Năm tôi học lớp 4, có một chuyện xảy ra mà cho đến giờ, dù đã hơn 20 năm trôi qua, vẫn in hằn trong tâm trí tôi sống động, chính xác, như in, từng chi tiết. Từ cái thước gỗ thửa riêng dài 60-70cm, dày 3cm, màu vàng nhạt, cho tới hình ảnh cô bạn gái cùng lớp mếu máo khóc trong khi một tay cô giáo xách ngược bạn lên, tay kia cô cầm thước quất vào chân bạn. Hai cái chân bé gầy của bạn co lên. Bạn khóc ròng từ lớp về tới nhà.
Cô giáo ấy nổi tiếng là dữ trong trường, học sinh nào cũng sợ. Bạn hoảng loạn đi về nhà, mặt ướt sũng. Hôm đó tôi đi cùng bạn về nhà và nói với mẹ bạn: Cháu thấy cô đánh bạn đau lắm, thước gỗ của cô rất dài.
Hôm sau, bố mẹ bạn tới trường, yêu cầu nhà trường giải thích việc cô dùng thước đánh học trò tới bầm tím hết cả chân.
Một thầy giám thị đi xuống lớp hỏi: Có bạn nào nhìn thấy cô đánh bạn không? Tôi tự tin giơ tay. Tôi tin vào sự thật, vào những gì mắt mình và các bạn chứng kiến, và tin các bạn cũng sẽ nói lên sự thật này. Bởi có lẽ nào sai được? Cảnh cô đánh bạn ra sao đến giờ vẫn như in trong tâm trí tôi, chưa hề phai nhạt… Và tôi đã chọn lên tiếng!
Tôi lại nhớ đến kỷ niệm này khi đọc về những tin tức chấn động vụ Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện Thanh Sơn bị tố xâm hại tình dục hàng loạt nam sinh của trường trong nhiều năm. Ông ta đã bị khởi tố, bắt tạm giam và dư luận trông đợi những phiên tòa nghiêm minh, công lý được xác lập.
Tôi cũng chờ đợi điều ấy. Nhưng có một điều khiến tôi ám ảnh khôn nguôi khác từ khi bắt đầu đọc những tin tức liên quan, đó là sự im lặng. Tin được không khi một vụ việc động trời như thế tái diễn suốt bao năm tháng trong ngôi trường của những đứa trẻ vốn phần đa là dân tộc thiểu số, gia đình khó khăn mà đến giờ mới vỡ lở, nhưng không phải nhờ thông tin tố cáo của học sinh, thầy cô trong trường.
|
Một biển hiệu trong trường. Ảnh: Lao động online |
Việc những đứa trẻ không đứng lên tố cáo, chúng ta có thể hiểu, các em còn nhỏ, sợ hãi, hiểu biết hạn chế có thể khiến các em không nhận thức được mức độ nghiêm trọng của sự xâm hại, không dám lên tiếng.
Nhưng còn biết bao những thầy cô trong trường, họ có thể nói rằng họ “không biết, không hay, không thấy” một cách thanh thản và rũ bỏ mọi trách nhiệm? Trong khi, theo thông tin báo chí đưa, một số học sinh của trường nói thầy cô biết chuyện gì đang diễn ra bởi sau mỗi lần các em lên gặp hiệu trưởng thường bị trêu: "Có được thầy cho ăn kẹo mút không"!
Còn khi vụ việc xảy ra, những người có trách nhiệm lên tiếng đã nói gì?
Cô Hiệu phó trường Thanh Sơn thì cho rằng “lỗi ai người đó chịu”, rằng các phụ huynh vẫn “tin tưởng nhà trường”. Đúng là mỗi cá nhân trưởng thành đều phải chịu trách nhiệm về hành động và hậu quả do mình gây ra trước xã hội và pháp luật. Nhưng các thầy cô trong trường chẳng nhẽ không mảy may cảm thấy để một vụ việc bẩn thỉu như vậy kéo dài cũng có phần rất lớn “nhờ” sự im lặng đồng lõa hay ít ra là sự vô tri dửng dưng với học sinh của các thầy cô? Nếu bạn là một người cha người mẹ, bạn thực sự thấy yên tâm cho con mình tiếp tục đi học trong một ngôi trường như vậy?
