Trao đổi với Zing về những lùm xùm xoay quanh vụ ngộ độc pate Minh Chay, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, cho rằng việc sản phẩm này gặp vấn đề về an toàn thực phẩm khi bán ra thị trường trong khi đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất là chuyện có thể xảy ra.
Ngành nông nghiệp và y tế đang phối hợp để tìm nguyên nhân khiến sản phẩm nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum.
"Trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc về doanh nghiệp"
- Ông nhận định như thế nào về vai trò của các cơ quan quản lý ở Hà Nội trong sự vụ ngộ độc pate Minh Chay?
- Trong vụ việc này, đầu tiên là người dân bị ngộ độc rồi vào bệnh viện. Sau đó, các bệnh viện lấy mẫu bệnh phẩm và xác định được bệnh nhân bị ngộ độc, rồi điều tra dịch tễ xem bị ngộ độc do ăn gì. Đến khi nhận thấy người bị ngộ độc đều từng ăn pate này thì các bệnh viện mới xác định được sản phẩm gây độc và báo cáo lên Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).
Tuy nhiên, cơ quan này cũng phải lấy mẫu xét nghiệm sản phẩm để xem sản phẩm này có chứa độc tố và vi khuẩn không, rồi mới kết luận được nguyên nhân ngộ độc. Đó là trách nhiệm của ngành y tế.
Ngành nông nghiệp chịu trách nhiệm khâu sản xuất. Cơ sở sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới thuộc trách nhiệm quản lý của Sở NN&PTNT Hà Nội, còn việc giám sát kiểm tra hoạt động sản xuất của công ty đó thuộc về Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội.
Khi sự việc xảy ra, trách nhiệm của Chi cục này là yêu cầu công ty dừng sản xuất và điều tra nguyên nhân, tiếp nữa là lên phương pháp khắc phục. Khi nào xác định đúng nguyên nhân và đưa ra được giải pháp một cách khoa học thì doanh nghiệp mới được xem xét để cho sản xuất trở lại. Cả ngành y tế và nông nghiệp đang cùng phối hợp để giải quyết sự việc này.
|
Pate Minh Chay bị phát hiện chứa vi khuẩn Clostridium botulinum - độc chất được nhận định nguy hiểm nhất thế giới. Ảnh: Minhchay.com. |
- Như vậy, trách nhiệm chính trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc về cơ quan nào, thưa ông?
- Ở nước nào cũng thế, việc đảm bảo về an toàn thực phẩm là do người sản xuất, người kinh doanh chịu trách nhiệm đầu tiên. Các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm giám sát, kiểm tra, thanh tra nếu có dấu hiệu vi phạm và xử lý với các trường hợp vi phạm.
Trách nhiệm đầu tiên về đảm bảo an toàn thực phẩm thuộc về người sản xuất kinh doanh, tôi phải khẳng định như thế. Luật An toàn thực phẩm cũng nói như vậy và đây cũng là thông lệ quốc tế. Bà nấu cháo thì mới biết mình nấu cái gì trong đó và phải nấu làm sao để đảm bảo an toàn. Cơ quan quản lý sẽ giám sát, thấy người nấu làm sai thì khuyến nghị nếu là hành vi không cố ý; còn hành vi cố ý thì xử lý, thậm chí điều tra hình sự.
- Sở NN&PTNT Hà Nội từng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm cho doanh nghiệp trước đó. Vậy đơn vị này phải chịu trách nhiệm như thế nào khi để sự việc xảy ra?
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn thực phẩm là do Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội) kiểm tra kỹ và cấp cho doanh nghiệp.
Trong sự việc này, vai trò của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản là thẩm định để cấp giấy chứng nhận, sau đó giám sát. Nếu phát hiện vi phạm thì đơn vị tiến hành kiểm tra lại, ra quyết định đình chỉ sản xuất, xử phạt và bây giờ là phối hợp để điều tra nguyên nhân. Tôi cho rằng trách nhiệm của chi cục làm như thế là đủ rồi.
Bởi lẽ, thời điểm chi cục kiểm tra để cấp giấy thì sản phẩm đó hoàn toàn đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp có thể sử dụng lô nguyên liệu bị thiu mốc hoặc sai sót trong quá trình sản xuất, xảy ra các sự cố thì đó là yếu tố phát sinh. Thế nên việc trước đó được cấp giấy, sau đó doanh nghiệp lại vi phạm là có thể xảy ra.
Chưa xác định được nguyên nhân sản phẩm chứa vi khuẩn độc
- Theo ông, nhiệm vụ chính mà các cơ quan chức năng cần làm hiện nay là gì, khi sự việc xảy ra đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân?
- Sau khi sự việc xảy ra, nhiệm vụ quan trọng trước mắt vẫn là chữa bệnh cho người dân. Thứ hai là các cơ quan chức năng phải xác định những ai đã mua sản phẩm này để tiến hành thu hồi và khuyến cáo.
Bởi vì sản phẩm không chỉ phân phối ở một tỉnh mà còn phân phối ở nhiều nơi, nên cơ quan ban ngành ở các địa phương đều phải vào cuộc, để xác định cơ sở phân phối và người mua sản phẩm này, đồng thời phối hợp để tiêu hủy, thu hồi.
Việc này phải có sự phối hợp liên ngành giữa ngành nông nghiệp và y tế của các tỉnh, thành. Phía Bộ NN&PTNT cũng đã có chỉ đạo theo ngành dọc và sẽ cùng địa phương tiếp tục theo dõi, hỗ trợ chính quyền để làm các việc trên.
- Vậy còn việc điều tra nguyên nhân và xem xét xử lý doanh nghiệp sẽ diễn ra thế nào?
- Để xác định nguyên nhân nhiễm vi khuẩn vào thực phẩm, cơ quan chức năng phải yêu cầu công ty rà soát lại toàn bộ hồ sơ và việc vận hành chế biến, sản xuất để xem nguyên nhân phát sinh vi khuẩn từ đâu.
Khi biết nguyên nhân, Sở NN&PTNT Hà Nội mới có thể đưa ra các biện pháp khắc phục, sau đó trình cho Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản xem biện pháp khắc phục đó ổn chưa. Nếu giải pháp chưa ổn thì chưa thể cho phép doanh nghiệp sản xuất trở lại.
Hiện, Công an Hà Nội đã vào cuộc điều tra và việc quan trọng vẫn là phải xác định rõ nguyên nhân. Nguyên nhân xuất phát từ đâu, từ nguyên liệu, từ quá trình chế biến, sản xuất, từ con người hay từ thiết bị? Không xác định được nguyên nhân cũng như mắc bệnh mà không biết vì sao, như vậy thì không điều trị được.
Việc này phải làm rất khoa học, cần nhiều thời gian. Việc doanh nghiệp phối hợp với cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân cũng sẽ tránh được việc tái phạm sau này.