Khu du lịch tâm linh Lũng Cú “phá” cảnh quan... nên tháo dỡ?

Google News

(Kiến Thức) - Dự khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú vẫn đang được chủ đầu tư rầm rộ triển khai xây dựng các hạng mục còn lại. Tuy nhiên, dư luận hiện thắc mắc việc cảnh quan bị phá vỡ bởi dự án này liệu cơ quan chức năng có nên tháo dỡ?

Trong khi nhiều nơi trên cả nước vẫn đang tồn tại tình trạng phá cảnh quan thiên nhiên để thi công các khu tâm linh kết hợp với du lịch sinh thái gây xôn xao dư luận, thì mới đây việc Tập đoàn Phúc Lộc “phá núi” xây dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú tại thôn Thèn Pả (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) cũng đang khiến dư luận có nhiều ý kiến phản ứng.
Khu du lich tam linh Lung Cu
Dự án khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú "xẻ" toang hoác núi đá vôi.
Theo thông tin tìm hiểu của PV thì dự án khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú được Tập đoàn Phúc Lộc dự kiến rót vốn hơn 800 tỷ đồng, rầm rộ triển khai xây dựng trên diện tích quy hoạch 75ha.
Tuy nhiên, với quy mô bề thế, lại lấn vào một phần diện tích của khu vực bảo vệ I và II của cột cờ (Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch xác nhận), dự án này đang được dư luận đặt nhiều câu hỏi về nguy cơ ảnh hưởng đến di tích, môi trường, cảnh quan xung quanh dù mới đây chủ đầu tư cam kết phần diện tích nằm trong khu vực bảo vệ I và II của cột cờ Lũng Cú sẽ chỉ trồng cây cối để tạo cảnh quan, không xây dựng bất cứ hạng mục gì.
Không chỉ vậy, dư luận cũng đặt câu hỏi: Liệu rằng khu du lịch tâm linh Lũng Cú phá cảnh quan... nên tháo dỡ?.
“Đau lòng” nhìn cảnh quan bị phá nát
Trước vấn đề trên, bày tỏ quan điểm với PV Kiến Thức Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông Luật - Đoàn luật sư TP HCM) nhấn mạnh: Theo văn bản của Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch, dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú đã triển khai mà chưa tuân thủ quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, chưa thực hiện đúng các ý kiến của Bộ tại các văn bản trước đó. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo các cơ quan kiểm tra toàn diện việc triển khai dự án và kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, bỏ mặc các văn bản của Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch, chủ đầu tư là Tập đoàn Phúc Lộ vẫn ngang nhiên xây dựng hạng mục chùa Lũng Cú. Nhìn ngọn núi bị bạt một góc lớn, các công trình như bậc thang lên xuống, quần thể tâm linh được xây dựng gần như hoàn thiện mà chúng ta không thể không “đau lòng”.
Theo luật sư Bình, pháp luật nghiêm cấm các hành vi chiếm đoạt, làm sai lệch di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa. Đào bới trái phép địa điểm khảo cổ; xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
“Căn cứ Điều 33 Luật di sản văn hóa thì tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích có trách nhiệm bảo vệ di tích đó; trong trường hợp phát hiện di tích bị lấn chiếm, hủy hoại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại phải kịp thời có biện pháp ngăn chặn và thông báo cho cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp, Ủy ban nhân dân địa phương hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch nơi gần nhất.
Ủy ban nhân dân địa phương hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch khi nhận được thông báo về di tích bị hủy hoại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại phải kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ và báo cáo ngay với cơ quan cấp trên trực tiếp" - vị luật sư viện dẫn.
Khu du lich tam linh Lung Cu
 Cận cảnh hạng mục một nhà chùa bên trong dự án cơ bản đã hoàn thiện.

Khu du lich tam linh Lung Cu
Trong khi đó nhiều hạng mục còn lại vẫn đang được thi công. 
Tại sao không được xử lý nghiêm?
Luật sư Diệp Năng Bình thắc mắc: “Tôi vẫn không hiểu tại sao một công trình ngang nhiên xâm phạm như thế lại không được Hà Giang xử lý nghiêm?”.
Ông Bình sau đó viện dẫn: “Căn cứ Luật di sản văn hóa thì người nào vi phạm các quy định của pháp luật về di sản văn hóa thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định của pháp luật về di sản văn hóa thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Luật sư Bình cũng kiến nghị: “Cần phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tại địa phương này để làm gương cho những nơi khác”.
Mạnh Hưng

>> xem thêm

Bình luận(0)