Ngày 21/8, Báo CAND tổ chức giao lưu trực tuyến xoay quanh công tác quản lý dân cư theo dự án Luật Cư trú sửa đổi đang được Quốc hội cho ý kiến, trong đó có đề xuất bỏ sổ hộ khẩu, vốn đang được quản lý thủ công, và cải tiến phương pháp quản lý dân cư sang hình thức điện tử, qua mã định danh cá nhân.
|
Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an. |
Một số độc giả của Báo CAND cho biết, sổ hộ khẩu hiện nay hợp là căn cứ quan trọng để tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch hợp đồng mua bán điện, nước, đăng ký dịch vụ điện thoại. "Khi không còn sổ hộ khẩu thì việc thực hiện các giao dịch này sẽ được áp dụng như thế nào?", độc giả nêu băn khoăn.
Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, khẳng định, việc bỏ sổ hộ khẩu cần được hiểu là thay đổi phương thức quản lý từ thủ công sang điện tử, người dân không những không lo gặp phiền phức mà còn được hưởng sự thuận tiện hơn rất nhiều trong tương lai.
Sổ hộ khẩu hiện chứa một số trường thông tin về công dân. "Các thông tin trong sổ hộ khẩu giấy hiện nay sẽ được chuyển sang thu thập, cập nhật trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư", Đại tá Cường nói.
Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội lý giải, thông qua mã định danh cá nhân, các cơ quan sẽ được phép khai thác thông tin về công dân đó trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư "theo phạm vi, chức năng, nhiệm vụ" để hoàn thiện thủ tục cho người dân, thay vì yêu cầu các giấy tờ trực tiếp như trước.
|
Ảnh minh hoạ. |
Đại tá Cường cũng cho biết, sắp tới, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành (dự kiến cùng thời điểm Luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực) công dân có nhu cầu đăng ký thường trú, tạm trú có thể nộp hồ sơ qua mạng, thay vì trực tiếp đến cơ quan Công an.
"Hiện nay Bộ Công an đang chỉ đạo hoàn thiện phần mềm đăng kí cư trú để rút kinh nghiệm, hoàn thiện quy trình. Khi luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực, chúng tôi sẽ có hướng dẫn để công dân thuận lợi khi đăng kí thường trú, tạm trú", Đại tá Cường thông tin.
Theo Đại tá Cường, ngoài những thuận tiện từ việc bỏ sổ hộ khẩu, dự thảo Luật Cư trú sửa đổi cũng bỏ điều kiện thường trú, tạm trú ở thành phố trực thuộc Trung ương để áp dụng thống nhất một điều kiện là công dân có chỗ ở hợp pháp ở đâu thì đăng ký thường trú ở đó.
Như vậy, với những người có nhu cầu "có hộ khẩu" tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì tới đây sẽ chỉ cần có chỗ ở hợp pháp và nộp đăng ký thường trú qua internet là đủ.
Hiện nay, công dân muốn đăng ký thường trú, làm sổ hộ khẩu tại các thành phố trực thuộc Trung ương phải hoàn thiện nhiều thủ tục, có thời hạn tạm trú đủ dài và đi lại giữa nơi đăng ký thường trú cũ, mới để làm giấy tờ.
|
Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp, Bộ Công an. |
Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp, Bộ Công an cho biết việc bỏ sổ hộ khẩu, bỏ điều kiện thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương là bước tiến bước ngoặt đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân.
"Quy định hiện hành đang tạo ra sự bất bất bình đẳng về tự do cư trú, nhất là người dân ở các thành phố lớn", Thượng tá Thu nêu. Trước băn khoăn bỏ sổ hộ khẩu và điều kiện thường trú có thể khiến Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tăng dân cơ học, Thượng tá Thu nhấn mạnh đó không phải nguyên nhân mà nguyên nhân là ở các yếu tố khác như việc làm, y tế, giáo dục, môi trường sống.
"Chưa đầy một năm nữa, tất cả công dân Việt Nam chỉ cần một nút chạm trên điện thoại thông minh sẽ được hưởng những thành quả hữu ích từ nỗ lực và quyết tâm của Bộ Công an, Chính phủ, Quốc hội", Thượng tá Thu nhấn mạnh.