Hải Dương: 1.200 giáo viên hợp đồng không lương, tương lai mờ mịt

Google News

(Kiến Thức) - UBND Hải Dương vừa chỉ đạo trả lương cho gần 1.200 giáo viên hợp đồng 3 tháng qua không có lương, tuy nhiên tương lai của những giáo viên này vẫn còn mờ mịt. 

Sau khi Kiến Thức thông tin vụ việc 1.191 giáo viên hợp đồng tại Hải Dương ba tháng qua chưa được nhận lương, nhiều giáo viên chán nản nghỉ việc, UBND tỉnh Hải Dương vừa có công văn số 3707/UBND-VP chỉ đạo các Sở ban ngành thanh toán tiền lương cho tất cả các giáo viên trên trong năm 2017.
 Sở GD&ĐT Hải Dương.
Chi trả cho 1.200 giáo viên 3 tháng chưa nhận được lương
Theo ghi nhận của Kiến Thức, UBND tỉnh Hải Dương giao Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Giám đốc Sở GD&ĐT chỉ đạo rà soát số lao động hợp đồng hiện có chưa được trả lương và phụ cấp, giải quyết dứt điểm việc trả lương và phụ cấp cho giáo viên hợp đồng trong năm 2017.
Đồng thời, giao Kho bạc Nhà nước tỉnh Hải Dương phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và Sở GD&ĐT trả lương, phụ cấp giáo viên hợp đồng trong năm 2017.
Kinh phí để trả lương từ nguồn ngân sách cấp huyện, nguồn thu học phí còn lại sau khi đã dành nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương theo quy định và các nguồn thu hợp pháp khác để lại cho đơn vị.
Tương lai giáo viên hợp đồng vẫn… mù mịt
Trao đổi với PV Kiến Thức chiều ngày 13/12, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương – bà Nguyễn Thị Tiến cho biết: Theo nội dung công văn số 3707 của UBND tỉnh Hải Dương, sẽ thanh toán tiền lương, phụ cấp (nếu có) cho 1.191 giáo viên hợp đồng. Tuy nhiên, sau khi thanh toán, việc có tiếp tục ký hợp đồng với gần 1.200 giáo viên này vẫn là vấn đề đang vướng mắc.
Theo bà Tiến, việc nhiều giáo viên hợp đồng Hải Dương nghỉ dạytập trung chủ yếu vào khối mầm non dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên. Rõ ràng đã làm ảnh hưởng đến tâm lý của những người trong cơ quan, đơn vị đó. Thậm chí còn ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của từng cơ sở.
 Tương lai của 1191 giáo viên hợp đồng vẫn mù mịt sau khi nhận lương.
Tuy nhiên, theo quy định của UBND tỉnh Hải Dương, trường nào thừa số lượng giáo viên theo quy định thì Kho bạc sẽ không thanh toán tiền lương.
Trước câu hỏi của PV, "Liệu những giáo viên thuộc diện trên có được chi trả hay không?", bà Tiến cho biết: "Theo quy định tại Thông tư 39 của Bộ Tài chính, định mức chỉ tiêu biên chế, tỉnh giao cho 20 người chẳng hạn. Cả những người trong biên chế với người hợp đồng thêm mà quá 20 thì sẽ không chỉ trả tiền lương số người hợp đồng thừa ấy.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hợp đồng thừa so với định mức chỉ tiêu như năm nay số lớp học tăng, trong khi giao biên chế từ đầu năm nhưng đến năm học mới thì lại tăng lên. Ví như năm học 2017-2018, tỉnh Hải Dương tăng 423 lớp học (trong đó tiểu học tăng 222 lớp, mầm non cũng tăng hơn 100 lớp học…). Khi lớp học tăng lên, các cơ sở giáo dục phải ký hợp đồng lao động nếu không sẽ không hoàn thành nhiệm vụ.
Quan điểm của Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, người ta đã ký đồng và đã làm thì phải trả lương cho các giáo viên ấy. Tuy nhiên, phải chấn chỉnh việc ký hợp đồng ấy xem có đảm bảo hay không".
Liên quan đến tình trạng các trường lạm dụng ký hợp đồng với các giáo viên ngoài biên chế như Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương - Nguyễn Hồng Sơn cho biết tại cuộc họp giao ban báo chí vừa qua, bà Tiến cho rằng, "số đấy rất ít chứ tôi không dám chủ quan nói là không có. Hầu hết, người ta chỉ hợp đồng đáp ứng đúng yêu cầu, nhiệm vụ. Riêng đối với mầm non, giao 1,8 nhưng ít nhất phải bố trí 2 giáo viên. Toàn tỉnh có 822 lớp nhưng chỉ khoảng chục lớp bố trí 1 giáo viên, còn lại phải bố trí 2 người nên phải ký hợp đồng chứ không sẽ không đảm bảo chất lượng giáo dục cũng như an toàn cho các cháu".
Vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là liệu sau khi được trả lương, gần 1200 giáo viên hợp đồng có được ký tiếp hợp đồng nữa hay không? bà Tiến thừa nhận đây đúng là trăn trở của giáo dục Hải Dương.
"Bởi quy định của Bộ Tài chính và của Trung ương như thế nên tỉnh cũng không dám cho phép ký hợp đồng ngoài chỉ tiêu, biên chế được giao. Không ký tiếp hợp đồng thì chúng tôi cũng không biết các trường sẽ thực hiện nhiệm vụ được giao thế nào nữa, đặc biệt là những cơ sở mầm non", bà Tiến nói.
Trước thực trạng trên, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương từng cho biết, nếu không thì ký tiếp cho các giáo viên theo hợp đồng vụ việc, nhưng ký hợp đồng vụ việc thì lại sai luật bởi không thể ký hợp đồng vụ việc cho những công việc mang tính chất thường xuyên nên không thể thực hiện.
Như cách trả lời của Phó GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương – Nguyễn Thị Tiến thì dù được nhận lương sau 3 tháng không lương nhưng tương lai 1.191 giáo viên hợp đồng tại tỉnh Hải Dương vẫn rất mù mịt...

Báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương, cả tỉnh hiện nay có 4.056 giáo viên hợp đồng ở tất cả các cấp học, trong đó có 1.191 giáo viên hợp đồng đã 3 tháng nay không nhận được lương và có 61 giáo viên xin nghỉ việc.

Trong số giáo viên nghỉ việc có 42 giáo viên mầm non, 10 giáo viên tiểu học và 9 giáo viên THCS. Các giáo viên nghỉ việc chủ yếu thuộc các môn: Tiếng Anh, Âm nhạc, Tin học, Mỹ thuật…

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do giáo viên chỉ được ký hợp đồng lao động ngắn hạn, không được trả tiền công từ nguồn ngân sách nhà nước, chưa được trả lương và thu nhập thấp, bấp bênh.


Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)