Hiện nay, cả nước có trên 1,1 triệu giáo viên mầm non và phổ thông. Đội ngũ giáo viên cơ bản đủ về số lượng, đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo, có phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị tốt, có lòng yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm. Tuy nhiên, về cơ cấu các cấp, bậc học vừa thừa, vừa thiếu giáo viên.
|
(Ảnh minh họa) |
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ trong năm học 2016-2017 diễn ra ở tất cả các cấp học và ở nhiều địa phương. Số giáo viên thừa chủ yếu ở bậc trung học cơ sở, trong khi đó lại thiếu giáo viên mầm non, tiểu học, đặc biệt là giáo viên dạy các môn Tin học, Ngoại ngữ, Nhạc, Mỹ thuật…
Trên cả nước, tổng số giáo viên công lập dôi dư là hơn 26.000 và còn thiếu là hơn 45.000 giáo viên, trong đó nhiều nhất là bậc mầm non, thiếu trên 32.000 giáo viên. Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới của ngành Giáo dục - Đào tạo mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ nhiều nơi, đặc biệt là giáo viên mầm non đã được đề cập nhiều, thế nhưng chưa tính đến phương án chuyển đổi, bồi dưỡng. Đây là trách nhiệm của cả Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương cần chung tay giải quyết.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Ở đây đòi hỏi cách đổi mới rất gốc rễ cách quản lý của Bộ và của địa phương phối hợp với nhau như thế nào. Bây giờ không có một ngành nào mà chúng ta lại biết trước nhu cầu thị trường tốt bằng ngành giáo dục. Chúng ta có phòng giáo dục, Sở giáo dục nắm được hết dân cư trên địa bàn, dự báo số lượng học sinh, dự báo được biên chế cần thiết của giáo viên từng môn, từng cấp. Nếu chúng ta làm nghiêm túc thì căn cứ vào đấy định hướng ở từng địa phương, có chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Các trường cao đẳng sư phạm, đại học sư phạm làm theo chương trình bồi dưỡng.Tôi đề nghị các đồng chí ở các tỉnh, báo cáo cấp thẩm quyền ở tỉnh phải đặt ra thành một chương trình rất nghiêm túc”.