Theo quyết định của TAND cấp cao tại Hà Nội, ngày 16/8 sẽ xét xử phúc thẩm bị cáo Vi Văn Phượng (SN 1968, ở huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) về tội “Giết người”. Nạn nhân trong vụ án là bà Nguyễn Thị Vui (SN 1926, mẹ đẻ của Phượng).
Trước đó, Vi Văn Phượng đã 3 lần bị tuyên án tử hình, nhưng đều kháng cáo kêu oan. Vụ án xảy ra cách đây 10 năm (tháng 10/2012) và một năm sau, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều kết luận, Phượng có hành vi sát hại mẹ đẻ là bà Vui nên phải nhận án tử hình. Sau đó, bị cáo Phượng và gia đình kêu oan.
|
Bị cáo Vi Văn Phượng trong phiên toà sơ thẩm tại Bắc Giang. |
Theo cáo buộc, vợ chồng Vi Văn Phượng ở cùng mẹ đẻ là bà Nguyễn Thị Vui. Năm 2009, bị cáo vay mẹ đôi hoa tai 1,5 chỉ vàng để lo cho vợ, con đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, người con phải về nước trước thời hạn nên Phượng chưa thể trả nợ cho mẹ.
Khi bà Vui nhiều lần thúc giục trả vàng, Phượng bức xúc rồi nảy ý định sát hại mẹ đẻ. Đầu tháng 10/2012, bị cáo ra tiệm mua 1,5 chỉ vàng rồi đưa cho con trai mang cho mẹ. Tuy nhiên, bà cụ phản ứng vì cho rằng đó là vàng giả. Tranh cãi xảy ra, bị can càng quyết tâm thực hiện ý định sát hại mẹ đẻ. Trưa 5/10/2012, Vi Văn Phượng thấy mẹ đang ngủ ở nhà một mình nên dùng dao quắm chém nạn nhân tử vong. Sau ít phút, Phượng loan báo mẹ đẻ đã bị người khác sát hại.
Tháng 4/2013, TAND tỉnh Bắc Giang lần đầu xét xử ông Phượng về tội giết người. Tại tòa, bị cáo phản cung và cho rằng do bị điều tra viên ép cung, dọa bắt hết con cái vào tù nên phải nhận tội. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm khẳng định lời khai của bị cáo không có căn cứ nên tuyên tử hình.
Ngày 28/8/2013, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm (lần một) tuyên y án sơ thẩm. Trong thời gian chờ thi hành án, bị án Phượng tiếp tục làm đơn kêu oan.
Vụ án sau đó nằm trong danh sách các vụ án được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát về tình hình án oan, sai trong tố tụng hình sự. Viện trưởng VKSND Tối cao đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm.
Ngày 7/11/2016, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao gồm 14 thành viên do ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án Toà án nhân dân Tối cao làm Chủ tọa phiên tòa đã xét xử giám đốc thẩm và ra Quyết định Giám đốc thẩm số 17/2016/HS-GĐT, quyết định: “Hủy toàn bộ Bản án Hình sự sơ thẩm số 524/2013/HSPT ngày 28/8/2013 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại Hà Nội và Bản án Hình sự sơ thẩm số 13/2013/HSST ngày 04/4/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang. Chuyển hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao để điều tra lại theo quy định pháp luật”. Quyết định Giám đốc thẩm cũng nêu rõ 7 vấn đề “thiếu sót”, “mâu thuẫn”, “cần điều tra làm rõ” khi điều tra lại.
Vụ án sau đó được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang tiến hành điều tra lại và tiếp tục đề nghị truy tố. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang đã tiếp tục truy tố bị cáo Vi Văn Phượng về tội “Giết người”.
Tại Bản án sơ thẩm số 36/2019/HS-ST ngày 19/8/2019 (sơ thẩm lần hai), Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang tiếp tục tuyên bị cáo Vi Văn Phượng phạm tội “Giết người” và chịu hình phạt “Tử hình”. Tại tòa, bị cáo Phượng nhiều lần kêu oan. Ông Phượng khẳng định mình không bao giờ giết mẹ, khai bị điều tra viên bức cung. Tham gia bào chữa, các luật sư đưa ra nhiều bằng chứng để cho rằng bị cáo không có mặt ở hiện trường tại thời điểm mẹ mình bị sát hại. Tuy nhiên, các quan điểm này đã bị tòa bác bỏ. Ông Phượng sau đó tiếp tục kêu oan cho đến nay.
Luật sư kiến nghị thực nghiệm điều tra
Trao đổi với PV, Luật sư Đinh Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Quang – người bào chữa cho bị cáo Vi Văn Phượng tại phiên tòa này cho biết, ông đã có văn bản kiến nghị gửi tới ông Chánh án và ông Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm, nêu ra những vi phạm tố tụng của cấp sơ thẩm, chứng minh những tài liệu cột tội không đủ vững chắc, không đáp ứng được 7 vấn đề nêu ra tại Quyết định Giám đốc thẩm.
“Chúng tôi cũng đã cung cấp những tài liệu và tình tiết gỡ tội cho bị cáo Vi Văn Phượng tới ông Chánh án Toà án nhân dân Tối cao và các cơ quan có chức năng giám sát hoạt động tư pháp”, Luật sư Đinh Anh Tuấn nói.
Theo Luật sư Đinh Anh Tuấn, trong 7 vấn đề nêu tại Quyết định Giám đốc thẩm số 17/2016/HS-GĐT thì vấn đề số 2 “Yêu cầu cơ quan giám định xác định chính xác thời gian chết của nạn nhân. Nạn nhân chết lúc mấy giờ, bao lâu sau thì máu đông và chuyển màu thâm đen?” chưa được các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm (lần hai) đáp ứng đầy đủ. Việc giám định để xác định thời gian chết của nạn nhân thông qua lượng thức ăn chưa tiêu hóa hết trong dạ dày đang có vi phạm tố tụng cần giám định lại.
“Vấn đề máu người chảy ra khỏi vết thương sau bao lâu chuyển sang màu thâm đen hoàn toàn có thể làm rõ thông qua thực nghiệm điều tra, nhưng chưa được cấp sơ thẩm xem xét”, Luật sư Đinh Anh Tuấn cho biết, ông nhấn mạnh thêm “Theo Toà án cấp sơ thẩm, ông Phượng chém mẹ lúc 11h18’ ngày 05/10/2012; người làm chứng đầu tiên có mặt tại hiện trường lúc 11h25’ và nhìn thấy máu chảy ra khỏi vết thương của cụ Vui đã đông và chuyển sang màu thâm đen. Các luật sư bào chữa chúng tôi tin tưởng kết quả thực nghiệm điều tra về vấn đề này sẽ cung cấp chứng cứ ngoại phạm cho bị cáo Vi Văn Phượng”.
Luật sư Đinh Anh Tuấn cho biết thêm, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo bị kết án tử hình một mực kêu oan, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã hủy cả 2 bản án trước đó để điều tra lại.
“Bị cáo đã bị tam giam gần 10 năm, vậy nên tại phiên toà tới đây nếu vẫn phát hiện ra các vấn đề chưa được làm rõ thì Hội đồng xét xử cần yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ theo Điều 284 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, chứ không nên hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Một trong những yêu cầu quan trọng là việc thực nghiệm điều tra để xác định máu người chảy ra khỏi vết thương sau bao lâu thì chuyển sang màu thâm đen, theo đúng yêu cầu đặt ra tại Quyết định Giám đốc thẩm”, ông Tuấn nói.
>>> Mời độc giả xem thêm video Hotgirl buôn bán ma túy bị tuyên án tử hình: