Hai dự án “phá cảnh quan” đều được “bật đèn xanh”
Công trình Mã Pì Lèng Panorama được xây dựng trên đỉnh Mã Pì Lèng, một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam (tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) và dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú xây dựng bề thế, án ngữ vị trí đẹp, không xa cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) gây xôn xao dư luận suốt thời gian qua với những nghi ngại phá nát cảnh quan, di tích danh thắng.
Cụ thể, công trình Mã Pì Lèng Panorama “4 không”: Không có Giấy chứng nhận đầu tư, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không có giấy phép xây dựng, và không có văn bản thẩm định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhưng lại ngang nhiên mọc lên đến 7 tầng ở khu vực được xếp hạng danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, và thuộc Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận cách đây 3 năm.
|
Công trình Mã Pì Lèng Panorama. |
Trong khi đó, dù nằm ngoài khu vực bảo vệ I và II của danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng, tuy nhiên, theo Điều 36, Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, công trình này có khả năng ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của danh thắng Mã Pì Lèng. Do đó cần có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Một công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama kiên cố dù chưa có cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép đầu tư và cấp phép xây dựng nhưng thản nhiên mọc lên hoàn chỉnh nhưng không bị xử lý kịp thời. Chỉ khi dư luận phản ứng gay gắt, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang mới vào cuộc kiên quyết xử lý không khỏi khiến dư luận cho rằng công trình trên được “bật đèn xanh” để xây dựng và hoàn thiện. Trong khi đó, UBND huyện Mèo Vạc từ chỗ kêu gọi đầu tư, khuyến khích xây dựng một trạm dừng nghỉ tại vị trí này nhưng lại không giám sát chặt chẽ, khi phát hiện ra sai phạm không ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý dẫn đến việc công trình hoàn thiện với nhiều sai phạm.
Do vậy công trình Mã Pì Lèng Panorama đặt ra vấn đề về kỷ cương, kỷ luật, về trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong quản lý xây dựng. Nếu các quy định hiện hành được thực hiện nghiêm túc ngay từ đầu thì rất khó để “con voi chui lọt lỗ kim” và cơ quan quản lý cũng không phải đau đầu tìm cách xử lý “việc đã rồi” như hiện nay.
Mới đây, dự án khu du lịch sinh thái tâm linh Lũng Cú (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang) với tổng vốn dự kiến 800 tỷ đồng, quy mô xây dựng bề thế án đang được chủ đầu tư khoét núi tạo mặt bằng và đang xây dựng các gian chùa, bậc thang và các công trình lưu trú đã bị Bộ VHTTDL chỉ ra sai phạm tại dự án trên theo phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng.
Cụ thể, theo Bộ VHTTDL dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú đề xuất sử dụng một phần diện tích đất thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ của di tích quốc gia Cột cờ Lũng Cú. Dự án này nằm trong lòng Công viên Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO ghi danh trong danh mục Công viên địa chất toàn cầu năm 2010. Đồng thời, công trình trên cũng được Thủ tướng phê duyệt nằm trong 2 quy hoạch gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn và Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Tuy nhiên, Dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú chưa tuân thủ 2 quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đáng chú ý, dự án trên được UBND tỉnh Hà Giang bật đèn xanh cho triển khai thực hiện. Cụ thể, dự án được tỉnh Hà Giang chấp thuận chủ trương đầu tư tại quyết định 2676 ngày 4/11/2016 và được Sở KH&ĐT cấp giấy chứng nhận đầu tư vào cuối năm 2016. Dự án được thực hiện tuân thủ theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm xã Lũng Cú đã được UBND huyện Đồng Văn phê duyệt. Trong báo cáo mới đây, UBND tỉnh Hà Giang khẳng định khu vực dự án được triển khai phù hợp với nội dung các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, ngay khi dư luận có thông tin phản ánh, chiều 29/10, tỉnh Hà Giang đã cho tạm đình chỉ thi công xây dựng dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú để tiến hành kiểm tra toàn diện.
Đen thôi… đỏ quên đi!
Nếu không bị dư luận phát hiện lên án vì cho rằng công trình phá nát cảnh quan, các cơ quan chức năng vào cuộc phát hiện nhiều sai phạm, có lẽ Mã Pì Lèng Panorama giờ vẫn là điểm dừng chân hút khách, thậm chí vẫn đang hoạt động rầm rộ mang lại nguồn thu lớn mỗi ngày cho bà chủ Vũ Thị Ánh. Tuy nhiên, sau khi bị chỉ ra nhiều sai phạm, Công trình Panorama trên Mã Pì Lèng đã bị tạm dừng hoạt động kinh doanh từ ngày 1410, theo yêu cầu của UBND huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Đáng chú ý, theo đề xuất của Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang sẽ tháo dỡ 6 cấp giật theo sườn đèo, giao UBND huyện Mèo Vạc tiến hành cải tạo, chỉnh trang 2 đơn nguyên giáp quốc lộ (phần xây bám mặt quốc lộ gồm tầng âm và một tầng nổi sát mặt đất) để phục vụ việc dừng chân, ngắm cảnh của du khách.
