Đáng chú ý, trong clip có lời thoại được cho là của ông Tùng: “Muốn gia hạn thì cần phải xin sớm đi, vì anh Quyền còn có mấy tháng nữa thôi. Anh Quyền ấy xử lý rất nhanh. Anh Quyền anh ấy phê duyệt cho, rồi mình làm thủ tục xin gia hạn luôn”.
Trao đổi với báo chí, ông Hồ Đình Tùng thừa nhận người trong clip là ông và cho rằng đoạn clip này là cắt ghép.
|
Hình ảnh cắt từ clip ghi lại cảnh đưa tiền. |
Theo lời ông Tùng, vào trung tuần tháng 5/2020, một đối tượng đi vào phòng ông và trao đổi liên quan hoạt động khai thác mỏ nhưng chưa có hồ sơ. Đối tượng nói rằng có mua lại cái mỏ đất của Công ty Ba Đình nhưng đã hết hạn. Ông Tùng có thông tin với đối tượng về các thủ tục cấp phép cho đối tượng về lãnh đạo phụ trách, nếu đủ điều kiện sẽ được cấp phép.
Cũng theo ông Tùng, không hiểu sao đối tượng cứ dí tiền vào tay ông và khẳng định không lấy tiền của đối tượng này. Đồng thời cho rằng, những thông tin trong video lan truyền trên mạng xã hội là có người có hành vi đe dọa, tống tiền ông.
Hiện vụ việc trên, lãnh đạo UBND thị xã Nghi Sơn đã giao cho công an thị xã báo cáo với công an tỉnh điều tra, làm rõ. Dư luận đặt câu hỏi, nếu trường hợp ông Hồ Đình Tùng nhận số tiền trên thì sẽ bị xử lý ra sao? Trường hợp đối tượng cắt ghép video nhằm mục đích vu khống ông Tùng thì đối tượng sẽ bị xử lý như thế nào?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Phạm Thu Hà, Phó trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, theo đoạn clip được đăng tải có thể thấy có người có hành vi đưa tiền cho ông Hồ Đình Tùng và nhờ giúp đỡ phê duyệt hồ sơ. Tuy nhiên, clip chưa phản ánh hết nội dung vụ việc rằng có chính xác Phó chủ tịch huyện đã nhận số tiền đó hay không.
Do đó, cơ quan chức năng cần tiến hành điều tra làm rõ vụ việc. Để làm rõ những vấn đề như: Có hay không hành vi đưa tiền như trên? Số tiền là bao nhiêu? Ai là người đưa tiền? Ông Tùng có nhận số tiền đó hay không? Đã có hành vi nào thực hiện theo yêu cầu của người đưa tiền hay không? Clip trên là thật hay có sự cắt ghép?...
Theo luật sư Hà, nếu đúng là ông Tùng có nhận số tiền như trong clip để làm hoặc hứa phê duyệt, tạo điều kiện cho việc phê duyệt hồ sơ dự án nào đó theo yêu cầu của người đưa tiền, ông Tùng có đầy đủ dấu hiệu của tội Nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trường hợp số tiền hối lộ là từ 2 triệu đồng đồng trở lên đến dưới 100 triệu đồng, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp theo quy định tại khoản 1 điều này thì sẽ bị xử phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Cùng với đó, người đưa tiền cũng có thể bị xử lý về tội Đưa hối lộ.
|
Luật sư Phạm Thu Hà. |
Trường hợp đoạn clip nêu trên là dàn dựng, cắt ghép và ông Tùng không hề nhận tiền, không thực hiện các công việc như người đưa tiền yêu cầu thì người làm ra clip, đăng tải clip nêu trên đã vi phạm pháp luật. Việc đăng clip sai sự thật trên có dấu hiệu của tội vu khống.
Theo quy định tại Điều 156 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định rõ: Người nào có các hành vi bịa đặt hoặc lan truyền điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng danh dự nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ với cơ quan chức năng... là phạm tội vu khống.
Hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Ngoài ra, người bị vu khống có quyền đòi bồi thường tổn thất theo quy định của pháp luật.
Hiện cơ quan công an đã vào cuộc để xác minh, làm rõ vụ nghi vấn Phó Chủ tịch thị xã Nghi Sơn nhận hối lộ.
>>> Mời độc giả xem thêm video Phó Chủ tịch huyện bị tố nhận tiền hối lộ từ doanh nghiệp
Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.