Hai áp thấp tác động liên tiếp, miền Trung mưa rất lớn

Google News

(Kiến Thức) - Sáng 6/10, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với vùng áp thấp trên biển Đông có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa lũ tại khu vực miền Trung.

Vùng áp thấp đang hoạt động có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trong 24 giờ tới
Đến 1h ngày 7/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 330km về phía Đông với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Áp thấp kết hợp với không khí lạnh từ phía bắc tràn xuống, tạo thành một tổ hợp xấu tác động đến thời tiết toàn Trung Bộ. Các tỉnh miền Trung có thể hứng chịu một đợt mưa lớn liên tục các ngày 7-11/10 với lượng phổ biến 300-500 mm. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có nơi mưa 500-700 mm.
Hai ap thap tac dong lien tiep, mien Trung mua rat lon
Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài chỉ đạo tại cuộc họp. 
Đến ngày 11/10, một áp thấp nhiệt đới khác có khả năng xuất hiện trên Biển Đông khiến mưa lũ ở Trung Bộ tiếp diễn và phức tạp hơn. Đợt mưa thứ 2 xuất hiện, nối liền với đợt mưa lớn trước đó, khả năng cao gây ra đợt lũ lớn trên các sông.
Nhấn mạnh đây là một đợt thời tiết điển hình gây mưa ở miền Trung, ông Mai Văn Khiêm dự báo gây mưa liên tục trong 10 ngày tới tại khu vực Trung Bộ với lượng mưa từ 500-1000mmm, có nơi trên 1000mm.
Nguy cơ gây mưa lớn, lũ, ngập lụt ở khu vực miền Trung
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai nhận định mưa lớn kéo dài trên 1.000 mm là tình huống phức tạp và nguy hiểm, cấp độ rủi ro lớn cho các khu vực trong vùng ảnh hưởng.
Đây là thời điểm dịch COVID-19 ở Việt Nam đã tạm thời lắng xuống nên khả năng người dân đi du lịch nhiều. Nhiều khách du lịch hiếu kỳ và có kinh nghiệm ứng phó với thiên tai còn hạn chế. Do đó, các địa phương cần chủ động lên phương án, ra quyết định ứng phó cần thiết để đảm bảo an toàn cho nhóm đối tượng này.
"Với cường độ mưa lớn như thế này, lũ và ngập úng chắc chắn xảy ra. Với mức độ gió cấp 6-7 trên đất liền thì có thể xảy ra dông lốc" – ông Trần Quang Hoài nói.
Trước diễn biến hình thái thiên tai nguy hiểm và phức tạp trên phạm vi rộng, tình hình lũ ở khu vực miền núi phía Bắc; vùng áp thấp có khả năng mạnh lên gây mưa lớn, lũ, ngập lụt ở khu vực miền Trung, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi, để chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa lũ, ông Trần Quang Hoài – Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia: tăng cường công tác dự báo, cảnh báo tình hình thiên tai, có các nhận định dài hạn để phục vụ công tác điều hành các hồ chứa, công trình thủy lợi, thủy điện; các thông tin dự báo ngắn hạn, trên phạm vi hẹp đặc biệt là các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng mưa lũ lớn. Đồng thời có cảnh báo cụ thể về báo động lũ trên các sông và cấp độ rủi ro thiên tai.
Đối với tuyến biển và ven bờ: Các địa phương tiếp tục thông tin cho các tàu thuyền trên biển về diễn biến áp thấp nhiệt đới để đảm bảo an toàn; Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo có văn bản hướng dẫn chỉ đạo địa phương có giải pháp đảm bảo an toàn cho các khu vực nuôi truồng thủy sản; đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
Đối với các vùng thấp trũng, vùng cửa sông, ven biển: không chủ quan, cần quan tâm giám sát hoạt động của các tàu vận tải nhỏ ven bờ.
Đối với khu vực đất liền: Rà soát, kiểm tra hệ thống đê biển, đê cửa sông có biện pháp đảm bảo an toàn đặc biệt tại các vị trí xung yếu, các công trình đang thi công.
Đối với khu vực thấp trũng: Rà soát kịch bản ứng phó của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, chuẩn bị phương án sơ tán để đảm bảo an toàn cho người dân trong nhiều ngày; chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây, đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp; sẵn sàng vận hành hệ thống công trình thủy lợi để tiêu thoát úng. Đảm bảo an toàn cho các cơ sở hạ tầng (trường học, bệnh viện, trạm xá, khu vực tránh trú cộng đồng,…).
Đối với giao thông: đảm bảo an toàn giao thông kể cả các tuyến đường Quốc lộ, Tỉnh lộ, liên huyện, xã đặc biệt đảm bảo an toàn cho các cháu học sinh đi học trong mùa mưa lũ.
Đối với các công trình hồ đập: Rà soát đảm bảo an toàn cho các công trình hồ chứa đặc biệt các hồ thủy lợi, thủy điện nhỏ, các vị trí xung yếu, đang thi công; chuẩn bị sẵn sàng cho vận hành 10 liên hồ chứa khu vực miền Trung.
Đối với khu vực miền núi: đảm bảo an toàn cho người dân khu vực miền núi đặc biệt nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, lũ từ khu vực thượng Lào. Rà soát từng hộ dân để đảm bảo an toàn, chuẩn bị nhu yếu phẩm, trang thiết bị cần thiết đề phòng trường hợp bị chia cắt kéo dài.
Ngày 7/10, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai sẽ tổ chức 2 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản về tình hình tàu thuyền và nuôi trồng, các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Cà Mau có tổng số 61.898 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06m, trong đó 1.006 tàu cá trong khu vực dự kiến ảnh hưởng của ATNĐ và 886.307 ha diện tích nuôi trồng trên biển, ven bờ; 80.954 ha diện tích nuôi trong sông hồ và 221.600 lồng bè.
>>> Mời độc giả xem thêm video Mưa lũ gây nhiều thiệt hại ở Lào Cai

Nguồn: Lào Cai TV

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)