Mưa lũ lịch sử: Miền Trung đang phải đối mặt 3 hiểm họa

Google News

(Kiến Thức) - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá, miền Trung đang phải đối mặt với các hiểm hoạ: hồ đầy nước, sông đầy nước, vùng trũng đầy nước trên toàn lưu vực.

Do ảnh hưởng của bão số 12, nhiều tỉnh miền Trung đang phải chịu trận lũ lớn lịch sử, nơi đâu cũng là biển nước, giao thông chia cắt, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Thừa Thiên Huế: Đã có 3 người chết do lũ cuốn, ngập lụt diện rộng, nhiều vùng chia cắt
Thông tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Thừa Thiên - Huế có mưa rất to trên diện rộng, lượng mưa từ 19h ngày 3/11 đến 4h ngày 5/11 ở vùng núi phổ biến 500-600mm, có nơi lớn hơn như Khe Tre 626mm, Bạch Mã 1397mm, vùng đồng bằng phổ biến 150-200mm.
Hiện nay, lũ trên các sông tại Thừa Thiên Huế đang lên nhanh khiến nhiều địa phương bị ngập lụt diện rộng. Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, tính đến chiều 5/11, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 3 người chết, mất tích do lũ cuốn. Danh tính nạn nhân được xác định tử vong là cháu Hồ Phi Ấn (4 tuổi, thôn Phò Ninh, xã Phong An, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế). Ngoài ra, hai người bị lũ cuốn mất tích là ông Phan Văn Quốc (57 tuổi) và con trai ông Quốc là Phan Văn Thắng (25 tuổi), trú tại thôn Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, TX Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Mua lu lich su: Mien Trung dang phai doi mat 3 hiem hoa
 Nhiều địa phương tại tỉnh Thừa Thiên Huế đang bị ngập lụt, chia cắt.
Tại TP Huế, nhiều tuyến đường như Hải Triều, Trần Quang Khải, Bến Nghé, Phan Châu Trinh, Phan Đình Phùng…hiện vẫn đang ngập sâu do lũ, giao thông đi lại vô cùng khó khăn. Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản của người dân, UBND TP Huế đã chỉ đạo các phường tổ chức di dân từ các vùng thấp trũng, các khu vạn đò đến các địa điểm an toàn. Thống kê mới nhất đã có 389 hộ/1.509 khẩu được chuyển đến các nơi an toàn.
Tại huyện Quảng Điền: Hàng trăm ngôi nhà hiện vẫn bị ngập sâu, có chỗ nên đến 0,8 mét. Hàng trăm ha hoa màu bị ngập, hàng chục lồng cá bị lũ cuốn trôi. Hiện huyện đang tiến hành sơ tán người dân ở những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Tại huyện Phong Điền: Theo số liệu từ các cơ quan chức năng, tính đến chiều 5/11, đã có gần 1.400 nhà bị ngập trong nước, hơn 400 hộ đã được di dời để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, hàng trăm ha đất nông nghiệp trồng sắn, rau bị ngập úng, nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện (trừ Quốc lộ 1A) đều bị ngập và chia cắt.
Tại huyện Phú Lộc: Hàng nghìn nhân khẩu/ hơn 200 hộ dân tại nơi bị ngập sâu, nguy cơ sạt lở đất đã được di dời. Bờ biển xã Vinh Hải tiếp tục sạt lở, đặc biệt 100m mới sạt lở thêm tại thôn 4. Cửa biển Lăng Cô sạt lở 120m. Hiện tại, huyện có khoảng gần 6.700 căn nhà bị ngập sâu từ 0,6-0,8m.
Thị xã Hương Thủy ngập diện rộng với tổng diện tích ngập ước tính hơn 40%, độ sâu ngập trung bình từ 0,4-0,8 m, cục bộ có nơi ngập sâu từ 0,8-1,2 m. Huyện Phú Vang: nhiều tuyến đường bị ngập từ 0,2-0,4 m, gây khó khăn cho giao thông đi lại.
Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định: Mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp
Trong các địa phương bị ngập do lũ tại Quảng Nam, nghiêm trọng nhất là huyện Đại Lộc, tính đến chiều ngày 5/11, mực nước trên sông Vu Gia vẫn rất cao. Nhiều nơi tại huyện Đại Lộc vẫn bị ngập sâu, chia cắt, hàng chục nghìn nhà dân bị ngập, cô lập, giao thông bị tê liệt.
Trước đó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Đại Lộc đã ban hành công điện khẩn và cử cán bộ lãnh đạo trực tiếp xuống cơ sở nắm tình hình, chỉ đạo công tác ứng phó, rà soát phương án sơ tán các hộ dân, nhất là các hộ dân ở vùng trũng thấp, nhà tạm bợ, nhà không kiên cố, vùng có nguy cơ sạt lở núi, vùng ven sông, vùng trũng thấp, vùng dưới chân đập đến nơi an toàn. Đồng thời, yêu cầu các địa phương tiếp tục trực ban 24/24 giờ để theo dõi, nắm bắt thông tin về tình hình mưa lũ, thông tin vận hành điều tiết các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông và chỉ đạo đài truyền thanh cơ sở phát thanh để người dân biết và chủ động các biện pháp phòng tránh.
