Hiện trên một số tuyến phố thuộc TP Hải Dương như phố Nguyễn Thiện Thuật, Phạm Ngũ Lão, Ngô Quyền, Nhữ Đình Hiền, hàng trăm cây xanh đang bị đốn hạ, đào tận gốc để thay thế cho một số loại cây khác.
Điều lạ, dù số lượng cây bị thay thế trên các tuyến phố tương đối lớn nhưng người dân lại không hề bức xúc, phản ứng gay gắt như ở Hà Nội.
Khi PV Kiến Thức tìm hiểu việc chặt hạ cây xanh trên phố Phạm Ngũ Lão, nhiều người dân cho biết họ hoàn toàn ủng hộ. Tuyến phố này hiện có hàng chục cây khác nhau như cây hoa sữa, cây gạo gai, trứng cá. Những cây gạo gai, trứng cá bị chặt hạ, một số cây hoa sữa thân lớn, vài năm tuổi được đào tận gốc. Người dân cho biết, trước khi số lượng cây này bị chặt hạ, họ đã được thông báo. Khi người dân đồng ý thì cơ quan chức năng mới tiến hành chặt cây. Sắp tới, toàn tuyến Phạm Ngũ Lão chỉ trồng duy nhất cây sấu, các cây khác giống sẽ bị thay thế.
|
TP Hải Dương đang tiến hành thay thế hàng trăm cây xanh. |
|
Những cây hoa sữa tại phố Phạm Ngũ Lão được đào tận gốc để trồng trên phố khác. |
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Khanh, trưởng phòng kỹ thuật, Công ty Cổ phần quản lý công trình đô thị Hải Dương cho biết, việc chặt hạ, thay thế 336 cây trên các tuyến phố trên là thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP Hải Dương theo quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị của thành phố; giảm dần số lượng cây không phải cây đô thị.
Theo ông Khanh, năm 2010, khi có quy hoạch đô thị, kiến trúc thì đã có chủ trương mỗi tuyến phố tại TP Hải Dương sẽ được trồng bằng một loại cây. Ví dụ như phố Phạm Ngũ Lão sẽ được trồng cây sấu, các tuyến phố khác sẽ được trồng hoa sữa, cây phượng…để tạo nên màu sắc phong phú, mỗi mùa một màu sắc. Tuy nhiên, việc thực hiện thay thế cây xanh không thể làm nóng vội. Hiện TP Hải Dương có trên 100 tuyến phố, mới thực hiện thay thế được hơn chục tuyến phố. Việc thực hiện thay thế cây phải có kế hoạch. Khi thực hiện phải phối hợp với tổ dân phố, phường có tuyến phố cần thay cây để vận động từng hộ dân. Nếu người dân đồng ý mới chặt cây, trong trường hợp có hộ dân không đồng ý thì sẽ để cây trước cửa nhà họ lại và tiến hành vận động. Khi tuyến phố có một loại cây, người ta lại xin chặt để thay thế vì thấy đẹp.
|
Mỗi tuyến phố ở Hải Dương sẽ chỉ có một đến hai loại cây như Phạm Ngũ Lão sẽ chỉ có một loại cây sấu. |
“Quá trình tiến hành thay thế cây không phải cây nào cũng chặt, những cây phù hợp với đô thị thì sẽ được đào lên để chuyển sang tuyến phố có chung một chủng loại cây. Như việc đào cây hoa sữa trên phố Phạm Ngũ Lão để chuyển sang phố khác, chuyên trồng hoa sữa chứ không chặt bỏ. Chúng tôi chỉ chặt những cây không phù hợp với không gian đô thị như cây gạo gai, cây trứng cá vì không có bóng mát lại vướng lối đi, lá rụng nhiều, làm bẩn đường phố, hơn nữa lại dễ đổ, dễ gãy khi mùa mưa bão.
Việc thay thế cây làm sao cho tiết kiệm kinh phí nhất, ví như chỉ mất tiền thuê máy cẩu để phục vụ việc chặt cây, còn nhân lực toàn người công ty thì sẽ hạn chế được ở mức thấp nhất”, ông Khanh nói.
|
Ở Hải Dương người dân ủng hộ thay cây, còn ở Hà Nội người ta lại phản đối, ngẫm lại cũng ở cách làm. |
Nhìn cách người ta thay cây ở Hải Dương được người dân đồng thuận, lại ngẫm đến Hà Nội khi việc thay thế cây bị đa số người dân lên tiếng phản đối. Bởi khi ở Hà Nội người ta thay thế cây "không cần hỏi dân", mà chỉ cần các cơ quan quản lý nhà nước quyết. Cách làm nóng vội của Hà Nội dẫn đến người dân bức xúc nên không đồng thuận. Nếu Hà Nội làm như cách TP Hải Dương đang triển khai thì có chặt hàng nghìn cây, có thể dân cũng một lòng ủng hộ nếu thấy hợp lý. Hà Nội có nên học theo cách này?