Nhân buổi làm việc với Quận ủy Nam Từ Liêm vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị lần đầu đề cập đến chuyện chặt hạ, thay thế cây xanh – một chủ trương đang nhận được rất nhiều phản ứng từ phía dư luận và người dân. Ông Phạm Quang Nghị thẳng thắn nhìn nhận, cách thức thực hiện thay thế cây vừa qua còn “nóng vội, giản đơn”.
|
Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị. |
Bí thư thành ủy dẫn dụ, khi xác định cây xà cừ không phù hợp để trồng trên các tuyến đường đô thị, cách làm là không trồng mới cây xà cừ nữa, hoặc nếu có loại bỏ thì chỉ loại những cây bị gãy, đổ, nguy hiểm, chứ không phải bỏ tất cả những cây xà cừ đang sống tươi tốt trên các tuyến phố.
Trước thực trạng đó, ông Phạm Quang Nghị yêu cầu các cơ quan thành phố phải thực hiện việc thay thế cây xanh có lộ trình, bước đi phù hợp và phải làm thật tốt công tác tuyên truyền để nhân dân thấu hiểu và tạo sự đồng thuận.
“Hiện tại, do còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận thì chúng ta hãy dừng lại để lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đúng đắn. Phải nghiêm túc sửa chữa, khắc phục những hạn chế, bất cập trong cách làm vừa qua” – Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.
Trước đó vào thời điểm cuối năm ngoái, tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp HĐND, cử tri nhiều quận như Thanh Xuân, Ba Đình, Đống Đa không đồng tình với việc chặt hàng loạt cây xanh lâu năm trên một số trục đường lớn, như Nguyễn Trãi, Giảng Võ. Cử tri nhiều quận đã đề nghị phải bảo tồn cây xanh lâu năm trên địa bàn thủ đô.
Tuy nhiên, trước những phản ứng gay gắt từ phía dư luận trong thời gian qua, Người phát ngôn – Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Nguyễn Thịnh Thành lại phát đi một thông báo, gửi tới các cơ quan báo chí, khẳng định đa số người dân tại các vùng thay thế cây xanh đều đồng thuận, ủng hộ chủ trương này (?!).
Sau khi có lệnh dừng chặt hạ cây xanh để rà soát lại từ Chủ tịch TP Nguyễn Thế Thảo, cùng ngày UBND TP Hà Nội đã tổ chức một cuộc họp báo, với sự tham gia của hàng trăm cơ quan báo chí, với 21 câu hỏi được đưa ra xoay quanh việc chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh đang được chính quyền Hà Nội thực hiện.
Các câu hỏi không được giải đáp tại buổi họp báo, sau đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã ra văn bản, giao Giám đốc Sở Xây dựng phải trả lời công khai toàn bộ 21 câu hỏi đã nêu ra tại buổi họp báo trước ngày 25/3.