Tại TP Hội An, mưa lũ đã làm ngập nhiều tuyến phố tuy nhiên đã được kiểm soát. Mực nước có khả năng sẽ dâng lên 3 mét do mưa kéo dài, thủy điện xả lũ và thủy triều khiến lãnh đạo thành phố phải yêu cầu các địa phương, cơ quan, ban ngành liên quan phải hết sức khẩn trương tập trung lực lượng để di dời dân tại chỗ. Bởi hiện tại lưu lượng nước đang về các hồ chứa thủy điện là 8.000 - 9.000m3/s và từ 14 giờ chiều nay, thủy điện xả lũ với lưu lượng từ 2.000m3/s, do đó sẽ diễn ra lụt như tháng 12.1999.
Mua lu lich su: Mien Trung dang phai doi mat 3 hiem hoa-Hinh-2
 Hội An ngập sâu trong nước lũ. Ảnh: hoianvn.com
Lãnh đạo TP Hội An cũng chỉ đạo cho các học sinh tại các trường trên địa bàn thành phố nghỉ học vào ngày 6/11. Lãnh đạo TP Hội An cũng yêu cầu CSGT điều tiết giao thông, ngăn cản không cho các phương tiện tàu thuyền chở khách du lịch. Tuy nhiên, hiện nhiều người dân dùng thuyền đưa đón du khách dạo phố, ngắm cảnh. Nhờ dịch vụ này họ kiếm được tiền triệu trong mùa lũ.
Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 17 xã thuộc 4 huyện bị ngập sâu trung bình 1,5m; TP Quảng Ngãi ngập sâu trung bình 0,3-0,4 m. Trong đó, huyện Sơn Hà đã tổ chức di dời 114 hộ dân ở vùng có nguy cơ ngập đến nơi an toàn. Tỉnh Bình Định hiện có 11 xã, phường thuộc 4 huyện, thành phố bị ngập sâu từ 0,3-0,5 m.
Những hiểm họa đang đe dọa miền Trung sau bão số 12
Tại cuộc họp ứng phó mưa lũ các tỉnh miền Trung sau bão 12 do Ban chỉ đạo trung ương về PCTT vừa tổ chức chiều 5/11, ông Hoàng Đức Cường, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết, tại Quảng Bình đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa, lượng mưa lớn 200-300mm.
“Với lượng mưa lớn đang diễn ra, ở Phú Yên, Khánh hoà đã có lũ trên báo động 3, Quảng Bình-Quảng Ngãi lũ cũng đang lên rất nhanh. Dự báo, lũ ở các sông từ Quảng Bình-Quảng Ngãi tiếp tục lên nhanh, có nơi trên báo động 3 từ 1-1,5m. Đặc biệt, tại sông Bồ, sông Hương -Thừa Thiên Huế, lũ lên trên báo động 3. Quảng Nam trên sông Thu Bồn cũng trên báo động 3, Quảng Ngãi cũng lũ trên báo động 3”-ông Cường cho hay.
Mua lu lich su: Mien Trung dang phai doi mat 3 hiem hoa-Hinh-3
Bộ trưởng, Trưởng ban Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Văn phòng thường trực BCĐ TW PCTT
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT thông tin, hiện nay các sông đều lên lũ rất cao.
“Lúc 13h chiều hôm nay, trên sông Hương, lũ đã lên trên báo động 3 hơn 1m. Theo quy trình vận hành liên hồ là giao cho chủ tịch UBND các tỉnh vận hành xả lũ, còn trong tình huống khẩn cấp thì giao trưởng Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai vận hành xả lũ trong tình huống khẩn cấp”-ông Hoài cho biết.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT– Trưởng ban Nguyễn Xuân Cường cho biết, chúng ta đang phải đối mặt với hiểm hoạ: hồ đầy nước, sông đầy nước, vùng trũng đầy nước trên toàn lưu vực, …bão số 12 gây thiệt hại nặng nề, giờ các tỉnh tiếp tục phải đối mặt với những đợt mưa đặc biệt lớn và lũ đặc biệt lớn, không ngoại trừ, phải tính đến cả kịch bản xấu nhất.
“Hiện nay tình hình mưa lũ ở cả khu vực Bắc, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ đều trong trạng thái nguy hiểm. Điểm chung năm nay là mưa lớn, mưa nhiều ở cả nước, đặc biệt là các khu vực nêu trên khiến các hồ lớn nhỏ thuỷ điện, thuỷ lợi đều tích đầy nước. Dưới tác động của cơn bão số 12, cả bốn khu vực Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ đã có mưa lớn khiến hồ đầy nước càng đầy nước hơn. Các sông trong lưu vực Có sông lên trên báo động 3, cận mốc lịch sử 1997, hết sức chú ý trong chỉ đạo. Vùng trũng hạ du, đặc biệt Nam Trung Bộ đã bị ngập”, Bộ trưởng Cường cho biết.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc hiện nay là phải hành động ngay lập tức.
“Thứ nhất, Trung tâm dự báo liên tục cập nhật các số liệu, đưa ra các dự báo sát thực tiễn hơn. Thứ hai, các cơ quan quản lý, chủ hồ liên tục có số liệu quan trắc, vận hành đúng theo quy trình liên hồ chứa. Với các hồ nhỏ phải thường xuyên cập nhật số liệu. Chủ tịch UBND tỉnh khi đưa ra các quyết đáp vận hành phải có căn cứ vào tình hình thực tiễn, dựa trên các số liệu dự báo và phải dự báo được lượng mưa trên lưu vực hồ mình quản lý”-ông Cường nêu.
Bộ trưởng cũng yêu cầu phải xây dựng kịch bản cụ thể trong đó có cả kịch bản xấu nhất nếu tiếp tục có mưa lớn.
“Nếu không có những kịch bản như hiện nay, kịch bản mưa tiếp, kịch bản cực đoan nhất chứ không phải để nước đến chân mới nhảy. Phải có kế hoạch huy động tổng huy động động lực lượng để khi cần có thể xử lý ngay”- ông Cường nói.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)