Nghèo khó và thiếu thông tin, nhiều phụ nữ trở thành “món hàng”

Google News

Mỗi năm Việt Nam phát hiện hàng trăm vụ mua bán người. Số vụ mua bán người diễn biến phức tạp, nguy cơ gia tăng.

Càng nghèo càng dễ bị buôn bán
Ngheo kho va thieu thong tin, nhieu phu nu tro thanh “mon hang”
 Trao trả nạn nhân các vụ buôn người tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai giữa Biên phòng tỉnh Lào Cai và Công an Trung Quốc. Ảnh: M.N.
Theo tổng điều tra, rà soát (tháng 5.2016), Việt Nam có 2.596 trường hợp của nạn mua bán người, trong đó có 1.162 nạn nhân; 1.414 người nghi bị mua bán và 26 người chưa thành niên trở về cùng nạn nhân. Các địa phương có nhiều nạn nhân nhất là Sơn La (367 người), Lào Cai (267), Nghệ An (263). Có tới 97% số người bị buôn bán là phụ nữ, trong đó, dân tộc Kinh chỉ chiếm 20%, còn lại là các dân tộc khác. Có 86% là phụ nữ trên 30 tuổi.
Nguồn: Cục Phòng chống
tệ nạn (Bộ LĐTBXH)
Lào Cai là tỉnh miền núi, giáp ranh với Trung Quốc. Nghèo đói cũng tỷ lệ thuận với nạn buôn bán người ở nơi đây. Thống kê mới nhất của Bộ LĐTBXH trong năm 2016 cho thấy, địa phương này có tới 392 vụ buôn bán, 267 nạn nhân bị buôn bán (chưa kể nạn nhân từ tỉnh ngoài), chỉ xếp sau Sơn La.
Thôn Sơn Hà (xã Cốc Mì, Bát Xát, Lào Cai) có 66 hộ thì có quá nửa hộ thuộc diện hộ nghèo. Toàn thôn đã có tới 25 phụ nữ bị lừa bán sang biên giới, chiếm hơn 40% số phụ nữ là trụ cột gia đình trong thôn. Đây có lẽ là thôn có tỷ lệ phụ nữ bị lừa bán cao nhất khu vực miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, cũng có phụ nữ chủ động tìm “chồng ngoại” để hy vọng thoát nghèo.
Ông Sùng A Chỉnh – Trưởng thôn Sơn Hà cho biết, chỉ trong 5 năm qua, trong 25 chị em bị lừa bán thì có tới 21 người đã có gia đình. Một số ít trường hợp may mắn được các cơ quan chức năng giải cứu, trở về quê hương, nhưng còn không ít chị em bặt vô âm tín. Ông Chỉnh lý giải câu chuyện phụ nữ bị lừa bán hay tự bỏ bản, bỏ gia đình đi lấy chồng ở xứ người cũng thật đơn giản: “Thôn này nghèo lắm, đói lắm nên họ mới ra đi...”. Bản thân ông Chỉnh cũng là một trong số nhiều ông chồng ở xã Cốc Mì bị mất vợ.
Bên lề hội nghị, ông Nguyễn Tường Long - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Lào Cai chia sẻ thực trạng buôn bán người đang diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn. Ông Long cho rằng vấn đề khó khăn hiện nay là làm thế nào để truyền thông cho người dân ở vùng khó khăn về việc họ có thể gặp bất trắc và rơi vào vòng xoáy mua bán người bất cứ lúc nào.
Nhiều chiêu lừa đảo tinh vi
Theo thống kê của IOM, châu Á – Thái Bình Dương là khu vực có tỷ lệ buôn bán người cao nhất trên thế giới, trong đó ASEAN là một trong những khu vực xảy ra vấn nạn buôn bán người nhức nhối nhất. Trong số 2,5 triệu người bị buôn bán thì đa phần đến từ châu Á- Thái Bình Dương. Có 1/3 nạn nhân bị buôn bán là phụ nữ và trẻ em trên thế giới đến từ các quốc gia Đông Nam Á.
Khảo sát năm 2016 của
Cục Phòng chống tệ nạn xã hội
68% nạn nhân bị buôn bán là người chưa có gia đình
84% nạn nhân có kinh tế khó khăn (chiếm 84%)
71% là người làm ruộng hoặc không nghề nghiệp
98% nạn nhân bị bán ra nước ngoài là sang Trung Quốc
Ông Lê Đức Hiền – Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết Việt Nam là vùng đất có đường biên giới rộng, nhạy cảm thuận lợi cho đối tượng hành nghề buôn bán người. Thêm vào đó, hiện nay tình trạng buôn bán người cũng rất tinh vi, thông qua việc xuất khẩu lao động, cưới chồng, đi du học... Trước thực trạng này, ông Hiền cho biết, Bộ LĐTBXH và các đơn vị cũng đã truyền thông, quản lý, xử lý vụ việc liên quan tới mua bán người. Bên cạnh đó, thực hiện hỗ trợ nạn nhân trở về cũng là vấn đề lớn.
Theo ông Hiền, qua điều tra, khảo sát năm 2016 của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, có tới 68% nạn nhân bị buôn bán là người chưa lập gia đình. Hầu hết nạn nhân đều có kinh tế khó khăn thuộc hộ nghèo (chiếm 84%), 71% là người làm ruộng hoặc không nghề nghiệp. Ông Hiền nhận định, đa phần các trường hợp buôn bán đều nhằm mục đích cưỡng ép kết hôn và bóc lột tình dục.
Ông Trịnh Ngọc Dương – Phó Trưởng phòng Phòng chống buôn bán người (Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an) chia sẻ, nhiều xã ở các tỉnh miền Tây có hàng trăm người di cư sang biên giới Campuchia làm việc. Lương thấp bóc lột sức lao động, nhưng bản thân họ không nghĩ là bóc lột và không báo nên khó xử lý.
Ông Phạm Văn Công – Cục Pháp chế và Cải cách thủ tục hành chính, tư pháp (Bộ Công an) cho rằng cần làm rõ các khái niệm mua bán người, xác định nạn nhân là trẻ em, cụ thể là độ tuổi trẻ em. “Điều này sẽ đặt ra yêu cầu: khi Việt Nam thực hiện công ước sẽ đặt ra vấn đề xử lý thế nào cho người từ độ tuổi 16-18 tuổi. Do vậy, nếu không làm rõ các khái niệm này sẽ khó có biện pháp phòng chống, xử lý” – ông Công nói.
Ông Nguyễn Tường Long chia sẻ, ông đã tiếp cận với nhiều nạn nhân từ nhiều tỉnh thành của Trung Quốc trở về qua cửa khẩu Lào Cai. Qua hỗ trợ và tư vấn, đa phần nạn nhân không hiểu biết gì về buôn bán người và đều đến từ những vùng vùng khó khăn, gia đình nghèo khó. “Vì vậy, nên truyền thông tại cụm, truyền thông trực tiếp tại địa phương ở thôn, bản, đặc biệt là những vùng khó khăn để người dân hiểu và cảnh giác nhận thấy cạm bẫy buôn bán người mà đề phòng” – ông Long kiến nghị.
Theo Minh Nguyệt/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)