Luật sư Trần Quốc Toản và luật sư Đặng Xuân Cường thuộc Công ty luật TNHH Trương Anh Tú, Đoàn luật sư TP. Hà Nội là luật sư bào chữa cho hai bị cáo Nguyễn Song Lý, Trần Thị Minh Hằng thuộc vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Vụ án này có 3 bị cáo là Nguyễn Song Lý (SN 1974, Trú tại: phường Tích Lương, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), Trần Thị Minh Hằng (SN 1968, trú tại: tổ 2, phường Phùng Chí Kiên, TP. Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) và Lâm Văn Thông (SN 1962, tổ 16, phường Quan Triều, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên).
Ngày 21/7/2020, tại phiên tòa sau khi trình chiếu xong bản ghi hình có âm thanh của bị cáo Trần Thị Minh Hằng, để đối chiếu tính chính xác của việc ghi lời khai của Điều tra viên (ĐTV) và qua đó phát hiện ĐTV đã ghi thêm lời khai và ghi sai lời khai của Trần Thị Minh Hằng, LS Toản cũng đã đề nghị được hỏi ĐTV để làm rõ nhưng HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa, đồng thời ấn định thời gian mở lại phiên tòa là vào hồi 8 giờ 00 phút sáng ngày 23/7/2020.
|
Luật sư Trần Quốc Toản bị "xốc" nách ra ngoài. |
Ngay khi bắt đầu phiên xử vào sáng ngày 23/7, Thẩm phán Chu Đức Quế không mời LS Toản tiếp tục phần hỏi của mình mà bất ngờ mời LS khác tiến hành phần hỏi và LS An đã có ý kiến việc để LS Toản tiếp tục hỏi.
Tuy nhiên, Thẩm phán Chu Đức Quế tiếp tục bác bỏ đề xuất chính đáng này của LS Toản với quan điểm rằng: “Chủ tọa là người điều khiển phiên tòa nên LS Toản phải tuyệt đối phải tuân thủ sự điều khiển sự điều khiển của thẩm phán Quế”.
Không đồng tình với quan điểm của vị chủ tọa phiên tòa, LS Toản cho rằng mình đang thực hiện đúng quyền của người bào chữa theo quy định của pháp luật, và đề nghị chủ tọa điều khiên phiên tòa đúng pháp luật.
Đồng thời, LS Toàn cho rằng, Chủ toạ phiên toà Chu Đức Quế đang làm trái với pháp luật khi ngang nhiên tước đi quyền của luật sư khi đang hỏi để làm rõ nhiều tình tiết còn “mập mờ” trong vụ án. LS Toản cũng nói rõ, bản thân chủ toạ phiên toà đang làm trái với quy định của pháp luật, khi quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm số 25/QĐXXHS-ST do thẩm phán Chu Đức Quế ký ban hành ngày 07/7/2020, đang bị luật sư Trần Quốc Toản khiếu nại nhưng chưa được Chánh án TAND tỉnh ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo qui định tại khoản 2, Điều 477 BLTTHS.
Sau đó Thẩm phán Chu Đức Quế đã tiến hành một loạt biện pháp để buộc yêu cầu lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp thực hiện việc cưỡng chế LS Toản ra khỏi phòng xử.
Điều đáng lưu ý, mặc dù thẩm phán chỉ yêu cầu lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp vào làm nhiệm vụ đưa LS Toản ra khỏi phòng xử nhưng có rất nhiều người mặc quần áo dân sự, tự giới thiệu là người của Công an tỉnh Bắc Kạn đã vào cùng tham gia vụ việc như lập biên bản, đưa ra ý kiến chỉ đạo lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp.
Bên cạnh đó, luật sư Đặng Xuân Cường, và luật sư An là luật sư bào chữa cho các bị cáo Lý, Hằng, Thông cũng từ chối tiếp tục phiên toà, khi cho rằng, Chủ toạ phiên toà đang có dấu hiệu “lạm quyền” khi tước bỏ đi quyền bào chữa luật sư để bảo vệ thân chủ của mình.
Đồng thời, chủ toạ đang làm trái với những quy định của pháp luật, để bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật, luật sư Cường, luật sư An từ chối tham gia phiên toà trên.
|
Các bị cáo tại phiên xét xử ngày 23/7 |
Ngay sau đó, Công ty luật TNHH Trương Anh Tú đã có Công văn số 33/2020/CV-TAT gửi Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn luật sư TP. Hà Nội đề nghị bảo vệ quyền lợi luật sư thành viên bị xâm phạm tại phiên tòa.
Công văn nêu rõ, Công ty Luật Trương Anh Tú thấy rằng việc Thẩm phán Chu Đức Quế - Chủ tọa phiên tòa 02 (hai) lần buộc LS Toản ra khỏi phòng xử vào các ngày 23/7/2020 và ngày 24/7/2020 khi không phân biệt rõ ý kiến phản đối khác với hành vi gây rối trật tự phiên tòa có dấu hiệu của việc lạm quyền khi thực thi công vụ.
Mặt khác, khoản 4, Điều 31, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”. Quyền bào chữa của bị tạm giữ, bị can, bị cáo là một quyền hiến định được tất cả các bản Hiến pháp của nước ta ghi nhận và được cụ thể hóa trong Bộ luât Tố tụng hình sự.
Vì vậy việc, bảo đảm các quyền này được thực thi một các đầy đủ là yêu cầu tất yếu trong quá trình cải cách tư pháp nhằm xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Như vậy, việc thẩm phán chủ tọa phiên tòa thực hiện hành vi có dấu hiệu lạm quyền kể trên không những đã xâm phạm tới quyền của người bào chữa mà còn xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của các bị cáo Nguyễn Song Lý và Trần Thị Minh Hằng.
Đồng thời, Công ty luật Trương Anh Tú kính đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn luật sư TP. Hà Nội có những biện pháp cần thiết, kịp thời để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của LS Trần Quốc Toản. Qua đó, giữ gìn hình ảnh cho giới luật sư cả nước nói chung cũng như giới luật sư Hà Nội nói riêng.