Chiều 12/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã không đạt 50% tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên.
Nghị quyết này quy định các đơn vị hành chính trong diện sáp nhập và việc sắp xếp, bố trí cán bộ, biên chế, chỉnh sửa giấy tờ cho người dân...
Những đơn vị nào phải sáp nhập?
Từ khi đất nước thống nhất tới nay, các đơn vị hành chính (ĐVHC) đã có nhiều lần thay đổi lớn. Quá trình chia tách ĐVHC các cấp, bên cạnh một số kết quả trước mắt đạt được cũng phát sinh không ít hạn chế như làm phân tán các nguồn lực, tiềm năng phát triển, làm cho bộ máy thêm cồng kềnh, tăng biên chế, gây lãng phí ngân sách cho đầu tư công…
|
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh: Mạnh Thắng. |
Để khắc phục những bất cập, hạn chế trên, năm 2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành nghị quyết về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy chính trị tinh gọn, với mục tiêu năm 2021 thu gọn các ĐVHC cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên...
Từ năm 2021 đến năm 2030, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các ĐVHC cấp huyện, xã và thôn, tổ dân phố theo tiêu chuẩn.
Theo nghị quyết, giai đoạn 2019-2021 sẽ sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13. Ngoài ra, cũng khuyến khích việc sắp xếp các ĐVHC còn lại để giảm số lượng.
Hiện có 16 quận huyện và 631 phường xã nằm trong diện cần sắp xếp, sáp nhập.
Các ĐVHC cấp huyện, cấp xã tuy có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định nhưng có yếu tố đặc thù như vị trí địa lý biệt lập, hình thành và ổn định từ năm 1945 đến nay; có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán chưa thuận lợi cho việc sắp xếp thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định việc chưa sắp xếp.
Nguyên tắc của việc sắp xếp là đảm bảo các ĐVHC mới đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp có thể sau khi sắp xếp vẫn chưa đạt tiêu chuẩn do có yếu tố đặc thù; được thành lập trên cơ sở nhập từ 3 ĐVHC cùng cấp trở lên hoặc được thành lập trên cơ sở nhập 2 ĐVHC cùng cấp nhưng do tình hình thực tế mà không thể nhập thêm ĐVHC khác liền kề.
Dừng bổ nhiệm, tuyển dụng khi sáp nhập
Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy sau khi sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã là vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm. Để bảo đảm thuận lợi cho việc thực hiện sắp xếp, dự thảo nghị quyết quy định tạm dừng việc bầu, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị của những ĐVHC cấp huyện, cấp xã sẽ thực hiện việc sắp xếp giai đoạn 2019-2021.
Khi sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã phải bố trí đội ngũ lãnh đạo, số lượng công chức, viên chức bảo đảm đúng số lượng theo quy định.
Nghị quyết cũng quy định về việc áp dụng các chế độ, chính sách giải quyết dôi dư và giao HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ thêm để khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư xin nghỉ.
Đối với việc chuyển đổi các loại giấy tờ, nghị quyết quy định giao UBND cấp tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp ĐVHC chủ động triển khai, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ và không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới ĐVHC.
Trường hợp cá nhân, tổ chức chưa chuyển đổi thì các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước đây theo ĐVHC cũ nếu chưa hết thời hạn vẫn được sử dụng tại ĐVHC mới.
Ủy ban Thường vụ Quốc giao Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến để hoàn chỉnh lại dự thảo nghị quyết trước khi báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.