Tôi cũng nghe có vị lãnh đạo phòng giáo dục huyện cho rằng “đây là vấn đề cá nhân của ông hiệu trưởng” và rằng, từ khi thành lập trường đến nay, ngôi trường có thành tích tốt, với lịch sử 30 năm dạy và học chưa xảy ra tình huống tương tự!
Rồi lại có những quan điểm từ chuyên gia, quan chức ngành giáo dục đánh giá, cái gốc của những vấn để kiểu này là học sinh phải được giáo dục giới tính, phải có những kỹ năng để phòng chống xâm hại, chính các cháu phải được trang bị khả năng tự vệ...
Điều đó hẳn quá cần thiết, nhưng nó sẽ tác dụng đến đâu khi các chuyên gia còn chỉ ra học sinh bị xâm hại tình dục chẳng biết kêu đến ai. Và các em sẽ làm được gì khi mà ngay cả những người cô người thầy của các em dù có biết cũng có thể sẽ lảng tránh, tảng lờ như không hay, vì sợ trù dập, sợ mất công ăn việc làm nhất là khi ở nông thôn, những vùng sâu, vùng xa cơ hội lựa chọn nghề nghiệp vốn là cánh cửa hẹp.
Cũng hãy nhớ rằng báo chí đã tìm lại trên trang thông tin của trường Thanh Sơn thì mới chỉ tháng 5 năm nay thôi, ông hiệu trưởng này đã đường hoàng đứng trên bục phát biểu trong một buổi ngoại khóa tuyên truyền phòng chống xâm hại tình dục trẻ em do trường phối hợp với cơ quan chức năng.
Buổi ngoại khóa ấy được tổ chức để trang bị cho các em những kiến thức cơ bản để không bị xâm hại, cung cấp quy định về xâm hại trẻ em. Đặc biệt các em được cung cấp các dấu hiệu nhận diện hành vi bị coi là xâm hại, giải pháp phòng tránh khi bị xâm hại,...
|
Ông hiệu trưởng phát biểu tại buổi ngoại khóa. Nguồn ảnh: Website Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện Thanh Sơn |
Thế thì những ai mới là người cần được giáo dục trước đây? Những ai phải có trách nhiệm khi để những học sinh trong một trường chuẩn quốc gia, có đầy đủ những danh hiệu “oai, oách” mà lại phải chịu đựng sự xâm phạm khủng khiếp đến vậy và cả sự giả dối, im lặng hèn nhát bao quanh các em?
Tôi không phải một chuyên gia giáo dục để biết một trường muốn đạt chuẩn quốc gia cần thỏa mãn bao nhiêu tiêu chí. Nhưng là một công dân từng thụ hưởng nền giáo dục của đất nước trong suốt nhiều năm, tôi hình dung nền giáo dục quốc gia nào cũng cần đào tạo nên những con người có lương tri, tự tôn, đạo đức, trung thực, tôn trọng sự thật... Muốn thế hẳn rằng trước tiên cần phải có những nhà quản lý giáo dục, những giáo viên “chuẩn quốc gia”, đủ phẩm cách, tư cách xây nền móng con người.
Khi viết những dòng này tôi nhớ đến lựa chọn của các thầy cô trường tiểu học Nam Trung Yên năm ngoái, sau vụ một em học sinh bị xe chở cô Hiệu trưởng đâm phải. Đã có những thầy cô chọn im lặng, tiếp tục thỏa hiệp với cái bản khảo sát “100% giáo viên và học sinh khẳng định không có ô tô vào trường”. Nhưng vì lý do "nhân phẩm của giáo viên chúng tôi đang bị chà đạp, nếu không nói ra sự thật, chúng tôi không còn đủ tự tin để đứng trước phụ huynh nữa", một cô giáo, rồi tiếp theo là hàng loạt giáo viên khác đã lên tiếng làm rõ sự thật.
Về phần tôi trong câu chuyện hơn 20 năm trước, đến giờ cảm giác kinh khủng nhất đối với tôi là khi quay sang thấy cả lớp ngồi im phăng phắc. Không cánh tay nào giơ lên, trừ của tôi. Một cảm giác bàng hoàng y như là khi máy bay bị rơi tự do. Thế rồi chỉ riêng tôi được triệu tập lên ban giám hiệu để kể lại những gì đã thấy.
Đó là bài học đầu đời của tôi về sự cô độc khi chọn không im lặng. Bài học mà tôi không bao giờ muốn đứa trẻ nào phải lặp lại!