Mới đây, Công an tỉnh Đồng Nai đang giữ Lý Thị Loan (39 tuổi, biệt danh Loan “cá”) cùng 10 đối tượng khác để điều tra về 2 hành vi "Cưỡng đoạt tài sản" và "Cho vay nặng lãi".
Theo điều tra ban đầu, công an xác định băng Loan “cá” hoạt động nhiều năm nay tại khu vực đường Đồng Khởi và tỉnh lộ 768, đoạn cổng trước và cổng sau Công ty Chang Shin Việt Nam (thuộc xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu). Khu vực này tập trung nhiều tiểu thương buôn bán ở các chợ tạm dọc đường phục vụ cho công nhân Khu công nghiệp Thạnh Phú.
Nếu ai không chịu nộp tiền bảo kê thì Loan “cá” sẽ huy động đàn em tới dùng vũ lực để phá hàng dằn mặt, đe doạ buộc họ phải nộp tiền. Ngoài việc thu tiền bảo kê, băng nhóm này còn hoạt động trong lĩnh vực cho vay, với mức lãi suất vài chục phần trăm mỗi tháng.
Sau khi bắt nóng Loan “cá” cùng đàn em hôm 5/5, khám xét nơi ở của các đối tượng, công an còn thu giữ nhiều cuốn sổ ghi số tiền thu hàng ngày của hàng trăm tiểu thương, sổ ghi cho vay nặng lãi, sổ ghi tiền đòi nợ thuê và sổ ghi đề.
Trao đổi với PV Kiến Thức, dưới góc độ pháp lý nói về vấn đề mức phạt nào cho bà trùm Loan “cá” và đàn em vừa bị công an bắt? Luật sư Đặng Văn Cường, Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo thông tin mà dư luận phản ánh và kết quả điều tra ban đầu của cơ quan điều tra cho thấy nhóm đối tượng do Loan “cá” cầm đầu đã có hành vi cưỡng đoạt tài sản nên cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với một số đối tượng về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự.
Theo đó, Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tái phạm nguy hiểm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
|
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội |
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Như vậy, căn cứ quan trọng để xác định các đối tượng này có thực hiện hành vi phạm tội hay không là việc chứng minh nhóm đối tượng này đã đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có những thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác để chiếm đoạt tài sản.
Chứng minh nhóm đối tượng này nhận tài sản của các tiểu thương ở chợ và người bán hàng rong bằng thủ đoạn đe dọa, uy hiếp tinh thần của họ. Nếu Cơ quan điều tra thu thập được đầy đủ những chứng cứ để chứng minh nội dung này thì đủ căn cứ để kết tội nhóm đối tượng này về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại điều 170 bộ luật hình sự năm 2015 nêu trên.
Mức hình phạt cụ thể đối với đối tượng vi phạm sẽ phụ thuộc vào tính chất mức độ của hành vi phạm tội thông qua các tình tiết của vụ án, trong đó liên quan đến việc có tổ chức, có tính chuyên nghiệp hay không, số tiền chiếm đoạt là bao nhiêu tiền... Với số tiền chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên thì các đối tượng này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất là từ 12 năm đến 20 năm tù.
Điều bất ngờ của vụ án này là những đối tượng cầm đầu những đường dây bảo kê, cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi thường là những đối tượng nam giới, côn đồ, hung hãn.
Nhưng đối tượng được xác định chủ mưu trong vụ án này lại là một phụ nữ bởi vậy yếu tố nhân thân của người này sẽ được cơ quan điều tra làm rõ để chứng minh người này có đủ khả năng, bản lĩnh để đứng đầu, chỉ đạo điều hành các đối tượng khác thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Thông tin dư luận cho biết nhóm đối tượng này còn thực hiện hoạt động cho vay nặng lãi và nhiều lần đánh người trong quá trình đòi nợ hoặc đòi tiền bảo kê. Những vấn đề này sẽ được cơ quan điều tra làm rõ nếu có căn cứ cho thấy nhóm đối tượng này đã cho vay với lãi suất vượt quá 05 lần mức lãi suất cao nhất do nhà nước quy định và hưởng lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015.
Còn đối với các hành vi cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản thì cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ, nếu đủ căn cứ thì cũng sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh này.
Thời gian gần đây địa bàn tỉnh Đồng Nai xảy ra nhiều trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tình hình tội phạm băng ổ nhóm xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, khó kiểm soát gây mất an ninh trật tự. Bởi vậy, các cơ quan bảo vệ pháp luật kiên quyết ra tay triệt phá các nhóm đối tượng tội phạm có tổ chức, tội phạm băng ổ nhóm là hết sức cần thiết để giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Việc điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là những giải pháp trong công tác phòng và chống tội phạm đạt hiệu quả. Cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân nơi đây phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, đấu tranh phòng chống tội phạm đạt hiệu quả, đặc biệt là loại tội phạm có tổ chức, băng, ổ phải nhóm tội phạm chuyên nghiệp để sớm lập lại trật tự trị an ở địa bàn nơi đây.
>>> Xem thêm video: Loan ‘cá’ chỉ đạo đàn em thu tiền bảo kê thế nào?