|
Nhiều tuyến đường ở Hà Nội đang được sửa chữa gây bụi mù mịt. Ảnh: Trường Phong. |
Công an thành phố chủ trì, có cảnh sát giao thông, cảnh sát môi trường, thanh tra giao thông, thanh tra xây dựng kiểm tra và xử lý thật nặng tất cả các xe không che chắn và để rơi vãi vật liệu ra đường. Đồng ý cho tưới đường trở lại. Các đơn vị tham gia thu gom rác không đảm bảo năng lực thì kiên quyết xử lý”, ông Chung nói trong cuộc họp chiều 18/12 với các sở, ngành, quận, huyện để đôn đốc công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn, trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội ở mức cao.
Các quận kiến nghị được rửa đường
Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết, theo thống kê dữ liệu từ hệ thống 11 trạm quan trắc không khí do Sở TN&MT quản lý, vận hành, số ngày chất lượng không khí tốt đang có xu hướng giảm qua các năm 2017 - 2019, số ngày chất lượng không khí chạm mức kém, xấu, rất xấu có xu hướng tăng. Ô nhiễm không khí có xu hướng tăng cao nhất từ 5h đến 12h sau đó giảm nhẹ vào trưa chiều và tăng lên vào ban đêm.
Theo ông Định, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã xuất hiện 6 đợt ô nhiễm không khí kéo dài trung bình từ 5 đến 10 ngày, chất lượng không khí ở mức kém, xấu và rất xấu, trong đó đợt ô nhiễm cao điểm nhất là đầu tháng 12, từ ngày 8/12 đến 14/12, chất lượng không khí thường xuyên ở mức xấu và rất xấu, nhiều ngày liền chỉ số chất lượng không khí AQI vượt ngưỡng 200. Mức AQI cao nhất là 266.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Nắng Mai cho rằng, rất khó kiểm soát hoạt động khai thác cát, hoạt động của xe chở cát, đặc biệt là việc yêu cầu rửa xe khi ra khỏi vùng khai thác, thi công. Trên địa bàn quận, hiện cũng có nhiều công trình lớn như đường sắt trên cao, đường vành đai 3 phát sinh nhiều bụi. Bà Nắng Mai kiến nghị được tưới nước rửa đường trên 15 tuyến đường chính. Hiện tại, Sở Xây dựng đã thống nhất ý kiến kiến nghị lên thành phố.
Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong cũng đề xuất tưới nước rửa đường từ 2 - 3 lượt/tuần đối với các tuyến phố chính của quận. Quận cũng tiến hành xử phạt đơn vị đang cải tạo vỉa hè nhưng chưa đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình thi công. Chung quan điểm, lãnh đạo UBND quận Hoàng Mai cũng đề nghị được rửa hai tuyến đường trọng điểm trên địa bàn quận.
Lập lại trật tự công tác môi trường
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung thẳng thắn thừa nhận còn nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố như việc thu gom, xử lý rác thải, vấn đề phối hợp xử lý chưa đồng bộ giữa các sở ngành và quận huyện, còn tình trạng buông lỏng quản lý…
Ông Chung cũng nhắc lại quan điểm, thành phố cần một thời gian dài, với các giải pháp đồng bộ để khắc phục tình trạng ô nhiễm như một số thành phố lớn trên thế giới từng trải qua. Trước mắt, ông Chung yêu cầu Sở TN&MT chuẩn bị địa điểm để lắp đặt khoảng 50 - 70 trạm quan trắc, cảm biến, hoàn thiện trong quý I/2020. Sở Y tế, Sở TN&MT phải phối hợp để xây dựng quy chế đến mức nào thì thông báo, cảnh báo cho người dân. Theo ông Chung, hiện thành phố mới có 14 trạm quan trắc, nếu dựa trên thông số đó để ra cảnh báo cho học sinh nghỉ học thì chưa đại diện cho tất cả thành phố. “Khi nào có tất cả các trạm theo đúng quy hoạch, xác định ảnh hưởng đến tất cả các trường thì mới nghỉ được”, ông Chung nói.
Đối với các đơn vị thu gom rác thải trên địa bàn thành phố, Chủ tịch thành phố Hà Nội lưu ý, phải có các biện pháp làm sạch đường, làm sạch dải phân cách, kể cả các ngõ, xóm vì thành phố đã đấu thầu theo địa bàn, và hiện nay, phương tiện cơ giới đã được thiết kế phù hợp với địa bàn của thành phố. Ông Chung cũng đồng ý với đề xuất tưới nước, rửa đường nhưng cần cải tiến đầu phun cho phù hợp.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng nhấn mạnh, các quận huyện cần tiếp tục làm sạch ao hồ, vận động người dân cắt giảm sử dụng than tổ ong, đặc biệt là các quận nội thành. Các sở, ngành cần tạo điều kiện để các nhà máy rác công nghệ đốt phát điện sớm đi vào hoạt động. Theo ông Chung, từ năm 2021, thành phố sẽ đấu thầu lại việc thu gom, vận chuyển rác thải theo hướng phù hợp với công nghệ mới. Các Cty không đủ năng lực sẽ không được tiếp tục tham gia.
Trước tình trạng vi phạm tràn lan của các xe chở vật liệu và công trình thi công không đảm bảo che chắn gây ô nhiễm, Chủ tịch Hà Nội cho rằng, cần xây dựng quy định mới về loại phương tiện chuyên dùng để chở vật liệu xây dựng không bay bụi ra ngoài. Các gia đình khi được cấp phép phá dỡ cũng phải có quy định gắn với đơn vị vận chuyển để quản lý chỗ đổ phế thải. “Công an thành phố chủ trì, có cảnh sát giao thông, cảnh sát môi trường, thanh tra giao thông, thanh tra xây dựng kiểm tra và xử lý thật nặng tất cả các xe không che chắn và để rơi vãi ra đường... ”, ông Chung nói thêm. Ông Chung cũng yêu cầu thực hiện nghiêm quy định các xe ra vào công trường phải được rửa sạch sẽ; trồng thêm cây xanh; vận động người dân không đốt rác, đốt rơm, rạ; sớm có đề án về thu hồi và xử lý xe quá hạn. Liên quan đến công tác cải tạo, sửa chữa vỉa hè, các tuyến đường, ông Chung yêu cầu phải làm đến đâu gọn đến đó, không phát tán bụi.
Chưa có cơ sở cho học sinh nghỉ học khi chỉ số bụi tăng cao
Chi cục trưởng Chi cục Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái đề xuất thành phố cho phép trong những ngày chỉ số AQI cao hơn 300, Chi cục có thông báo đến Sở GD&ĐT cho học sinh nghỉ học bởi mức này nguy hại tới sức khỏe. “Các thành phố khác trên thế giới như Bangkok thì chỉ số AQI hơn 300 là học sinh mẫu giáo và tiểu học được nghỉ”, ông Thái nói.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, hiện thành phố mới có 14 trạm quan trắc, nếu dựa trên thông số đó để ra cảnh báo cho học sinh nghỉ học thì chưa đại diện cho tất cả thành phố. “Khi nào có tất cả các trạm theo đúng quy hoạch, xác định ảnh hưởng đến tất cả các trường thì mới nghỉ được”, ông Chung nói.