Thời gian qua, hàng loạt trung tâm đăng kiểm, đăng kiểm viên, nhất là tại các trung tâm đăng kiểm xã hội hóa liên tiếp dính sai phạm, thậm chí rơi vào vòng lao lý chỉ vì lợi ích kinh tế bất chính. Liệu ngành đăng kiểm xe cơ giới đang có đang tồn tại nhiều "góc khuất"?.
Đăng kiểm tư nhân...dính chàm
Trước năm 2019, hầu hết các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đều là đơn vị sự nghiệp nhà nước, chỉ một số đơn vị được thí điểm đầu tư, hoạt động theo mô hình xã hội hóa. Tuy nhiên, từ năm 2019 với việc quy định về phát triển trung tâm đăng kiểm theo quy hoạch vùng, địa phương được gỡ bỏ, các doanh nghiệp bắt đầu ồ ạt đầu tư vào lĩnh vực này. Từ đó, số lượng trung tâm đăng kiểm mới gia tăng nhanh chóng, đặc biệt với các trung tâm đăng kiểm do doanh nghiệp và cá nhân đầu tư.
Thống kê trên cả nước có 280 trung tâm đăng kiểm, trong đó 63 trung tâm của Sở GTVT, 204 trung tâm thuộc doanh nghiệp và 13 trung tâm thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Không thể phủ nhận việc xã hội hóa công tác đăng kiểm đã giúp cho lĩnh vực này có sự phát triển đột phá trong thời gian qua. Tuy nhiên, xã hội hóa đăng kiểm đã và đang bộc lộ không ít bất cập. Đáng lo ngại nhất là sự xuất hiện của những trung tâm đăng kiểm kém chất lượng.
|
Ông Trần Lập Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 62-03D.
|
Đầu tháng 12/2022, 18 bị can tại hai Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 6203D (Long An) và 5015D TP Thủ Đức, TP.HCM) đã bị cơ quan điều tra khởi tố. Trong đó, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM khởi tố về tội nhận hối lộ đối với ông Trần Lập Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 6203D và 2 bị can khác.
Trước đó, bị can Nghĩa đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp khởi tố vì liên quan vụ án nhận hối lộ xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 66-02D ở Đồng Tháp hồi tháng 10 vừa qua.
Điều đáng nói, đây không phải là sự việc hy hữu xảy ra trong lĩnh vực đăng kiểm. Cũng trong năm 2022, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 67-01S (Long Xuyên, tỉnh An Giang) bị đình chỉ một dây chuyền kiểm định trong 1 tháng do có 2 đăng kiểm viên vi phạm trong quá trình kiểm định xe.
Nghiêm trọng hơn, từ ngày 15/8/2022, đăng kiểm viên Lê Tự Trị, Giám đốc của Trung tâm Đăng kiểm 85-02D (xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) còn bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên do cập nhật bổ sung dữ liệu kiểm định phương tiện sai quy định.
Ngoài các trường hợp trên, từ đầu năm 2022 đến nay, Thanh tra Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm Việt Nam còn phát hiện vi phạm và dừng toàn bộ hoạt động đăng kiểm 1 tháng đối với Trung tâm Đăng kiểm 15-07D (phường Đồng Hòa, quận Kiến An, TP Hải Phòng); dừng 1 dây chuyền đăng kiểm đối với Trung tâm Đăng kiểm 63-02D (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) và Trung tâm Đăng kiểm 62-01S (thị xã Tân An, tỉnh Long An)… Về đăng kiểm viên, tổng số có gần 20 đăng kiểm viên và 3 nhân viên nghiệp vụ của 13 trung tâm đăng kiểm bị đình chỉ công việc.
“Góc khuất” đăng kiểm
Các chuyên gia cho rằng, đây hầu hết là những lỗi vi phạm được lặp lại với tần suất khá cao trong hoạt động kiểm định xe cơ giới, cho thấy công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này là Cục Đăng kiểm Việt Nam đã không được thực hiện quyết liệt và rốt ráo, nhất là tại một số trung tâm đăng kiểm tư nhân hoặc các trung tâm được cổ phần hóa.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy nhận định, Nghị định số 139/2018/NĐ-CP đã tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy hoạt động đăng kiểm phát triển sôi động trong thời gian qua. Để có thể cạnh tranh, các đơn vị đăng kiểm đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, dây chuyền công nghệ hiện đại; tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới tinh thần, thái độ, phong cách phục vụ hướng đến khách hàng. Nhờ vậy, hoạt động đăng kiểm mang tính cạnh tranh, chất lượng dịch vụ cũng được nâng lên.
Tuy nhiên, việc có quá nhiều trung tâm đăng kiểm trên cùng địa bàn mà không tính toán đến tổng lượng phương tiện đã khiến nhiều đơn vị đăng kiểm rơi vào tình cảnh cạnh tranh không lành mạnh, bỏ qua các tiêu chuẩn kỹ thuật để giữ chân khách hàng.
“Xã hội hóa đăng kiểm là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, để chủ trương này phát huy hiệu quả như kỳ vọng ban đầu và khắc phục được những bất cập, tồn tại phát sinh, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm, ở đây là Bộ GTVT, trực tiếp là Cục Đăng kiểm Việt Nam phải thật sự có trách nhiệm, nghiêm minh và cương quyết trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm”, TS Nguyễn Xuân Thủy nói.
Trao đổi với báo chí, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, tới đây, cần nghiên cứu để đề xuất bổ sung, sửa đổi Nghị định 139, theo hướng quy định khoảng cách nhất định giữa 2 TTĐK tránh trường hợp nơi có quá nhiều còn nơi lại quá ít khiến người dân vẫn gặp khó khăn trong kiểm định xe, và hạn chế những cạnh tranh không lành mạnh, những tiêu cực trong kiểm định. Tuy nhiên, để có thể đưa ra quy định về khoảng cách hợp lý cần phải nghiên cứu đánh giá một cách bài bản, toàn diện.
Ngoài ra có thể tính tới phương án bỏ quy hoạch tổng thể và giao trách nhiệm cho từng địa phương căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội, số lượng và sự gia tăng các phương tiện trên địa bàn để ban hành quy hoạch riêng mạng lưới các TTĐK cần có theo từng giai đoạn, sao cho phù hợp.
Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 139, quyết định tạm đình chỉ toàn bộ hoạt động kiểm định xe cơ giới từ 1 - 3 tháng một trong các trường hợp sau:
(i) Thực hiện kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định, thẩm quyền;
(ii) Có từ 3 lượt đăng kiểm viên trở lên bị tạm đình chỉ hoặc từ 2 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên trong thời gian 12 tháng liên tục;
(iii) Có từ 2 lượt dây chuyền bị tạm đình chỉ trở lên trong thời gian 12 tháng liên tục;
(iv) Thực hiện kiểm định khi tình trạng thiết bị kiểm tra đã bị hư hỏng, không bảo đảm tính chính xác, chưa được kiểm tra, đánh giá theo quy định.
>>> Mời độc giả xem thêm video Tạm đình chỉ 2 cán bộ công an bị giang hồ bao vây trên xe ở Đồng Nai: