Nguyên phó đồn biên phòng chỉ đạo phá rừng lãnh 4 năm tù

Google News

Tổ chức phá rừng pơ mu ở Quảng Nam, nguyên phó đồn biên phòng cửa khẩu Nam Giang bị tuyên phạt 4 năm tù.

Ngày 8/6, Tòa án Quân sự Khu vực I - Quân khu 5 đã tuyên án sau 3 ngày xét xử vụ án phá rừng pơ mu đối với bị cáo Lê Xuân Chính, đại úy - nguyên Phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang kiêm Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Nam Giang (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) cùng 20 đồng phạm về tội "Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng".
HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Chính, 48 tháng tù; Nguyễn Văn Quang, 42 tháng tù; Nguyễn Văn Thắng 36 tháng tù; Lê Trọng Dương, Mai Văn Cường và Phạm Văn Bồng, cùng 32 tháng tù; Mai Văn Châu, 30 tháng tù và Nguyễn Văn Sanh, 28 tháng tù giam.
Bị cáo Lê Xuân Chính bị tuyên phạt 4 năm tù giam
Bị cáo Tiêu Hồng Tư và Lê Hồng Diêu, 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Các bị cáo còn lại lãnh mức án từ 12 đến 25 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. HĐXX cũng tuyên buộc các bị cáo liên đới phải bồi thường thiệt hại cho Ban quan lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung gần 600 triệu đồng.
Theo cáo trạng, Chính có quan hệ thân thiết với Tiêu Hồng Tư (SN 1967), Giám đốc Công ty CP Minh Hà (TP Đà Nẵng). Khoảng tháng 3-2016, Chính chở Nguyễn Văn Quang (SN 1982) sang xưởng gỗ của Tư ở Đắk Chưng (Lào) để trao đổi việc tìm khu vực có gỗ pơ mu, thông đỏ, dổi để khai thác.
Tháng 5-2016, Quang rủ Nguyễn Văn Thắng (SN 1978) đi theo đường công vụ biên phòng vào rừng và phát hiện khu vực Tiểu khu 351 rừng phòng hộ Nam Sông Bung (xã La Dêê, huyện Nam Giang) có gỗ pơ mu nên báo cho Chính.
Rừng phòng hộ Minh Hóa bị khai thác gỗ trái phép. Ảnh: Tuấn Bùi
Giữa tháng 6-2016, Quang gặp Tư trao đổi về quy cách xẻ gỗ và được Tư ứng trước 100 triệu đồng. Có tiền, Quang điện cho Thắng và Nguyễn Văn Sanh (SN 1982, ngụ tỉnh Quảng Bình) huy động 17 người vào rừng khai thác, vận chuyển gỗ. Khi Thắng hỏi việc khai thác gỗ này hợp pháp hay không thì Quang nói đã có Chính lo hết rồi
Hậu quả, rừng phòng hộ Nam Sông Bung bị các bị can chặt hạ, cưa xẻ 37 cây gỗ pơ mu - nhóm IIA thuộc nhóm thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Tổng khối lượng gỗ pơ mu bị các bị can khai thác trái phép là 53,123 m3 với tổng giá trị thiệt hại được xác định là hơn 3,2 tỉ đồng.
Trước đó, trong phiên xử sơ thẩm diễn ra 3 ngày, từ 19 đến 21-1 tại tỉnh Quảng Nam, HĐXX Tòa án Quân sự Khu vực I – Quân khu 5 đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án trên.
Trong một diễn biến khác, chiều 8-6, trao đổi với PV Báo Người Lao Động, ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) xác nhận Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ huyện này vừa thi hành kỷ luật 2 cán bộ vì để xảy ra tình trạng phá rừng trái phép trên địa bàn.
Theo đó, BQL rừng phòng hộ huyện Minh Hóa kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Đinh Minh Thanh, Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng K Vàng do thiếu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, đôn đốc, kiểm tra để xảy ra phá rừng tại tiểu khu 144. Đồng thời, BQL cũng điều chuyển ông Thanh về làm nhân viên của Ban.
Ngoài ra, BQL rừng phòng hộ huyện Minh Hóa còn kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Lê Minh Thắng, cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa - phụ trách Trạm bảo vệ rừng K Vàng vì để xảy ra phá rừng trái pháp luật trong tiểu khu được giao quản lý.
Trước đó, đầu tháng 4, báo chí phản ánh về tình trạng khai thác gỗ trái phép tại khoảnh 2, tiểu khu 144 thuộc lâm phận BQL rừng phòng hộ huyện Minh Hóa khi nhiều diện tích rừng nơi đây bị tàn phá, nhiều cây gỗ bị "lâm tặc" đốn hạ rồi khai thác vận chuyển trái phép.
UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo UBND huyện Minh Hóa kiểm tra, báo cáo kịp thời và có biện pháp tăng cường ngăn chặn các hành vi xâm nhập khai thác gỗ trái phép. UBND tỉnh Quảng Bình cũng giao trách nhiệm cho BQL rừng phòng hộ Minh Hóa (đơn vị chủ rừng) xử lý nếu phát hiện cán bộ vi phạm và tăng cường chốt chặn ở những khu vực nhạy cảm, khu vực giáp ranh biên giới.
Theo B.Vân/nguoilaodong

>> xem thêm

Bình luận(0)