.
“Chúng tôi cũng chuyển kiến nghị này đến các bộ, ngành nhưng không được giải quyết”, ông Thanh cho hay.
Tại một cuộc họp gần đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông thừa nhận, người dân có lựa chọn trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng nhưng chỉ có sự lựa chọn giữa đường thu phí cao hơn (đi cao tốc Hà Nội – Hải Phòng), hoặc đi đường thu phí thấp hơn (đi Quốc lộ 5), mà không có lựa chọn nào miễn phí.
Dù được thu phí toàn bộ 2 trạm trên Quốc lộ 5 nhưng điều đáng nói là trước năm 2016, Vidifi không phải là đơn vị bỏ ra toàn bộ chi phí để sửa chữa, bào trì Quốc lộ 5 vì việc sửa chữa nâng cấp Quốc lộ 5 từ năm 2013 đến trước 2016 hết hơn 1.000 tỷ đồng do Tổng cục Đường bộ Việt Nam bỏ ra hơn 80%.
Còn lại 20%, khoảng 300 tỷ đồng, Vidifi đã ứng cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam để sửa chữa Quốc lộ 5. Từ năm 2016, Vidifi mới thực sự chi toàn bộ tiền cho việc bảo trì trên Quốc lộ 5.
Trong khi tổng số vốn đầu tư cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hơn 2 tỷ USD nhưng hiện tổng số phí thu được trên cao tốc này lẫn thu phí tại 2 trạm trên Quốc lộ 5 vẫn không đủ để trả lãi vay của các tổ chức tín dụng quốc tế.
Theo đánh giá, khi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đi vào hoạt động có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng kinh tế Bắc Bộ nói chung và các địa phương Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng nói riêng. Ngoài ra, dự án còn giúp giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 5.
Trong văn bản trả lời đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên ngày 14/8/2017 của Bộ Giao thông Vận tải về trạm thu phí trên Quốc lộ 5, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là dự án quan trọng, có quy mô và tổng mức đầu tư lớn.
Để đảm bảo khả năng hoàn vốn cho dự án, năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1621/QĐ-TTg ngày 29/11/2007 quyết định cơ chế đặc thù cho dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; trong đó cho Vidifi quản lý, thu phí 2 trạm trên Quốc lộ 5 cho đến hết thời gian kinh doanh dự án BOT, mức phí theo quy định của Bộ Tài Chính.
Cũng theo văn bản này, thời gian qua, Vidifi đã giảm phí các loại xe cỡ lớn, kinh doanh vận tải tới 35% để chia sẻ với người sử dụng, trong khi phần cam kết hỗ trợ khác của Nhà nước (bao gồm khoản hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng của dự án khoảng 4.069 tỷ đồng, tái cơ cấu các khoản vay nước ngoài 300 triệu USD) vẫn chưa có.
“Việc giảm phí sẽ phá vỡ phương án tài chính của hợp đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến dự án BOT, có khả năng đổ bể, không thể tiếp tục thực hiện được dự án” – công văn của Bộ Giao thông Vận tải thông tin.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là một dự án được triển khai theo cơ chế đặc thù, với một số cơ chế, chính sách thí điểm không phải một dự án BOT thông thường.
Tính đặc thù được thể hiện là vốn đầu tư cho dự án được huy động trong và ngoài nước (trong đó chủ yếu là vốn vay các tổ chức tín dụng nước ngoài) kết hợp với nguồn thu từ các công trình sẽ xây dựng xung quanh dự án (như các khu công nghiệp, khu đô thị...) cũng như thu phí tại 2 con đường là (cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Quốc lộ 5) để thu hồi vốn cho dự án.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc Vidifi cho hay: “Dù biết hỏi đa số người dân đều mong muốn đi miễn phí trên Quốc lộ 5. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề này đang vượt quá tầm của Vidifi. Hiện tại phương án tài chính của dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng chưa được đảm bảo do Chính phủ chưa góp được số tiền cam kết vào dự án”.
Nói về việc thu phí tại Quốc lộ 5, ông Tỉnh khẳng định, trong phương án tài chính của dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, nhà nước có giao cho Vidifi thu phí tại Quốc lộ 5 để đảm bảo trả nợ các khoản vay các tổ chức tín dụng nước ngoài mà Vidifi đứng ra vay để đầu tư cho cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Ông Tỉnh cũng cho biết, Vidifi được thành lập với hơn 97% vốn đầu tư của Ngân Hàng Phát triển (VDB). Ngoài vốn của ngân hàng đầu tư vào dự án, Vidifi còn vay của nhiều tổ chức tín dụng quốc tế từ Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Đức (có bảo lãnh của Chính phủ Việt Nam).
“Trong điều khoản vay đều ghi rõ phương án tài chính của dự án là thu trên Quốc lộ 5. Nay nếu bỏ thu phí Quốc lộ 5, các tổ chức tín dụng nước ngoài sẽ có ý kiến. Hiện nay, cứ vài tháng tổ chức cho vay của Hàn Quốc lại cử đoàn sang chúng tôi để giám sát xem khả năng trả nợ của dự án có khả thi để trả nợ hay không”, ông Nguyễn Văn Tỉnh nói.
Quốc lộ 5 với chiều dài trên 100 km được cải tạo, nâng cấp từ tháng 6/1996, trên tuyến hiện có 2 trạm thu phí. Đây là tuyến đường có lưu lượng đặc biệt lớn, trong đó nhiều container – loại xe nộp phí lớn nhất đi/đến cảng Hải Phòng./.