Mới đây, dư luận bày tỏ sự phẫn nộ về hành vi đổ chất thải xú uế trộn lẫn với dầu hỏa lên người bé 2 tuổi của một người phụ nữ tại thôn Tịnh Thọ, xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên).
Sự việc được một đoạn clip ghi lại thể hiện hình ảnh một người một người phụ nữ tay cầm xô nhựa từ trong nhà đi ra. Khi người quay clip hỏi "Chị đổ gì, đổ phân à?", người phụ nữ nói to "Đổ hết, đổ đủ thứ… đổ cho nó biết". Tiếp đó là hình ảnh, người mẹ bồng bé trai 2 tuổi, trên người hai mẹ con đầy phân. Cả hai mẹ con nước mắt chảy thành dòng. Nhiều người đã bày tỏ sự bất bình với hành vi của người phụ nữ này.
|
Hình ảnh người phụ nữ đổ chất thải lên cháu bé 2 tuổ gây bức xúc dư luận. |
Thông tin ban đầu cho thấy, tối ngày 19/4, bà N.T.C. (SN 1965, trú ở thôn Tịnh Thọ), qua nhà hàng xóm là bà C.T.G. (SN 1981) để đòi tiền nợ. Do bà G. chưa có tiền trả nên hai bên đôi co, lời qua tiếng lại. Bà C. đổ một xô chứa đầy chất xú uế trộn lẫn với dầu hỏa lên đầu bé trai mới khoảng 2 tuổi, là con trai của bà G.
Hiện Sở LĐ,TB&XH Phú Yên đang xác minh thông tin vụ việc xâm hại thân thể cháu bé 2 tuổi trên, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đang vào cuộc làm rõ nguyên nhân vụ việc. Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi, với hành vi đổ chất thải lên người mẹ con cháu bé, người phụ nữ sẽ bị xử thế nào theo quy định của pháp luật?
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, dù nguyên nhân gì đi nữa, hành vi của người phụ nữ này là rất tàn nhẫn, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác, xâm hại thân thể và làm nhục trẻ em. Hành vi này có dấu hiệu tội phạm bởi vậy cơ quan điều tra cần xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật sư Cường cho rằng, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ đối tượng đã đổ chất thải nên người mẹ con cháu bé hai tuổi nhằm mục đích gì. Trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng đổ chất thải nên người mẹ con cháu bé nhằm mục đích buộc người mẹ phải trả tiền, hành vi có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 BLHS hoặc tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015.
Theo quy định của pháp luật, trong các giao dịch dân sự nếu phát sinh nghĩa vụ trả tiền mà các bên không thỏa thuận được với nhau có thể khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác để buộc giao tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Nếu hành vi dùng vũ lực khiến cho nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự được để chiếm đoạt tài sản đó là hành vi cướp tài sản. Còn hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản mà chưa đến mức khiến người bị đe dọa tê liệt ý chí vẫn có thể bị xử lý hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 BLHS năm 2015.
Theo luật sư Cường, hành vi tấn công, đổ chất thải vào đầu, vào người khác là hành vi sử dụng vũ lực. Trong vụ việc này nạn nhân là đứa trẻ mới 2 tuổi cho thấy hành vi tàn nhẫn, mất tính người của đối tượng đã thực hiện hành vi nguy hiểm.
Trường hợp đối tượng này là chủ nợ, nhiều lần đòi tiền nhưng mẹ của cháu bé không trả, pháp luật cũng không cho phép đối tượng này sử dụng vũ lực một cách tùy tiện, theo kiểu “tự xử” như vậy. Chỉ có cơ quan thi hành án dân sự mới có quyền sử dụng vũ lực, lực lượng cưỡng chế và thực hiện tổ chức cưỡng chế thi hành bản án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.
“Pháp luật nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động cưỡng chế để đòi nợ trái pháp luật. Nếu ai cũng hành xử theo kiểu côn đồ, tự xử như vậy xã hội sẽ loạn” – luật sư Cường nêu ý kiến.
Ông Cường cho biết thêm, trường hợp cơ quan chức năng không chứng minh được hành vi sử dụng vũ lực để nhằm chiếm đoạt tài sản, có thể sẽ không xử lý hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản hoặc tội cướp tài sản. Tuy nhiên hành vi ném chất bẩn vào người khác một cách công khai, hành vi này có thể bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích nếu có tỷ lệ thương tích hoặc tổn hại sức khoẻ xảy ra hoặc tội làm nhục người khác nếu như hậu quả của hành vi gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, sức khỏe của nạn nhân.
Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ nếu hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội danh nào thì sẽ xử lý hình sự về tội danh đó.
Đồng thời cho rằng, vụ việc trên là bài học trong việc đảm bảo về an ninh trật tự, an toàn xã hội. Cho thấy, chính quyền các địa phương cần vào cuộc, can thiệp kịp thời để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Trong trường hợp có tranh chấp mâu thuẫn dân sự cần hoà giải, giải thích, phân tích để các đương sự thực hiện việc giải quyết tranh chấp theo đúng quy định của pháp luật, tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, tài sản của người khác. Nghiêm cấm hành vi sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn, đòi nợ trái pháp luật.
Những hành vi như vậy sẽ gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây hoang mang lo lắng cho nhân dân và sự việc mất bình tĩnh trong tranh chấp dân sự có thể biến nạn nhân trở thành tội phạm.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bị đòi nợ, giết hai vợ chồng chủ nợ rồi tự sát:
Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.