Thành phố Hà Nội vừa quyết định chi 114 tỷ đồng năm 2020 cho công tác tưới nước rửa bụi bẩn trên đường và chống nóng. Trước đó, Hà Nội đã từng dừng tưới nước rửa đường từ năm 2017 nhằm tiết kiệm khoảng 70 tỷ mỗi năm bởi khi đó Hà Nội đã mua xe cơ giới quét hút hiện đại, sẽ góp phần làm sạch đường phố thay rửa đường.
Liên quan việc Hà Nội chi 114 tỷ rửa đường chống nóng, nhiều ý kiến cho rằng, đây là việc nên làm. Tuy nhiên, dư luận cũng yêu cầu Hà Nội phải làm cách nào để đồng tiền chi đúng, chi trúng. Bởi đây là bài toán khó vì thực tế vụ mua máy xét nghiệm COVID-19 vừa qua, CDC Hà Nội đã bị phát hiện nâng khống giá, biển thủ...
|
Ảnh minh họa. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, Hà Nội là một đô thị đặc biệt bởi là thủ đô của cả nước. Do đó, Hà Nội phải đảm bảo làm sao được không khí trong lành và môi trường sinh thái, môi trường sống xanh sạch đẹp. Bởi không chỉ người dân thủ đô được hưởng mà quốc tế người ta nhìn vào ca ngợi Việt Nam cũng như kêu gọi đầu tư.
“Vấn đề Hà Nội đầu tư sao cho đạt hiệu quả cao nhất để xứng tầm là một thủ đô. Tuy nhiên, trong đầu tư hạ tầng, chi phí từ xây dựng cơ bản đến vấn đề mua sắm trang thiết bị phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật cho rõ ràng, cụ thể để tránh trường hợp đáng tiếc như vụ việc nâng giá thiết bị máy xét nghiệm COVID-19 tại CDC Hà Nội gây dư luận không tốt” – đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa. |
Đại biểu Hòa cho rằng, trước đây Hà Nội đã từng triển khai tưới nước rửa đường một cách thường xuyên bây giờ thực hiện trở lại cũng khiến dư luận yên tâm.
“Việc tưới nước rửa đường hết sức là cần thiết nhưng chi số tiền đó, Hà Nội phải tính toán cụ thể, chi li, tính toán cái gì nên làm và cái gì không nên làm. Quan trọng nhất là tiết kiệm cho ngân sách để đầu tư hạ tầng, để đầu tư phát triển mà tiền ngân sách là tiền thuế của người dân. Cho nên phải thận trọng để sử dụng cho tốt, đạt hiệu quả cao nhất để không mang lại tai tiếng” – đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.
Vị đại biểu nhấn mạnh, quan trọng là mang lại lợi ích chung cho cộng đồng chứ không phải mang lại lợi ích riêng cho cá nhân hoặc nhóm lợi ích nào.
Theo kế hoạch, với kinh phí 114 tỷ đồng chi cho việc tưới nước rửa bụi bẩn trên đường, chống nóng trong những ngày nắng gắt, Hà Nội sẽ tưới nước rửa đường tại 30 quận, huyện, thị xã.
Dự kiến, quận Cầu Giấy có số chi cao nhất gần 11 tỷ đồng với gần 50 tuyến phố và đều rửa hàng ngày, huyện Ba Vì đứng thứ 2 với 7,8 tỷ đồng và thấp nhất là huyện Đông Anh với gần 500 triệu đồng dành cho việc rửa đường.
Quận Hoàn Kiếm phân loại rửa đường 3 lần/tuần để phục vụ không gian đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận; phục vụ tuyến phố đi bộ phố cổ. Các tuyến phố trục chính Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng rửa hàng ngày và các tuyến phố phục vụ an ninh trật tự (chống đua xe) rửa 4 lần/tuần. Quận Ba Đình có kế hoạch rửa đường ở 37 tuyến phố, trong đó đa số đều rửa 1 lần/tuần.
Hiện tại Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) đã tiến hành thực hiện rửa đường ở 4 quận nội thành được giao gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng.
Để việc rửa đường mang lại hiệu quả, thành phố Hà Nội chỉ đạo các quận huyện phải thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh lãng phí, không chồng lấn với hoạt động của xe quét hút và không tưới nước rửa đường trong ngày mưa.
Đường được rửa là những tuyến phố chính ở địa bàn quận, huyện và thường xuyên phát sinh bụi bẩn. Theo đó, các huyện, thị xã ngoại thành có tần suất rửa đường ít hơn so với các quận nội thành. Căn cứ vào những tiêu chí trên, các địa phương đưa ra phương án rửa đường phù hợp với từng tuyến đường, phố trên địa bàn.
Thành phố Hà Nội giao Sở Tài chính hướng dẫn Ủy ban Nhân dân các quận, huyện và Sở Xây dựng bố trí nguồn kinh phí để tưới nước rửa đường đảm bảo đúng quy định của pháp luật và thực hiện lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định của Chính phủ.
>>> Mời độc giả xem video Hà Nội "chơi lớn", chi hơn 100 tỷ đồng rửa đường