Ngày 16/7, Thiếu tưởng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án "chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước" có liên quan đến thành viên tổ thư ký, tài xế của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
"Hiện vụ án đang trong quá trình điều tra, làm rõ, cơ quan điều tra vẫn đang thực hiện thực hiện các bước tiếp theo", - Thiếu tướng Tô Ân Xô nói.
Trước đó, ngày 13/7/2020, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc đối với: Nguyễn Anh Ngọc (SN 1974, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, đang công tác tại Phòng Thư ký biên tập, tổ giúp việc UBND TP Hà Nội); Nguyễn Hoàng Trung (SN 1983, trú tại phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, là lái xe của Chủ tịch UBND TP Hà Nội); Phạm Quang Dũng (SN 1983, trú tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, nguyên cán bộ của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an.
|
Trụ sở UBND TP Hà Nội. Ảnh: VTC News |
Khi nào khởi tố bị can?
Liên quan vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước trên, đến nay, Bộ Công an chưa thông tin cụ thể về hành vi, mục đích chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước của những đối tượng trên. Dư luận đặt câu hỏi, với việc khởi tố vụ án, khi nào sẽ khởi tố bị can?
Về thông tin trên, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho hay, hiện chưa có quyết định tố tụng cụ thể với 3 người có liên quan mà Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở, làm việc vào ngày 13/7.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật,khi có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án để tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định pháp luật.
Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ xác định đối tượng nào thực hiện hành vi phạm tội để tiến hành khởi tố bị can, xem xét trách nhiệm pháp lý đối với những người có liên quan theo quy định pháp luật.
Khi khởi tố bị can đồng nghĩa với việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn như tạm giam hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ người thực hiện hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, làm rõ chủ thể thực hiện hành vi này, quá trình thực hiện hành vi, mục đích thực hiện hành vi và hậu quả đã gây ra đối với xã hội để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật.
Khi có căn cứ xác định người đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, cụ thể là hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước mà người này có đủ năng lực hành vi dân sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm pháp luật hình sự thì sẽ bị khởi tố bị can.
Thông tin từ cơ quan điều tra cho thấy, hiện đã khởi tố vụ án hình sự về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật của nhà nước, quyết định khởi tố vụ án này sẽ được viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn.
Khi có căn cứ xác định đối tượng nào đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài liệu thuộc danh mục mật, tối mật hoặc tuyệt mật của nhà nước, cơ quan điều tra sẽ tiến hành khởi tố bị can và có thể lệnh bắt tạm giam đối với đối tượng đã thực hiện hành vi phạm tội.
Ngoài đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng khác có vai trò chủ mưu, giúp sức, xúi giục (nếu có) thì cũng đều sẽ bị xử lý về một tội danh với vai trò đồng phạm.
Cần làm rõ động cơ của các đối tượng nếu phạm tội?
Luật sư Cường cho rằng, trong vụ án này, cơ quan điều tra ngoài việc xử lý về tội chiếm đoạt tài sản liệu bí mật Nhà nước cũng sẽ làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật khác nếu có, đồng thời sẽ làm rõ mục đích chiếm đoạt tài liệu bí mật của nhà nước để làm gì, có dấu hiệu của tội che giấu tội phạm hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác hay không để xử lý vụ án một cách triệt để, đúng pháp luật.
Hành vi phạm tội được quy định trong tội danh này là hành vi xâm phạm đến bí mật của Nhà nước. Theo quy định của khoản 1, điều 2, Luật bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018: Bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Hình thức chứa bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác.
Luật bảo vệ bí mật nhà nước quy định nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước là: Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Bảo vệ bí mật nhà nước là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Việc quản lý, sử dụng bí mật nhà nước bảo đảm đúng mục đích, thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; Chủ động phòng ngừa; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Bí mật nhà nước được bảo vệ theo thời hạn quy định của Luật này, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của pháp luật.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ bí mật nhà nước được quy định cụ thể tại điều 5 Luật bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 như làm lộ chiếm đoạt, mua, bán bí mật nhà nước; làm sai lệch, hư hỏng, mất tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; Thu thập, trao đổi, cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước trái pháp luật; sao, chụp, lưu giữ, vận chuyển, giao, nhận, thu hồi, tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước trái pháp luật; Mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ trái pháp luật…
Đồng thời, căn cứ vào tính chất quan trọng của nội dung thông tin, mức độ nguy hại nếu bị lộ, bị mất, bí mật nhà nước được phân loại thành 3 độ mật, gồm:
Bí mật nhà nước độ Tuyệt mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, đối ngoại, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đặc biệt nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc;
Bí mật nhà nước độ Tối mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập hiến, lập pháp, tư pháp, đối ngoại, kinh tế, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, y tế, dân số, lao động, xã hội, tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, kiểm toán nhà nước, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại rất nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc;
Bí mật nhà nước mức độ Mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập hiến, lập pháp, tư pháp, đối ngoại, kinh tế, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, y tế, dân số, lao động, xã hội, tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, kiểm toán nhà nước, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Điều 26. Luật bảo vệ bí mật nhà nước quy định trách nhiệm của người tiếp cận, người trực tiếp quản lý bí mật nhà nước như sau: Người tiếp cận bí mật nhà nước có trách nhiệm tuân thủ quy định của pháp luật, quy chế, nội quy của cơ quan, tổ chức về bảo vệ bí mật nhà nước; Thực hiện các biện pháp bảo vệ bí mật nhà nước; Sử dụng bí mật nhà nước đúng mục đích; Thực hiện yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý bí mật nhà nước.
Người trực tiếp quản lý bí mật nhà nước có trách nhiệm sau đây: Thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này; Đề xuất người có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp để bảo vệ bí mật nhà nước do mình trực tiếp quản lý; Trường hợp phát hiện vi phạm trong hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước thì người trực tiếp quản lý bí mật nhà nước phải có biện pháp xử lý và báo cáo người có trách nhiệm giải quyết, thông báo cho cơ quan, tổ chức xác định bí mật nhà nước biết để có biện pháp khắc phục; Trước khi thôi việc, chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc vì lý do khác mà không được phân công tiếp tục quản lý bí mật nhà nước thì phải bàn giao bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý và cam kết bảo vệ bí mật nhà nước đã quản lý.
Hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước thì tùy vào từng hành vi cụ thể, tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm và tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong đó, hành vi cố ý làm lộ bí mật nhà nước, vô ý làm lộ bí mật nhà nước, hành vi mua bán, chiếm đoạt, tiêu hủy bí mật nhà nước là những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định của Điều 337 Bộ luật hình sự năm 2015 thì hành vi cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu thụ hủy tài liệu bí mật nhà nước đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù.
Ngoài ra để bảo vệ bí mật nhà nước thì người nào được giao quản lý tài liệu bí mật nhà nước mà có hành vi vô ý làm lộ, làm mất bí mật nhà nước thì cũng là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 338 Bộ luật hình sự năm 2015.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bà Hồ Thị Kim Thoa ở Pháp khi bị khởi tố: Bộ Công an sẽ làm gì?