Do điều kiện công việc nên tôi không thể bay ra ngoài đó (tôi ở trong Nam). Vừa rồi tôi phát hiện ra vợ mình đã chung sống với người đàn ông khác, thậm chí có con với nhau. Xin hỏi luật sư hành vi đó của vợ tôi có coi là ngoại tình không? Người đàn ông kia và vợ tôi bị phạt thế nào? Hộ khẩu của vợ tôi vẫn ở ngoài đó, vậy tôi phải làm thế nào để xin ly hôn? Tôi có thể giành quyền nuôi con gái năm nay 6 tuổi được không?
|
Ảnh minh họa. |
Thứ nhất: Về hành vi chung sống như vợ chồng với người khác.
Theo Luật Hôn nhân gia đình 2014, chung sống như vợ chồng là việc nam nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng. Đây là hành vi bị pháp luật cấm theo quy định tại điều 5 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014: "Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ";
Nếu vợ bạn chung sống như vợ chồng với người khác thì đã xâm phạm chế độ hôn nhân 1 vợ, 1 chồng được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Trong trường hợp này, theo quy định tại điểm b, điểm c, khoản 1, điều 48 nghị định 110/2013/NĐ-CP thì sẽ bị xử phạt về hành chính:
"Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ";
Trong trường hợp việc chung sống như vợ chồng của vợ bạn và người đàn ông kia gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chung sống với nhau như vợ chồng nêu trên hoặc đã có quyết định hủy việc chung sống với nhau như vợ chồng của Tòa án mà vẫn tiếp tục thì bạn có thể tố cáo với cơ quan công an để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo Điều 147 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009:
“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Thứ hai: Quyền yêu cầu ly hôn của 1 bên và thẩm quyền Tòa nộp đơn.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, Tòa án có thể xem xét cho Ly hôn theo yêu cầu của một bên vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng. Trong trường một bên vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án xem xét giải quyết việc ly hôn. Căn cứ cho ly hôn là: tình trạng hôn nhân trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.
Về thủ tục đơn phương ly hôn: Bạn cần nộp đơn xin ly hôn kèm theo các giấy tờ cần thiết đến TAND cấp quận, huyện nơi vợ bạn đăng ký thường trú hoặc tạm trú. Nếu vợ bạn ở ngoài Bắc theo địa chỉ hộ khẩu của vợ bạn để nộp đơn tại Tòa án cấp huyện. Khi nộp đơn xin ly hôn thì bạn cần nộp kèm những giấy tờ sau:
• Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
• Chứng minh nhân dân của vợ, chồng;
• Giấy khai sinh của con chung (bản sao có công chứng);
• Giấy tờ chứng nhận về quyền sở hữu tài sản (trong trường hợp vợ chồng có yêu cầu tòa án chia tài sản chung của vợ chồng).
• Sổ hộ khẩu (bản sao có chứng thực)
Thứ ba: Về việc nuôi con sau khi ly hôn.
Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Con bạn đã 6 tuổi vì vậy sẽ không còn được mặc định giao cho mẹ trực tiếp nuôi. Để được quyền nuôi cháu bé này, vợ chồng bạn có thể thỏa thuận dựa trên lợi ích của con; nếu không có thỏa thuận thì hai bên cùng phải chứng minh. Tòa án sẽ xem xét, giải quyết dựa trên quyền và lợi ích của đứa trẻ. Do vậy, khi xem xét ai sẽ là người có quyền nuôi con, tòa án sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau với mục đích tìm được người có thể đáp ứng tối đa yêu cầu cho sự phát triển của đứa trẻ.
Tòa án sẽ xem xét điều kiện của các bên theo những căn cứ sau:
+ Thu nhập hàng tháng (có đảm bảo để nuôi cháu hay không?)
+ Chỗ ở ổn định (Có đảm bảo để cháu có chỗ ở lâu dài hay không?)
+ Môi trường sống (Có đảm bảo cho sự phát triển cả về tinh thần lẫn thể chất của cháu hay không?)
+ Thời gian làm việc (Bạn có thời gian để chăm sóc cháu hay không?)
+ Sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ giành cho con.
+ Hành vi của cha mẹ (Có ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần và sự phát triển của trẻ).
Bên cạnh đó, Luật hôn nhân gia đình quy định về nghĩa vụ của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như phải có có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi, nghĩa vụ cấp dưỡng, nghĩa vụ thăm nom con.