Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói Cục Hàng hải Việt Nam đã nhận được thông tin từ thuyền viên trên tàu Việt Tín 01, cho biết các thuyền viên nhập tàu từ ngày 10/3 đến 24/3, với mục đích đưa tàu neo đậu tại khu vực Johor, Malaysia về Việt Nam.
“Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các thuyền viên chưa được trả lương đúng hạn, tiền ăn, chi phí phục vụ sinh hoạt cũng chưa được nhận từ ngày 26/5 đến nay”, bà Hằng nói trong buổi họp báo chiều 16/7.
Các thuyền viên đề nghị chủ tàu, công ty TNHH Thuận Thiên, sớm trả lương, cung cấp chi phí sinh hoạt và có kế hoạch đưa tàu về Việt Nam, nhưng họ chưa nhận được trả lời.
|
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Việt Linh. |
“Sau khi nhận được thông tin nói trên từ Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia liên hệ các thuyền viên, tìm hiểu thông tin vụ việc và tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân nếu cần thiết”
Theo bà Hằng, Bộ Ngoại giao cũng đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo công ty chủ tàu Việt Tín 01, tức công ty TNHH Thuận Thiên, khẩn trương thực hiện như hợp đồng đã ký với các thuyền viên, như trả lương và các sinh hoạt phí trong thời gian ở kéo dài, đồng thời hoàn thành các điều kiện của phía Malaysia để sớm đưa tàu về Việt Nam.
“Trong trường hợp cần thiết, Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện Việt Nam tại Malaysia cũng sẽ trao đổi với phía Malaysia về các thủ tục theo yêu cầu”, bà Hằng nói thêm.
Trước đó, trang tin malaysiakini của Malaysia đăng tải bức thư của Liên minh Thủy thủ Quốc gia Malaysia (NUSPM), nói về 12 thuyền viên Việt Nam mắc kẹt trên biển Malaysia trong điều kiện khó khăn kể từ tháng 3.
Các thủy thủ phải viết chữ lớn “Hãy giúp chúng tôi. Không có thức ăn. Không lương” trên mạn tàu.
|
Các thủy thủ viết chữ cầu cứu trên mạn tàu Việt Tín 01. Ảnh: Liên minh Thủy thủ Quốc gia Malaysia (NUSPM). |
NUSPM cho biết sau cuộc gọi kêu cứu trên một ứng dụng được nhiều thủy thủ sử dụng, liên minh này ngay lập tức đến hỗ trợ gạo và đồ ăn khô vào ngày 23/6, có Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia đi cùng.
NUSPM cho biết con tàu bị chủ tàu bỏ rơi, không còn xăng và không có điện, khiến thủy thủ phải chịu đựng thời tiết nóng vào ban ngày và không có đèn vào ban đêm. Con tàu cũng là nguy cơ với tàu bè khác trên biển.
Theo NUSPM, các thủy thủ không thể thuê tàu khác để vào bờ vì không có lương, và vì có lệnh kiểm soát di chuyển (MCO) của giới chức Malaysia do dịch Covid-19.
Trong khi đó, một NGO về quyền của người di cư kêu gọi giới chức điều tra những bên liên quan và xử lý các công ty chịu trách nhiệm trong việc bỏ rơi các thủy thủ.
Giám đốc của Sáng kiến Bắc - Nam, Adrian Pereira, nói việc mắc kẹt trên biển nhiều tháng liền gây nguy hiểm cho mạng sống và sức khỏe tinh thần của các thủy thủ, và các thủy thủ không nên phải trả giá cho những sai phạm của chủ tàu.