Trong khi đó, dù Bộ VHTTDL thống nhất quan điểm và phương hướng giải quyết của UBND tỉnh Hà Giang cho phép khắc phục phù hợp theo hướng cải tạo, chỉnh trang thành điểm dừng chân ngắm cảnh. Tuy nhiên, việc phải tạm dừng để sửa đổi mà không biết cuối cùng sửa đổi thế nào cũng là câu hỏi của dư luận về số phận của công trình này.
|
Dự án Khu du lịch tâm linh Lũng Cú (Ảnh: IT). |
Tương tự dự án khu du lịch sinh thái tâm linh Lũng Cú nếu không bị dư luận phản ứng, Bộ VHTTDL chỉ ra nhiều sai phạm trong quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có lẽ vẫn đang được rầm rộ thi công, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện, không bị tạm dừng thi công như hiện tại. Dù mới đây, UBND tỉnh Hà Giang đã phản bác lại Bộ VHTTDL khi cho rằng khu vực dự án được triển khai phù hợp với nội dung các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhưng số phận dự án này vẫn phải đợi các cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm tra xác minh hồ sơ pháp lý của dự án này thì vụ việc mới có thể có được kết luận cuối cùng là có sai phạm hay không, trường hợp có sai phạm thì phải có hướng xử lý theo quy định pháp luật.
Nhận định về việc các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra chỉ ra những sai phạm và tìm cách xử lý những sai phạm tại hai dự án Mã Pì Lèng Panorama và Khu tâm linh Lũng Cú, ông Trần Văn Huân, người dân tại Hà Giang cho rằng, đó là những việc làm cần thiết để bảo vệ di sản, danh thắng, đồng thời, góp phần thực thi nghiêm các quy định của pháp luật.
“Dù công trình Mã Pì Lèng Panorama đang là điểm dừng chân hút khách hay Khu tâm linh Lũng Cú sau này có thể là điểm thu hút khách du lịch, phát triển du lịch, tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số tuy nhiên việc kiểm tra ngăn ngừa triển khai các dự án xây dựng có nguy cơ ảnh hưởng tới di sản và đảm bảo pháp luật được thực thi nghiêm là việc làm cần thiết hơn. Ngay Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh: “chúng ta phải quán triệt tinh thần “cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được””, ông Huân nêu ý kiến.
Nói về hai dự án trên, đại biểu Phạm Văn Hòa – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất Hà Giang nói riêng và Việt Nam nói chung những danh thắng độc đáo, song đã bị con người ghi “dấu ấn” bằng các công trình bê tông kiên cố, đồ sộ, phá vỡ hoàn toàn cảnh quan.
“Không phải doanh nghiệp muốn đến xây dựng những công trình đồ sộ này là được mà phải thông qua các ban ngành, chính quyền địa phương. Các công trình này đâu có nhỏ như con kiến mà không biết. Đây là trách nhiệm chung, cho nên cần phải có sự vào cuộc thanh kiểm tra rõ ràng. Nếu đúng thì phát huy vai trò, trách nhiệm để chúng ta làm cho tốt hơn thế nữa. Còn nếu sai thì phải thật sự nghiêm khắc kiểm điểm, tùy theo mức độ để có những hình thức thỏa đáng làm yên lòng dân”, Đại biểu Hòa nói và cho rằng, lãnh đạo tỉnh Hà Giang cần có sự cương quyết, quyết tâm vào cuộc để thực thi theo quy định của pháp luật, phá dỡ những công trình xây dựng bất hợp pháp.
Tại quyết định 438 ngày 7/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, đến năm 2030 cũng nêu rõ về vùng bảo vệ cảnh quan, danh lam thắng cảnh, trong đó:
Khu bảo vệ cảnh quan Mã Pì Lèng, diện tích 796,3 ha gồm phạm vi Khu di tích quốc gia danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng và khu vực phụ cận. Bảo tồn, phát huy giá trị của di tích danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng, sông Nho Quế...
Khu bảo vệ cảnh quan di tích Cột cờ Lũng Cú, diện tích 101,5 ha bao gồm phạm vi Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia Cột cờ Lũng Cú và khu vực phụ cận. Bảo vệ hệ sinh thái trên núi đá vôi kết hợp bảo tồn di tích Cột cờ Lũng Cú, cột mốc biên giới phía Bắc, phát triển du lịch tham quan, dã ngoại.
Tại các khu vực nêu trên, hạn chế xây dựng mới, tôn tạo các công trình văn hóa, lịch sử hiện có. Nâng cấp, cải tạo hạ tầng các điểm dân cư nông thôn gắn với các hoạt động sản xuất, phát triển du lịch sinh thái, homestay, đảm bảo không gây ảnh hưởng tiêu cực tới cảnh quan môi trường tự nhiên.