Trong vụ nâng khống giá Kit xét nghiệm COVID-19, Công ty Việt Á bán Kit xét nghiệm COVID-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng. Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á đã chi phần trăm ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương số tiền gần 30 tỷ đồng, tương đương 20%.
Dư luận đặt nghi vấn, công ty Việt Á cũng đã chi “hoa hồng” 20% gói thầu kit test COVID-19 cho các địa phương khác. Theo thông tin từ cơ quan điều tra, Việt Á đã cung ứng Kit xét nghiệm COVID cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước và Việt Á có thủ đoạn chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn.
|
Ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương. |
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, việc chi phần trăm ngoài hợp đồng của Công ty Việt Á cho Giám đốc CDC Hải Dương không phải “hoa hồng” hay chiết khấu, đây là hành vi đưa nhận hối lộ trá hình.
“Bản chất không ở việc chi hoa hồng hay chiết khấu khi thực hiện các hợp đồng giữa Việt Á và Giám đốc CDC Hải Dương. Chúng ta là kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nếu thỏa thuận có giấy tờ hợp pháp, có hóa đơn chứng từ hàng hóa chứng từ, giá thành hợp lý thì không ai có ý kiến. Bản chất của sự việc ở đây là vấn đề thuế, vấn đề giá thành thực tế và chất lượng kit test COVID-19 của công Việt Á. Kể cả nhận 1% mà cấu kết nâng giá thành cũng là sai phạm chứ không phải đến 20%”, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nêu ý kiến.
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, với số tiền Công ty Việt Á chi cho Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến lên đến gần 30 tỷ (chiếm 20% tổng các hợp đồng) và có thể nhiều lãnh đạo cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng ở các địa phương khác. Đây không thể coi là hoa hồng hay phần trăm hợp đồng được.
Bởi nếu là phần trăm hay hoa hồng, chiết khấu hợp pháp sẽ được quy định cụ thể trong hợp đồng mua bán giao dịch của 2 bên. Tuy nhiên, đây là hợp đồng đấu thầu, toàn bộ quá trình đấu thầu và lựa chọn thầu phải tuân theo quy định của pháp luật và bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quá trình chọn thầu.
Như vậy, với tội danh "Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã được cáo buộc, không thể nói đây là tiền hoa hồng hay tiền “phần trăm hợp đồng” cho các giao dịch giữa 2 bên được mà bản chất của số tiền này là tiền đưa và nhận hối lộ.
|
Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt. |
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, theo Điều 354, BLHS năm 2015 về tội nhận hối lộ quy định rằng người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Tội nhận hối lộ được cấu thành do lỗi của người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Thể hiện ở hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận tiền của hoặc lợi ích vật chất khác dưới vất kỳ hình thức nào để làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu hoặc vì lợi ích của người đưa hối lộ.
Hành vi nhận hối lộ được thực hiện trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác nhau (trường hợp sẽ nhận là trường hợp người có chức vụ chưa nhận tiền của hối lộ nhưng có căn cứ cho rằng đã có sự thỏa thuận về việc nhận hối lộ sau khi thực hiện xong một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ).
Theo điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội đưa hối lộ quy định, người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào gồm tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm.
Tội đưa hối lộ đòi hỏi phải có hành vi đưa lợi ích một cách bất chính cho người có chức vụ, quyền hạn. Hành vi đưa của hối lộ có thể diễn ra trước hoặc sau khi người có chức vụ, quyền hạn làm theo yêu cầu của người đưa. Đối với trường hợp đưa của hối lộ sau khi người có chức vụ, quyền hạn làm theo yêu cầu của người đưa, giữa người nhận và người đưa phải có sự thõa thuận về của hối lộ và việc làm hoặc không làm vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa. Hành vi đưa của hối lộ có thể được thực hiện trực tiếp hoặc qua trung gian, của hối lộ có thể được thụ hưởng bởi chính người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác, tổ chức khác theo ý chí của người có chức vụ, quyền hạn.
Do đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cần tiếp tục điều tra mở rộng đối với các cá nhân, đơn vị liên quan để làm rõ bản chất của vụ án, yếu tố tư lợi để xem xét quy kết đúng và đủ tội đối với các đối tượng vi phạm quy định pháp luật nêu trên.
Mới đây, cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, Phạm Duy Tuyến, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương cùng 5 bị can khác liên quan vụ sai phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test COVID của các địa phương trên cả nước và việc sản phẩm Kit test COVID thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn, Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng.
Sau đó, thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (công ty liên danh, công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do Công ty Việt Á đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành.
Để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, tăng doanh thu lợi nhuận và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn.
Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng không giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/Kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.
Lực lượng chức năng đã tiến hành khám xét 16 địa điểm tại 8 tỉnh, thành phố bao gồm TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Dương, Thừa Thiên Huế, Long An, Bình Dương, Cần Thơ và Nghệ An, thu giữ hàng trăm bộ hồ sơ, tài liệu, hợp đồng thầu, đồng thời triệu tập 30 đối tượng có liên quan đến cơ quan công an để điều tra làm rõ.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cận cảnh xưởng sản xuất kit xét nghiệm của công ty Việt Á: