Sáng sớm 28/10, tại Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9 (đặt tại Đà Nẵng), cùng với việc chỉ đạo ứng phó chống bão trong đất liền, bảo đảm tài sản và tính mạng của người dân, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Ban Chỉ đạo tiền phương liên tục bàn phương án cứu nạn các ngư dân trên biển.
8h30, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng gọi điện cho thượng tá Ngô Đức Dũng, thuyền trưởng tàu kiểm ngư đang tham gia tìm kiếm, cứu hộ tàu của Bình Định gặp sự cố.
“Cố gắng nhé! Cố gắng nhé! Trách nhiệm của thuyền trưởng và các thuyền viên rất cao”, Phó thủ tướng động viên thượng tá Dũng và dặn dò các thành viên tàu kiểm ngư tham gia cứu hộ chủ động đảm bảo an toàn, tùy cơ ứng biến.
Hiện 2 tàu kiểm ngư đang đi ngược hướng bão để tìm kiếm, cứu hộ các thuyền viên còn mất tích trên 2 chiếc tàu của Bình Định bị chìm.
|
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thống với Bộ trưởng Quốc phòng điều 2 tàu hải quân và 2 tàu kiểm ngư từ Cam Ranh cứu hộ ngư dân gặp nạn trên biển. Ảnh: Đoàn Bắc.
|
Sau đó, Phó thủ tướng gọi điện thoại cho đại tướng Ngô Xuân Lịch (Bộ trưởng Quốc phòng) đề nghị cử tàu lớn hơn ra cứu ngư dân trên biển.
Phó thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng thống nhất điều 2 tàu hải quân và 2 tàu kiểm ngư từ Cam Ranh ra cứu hộ. Các tàu này có công suất lớn hơn, khả năng chịu bão tốt hơn, nên có thể tiếp cận hiện trường hiệu quả hơn.
Trước đó, vào chiều 27/10, trong quá trình di chuyển tránh bão số 9, tàu BĐ96388-TS/12 LĐ bị chìm tại khu vực cách bờ Phú Yên 330 km về phía Đông. Một tàu khác là BĐ97469-TS/14 LĐ cũng bị chìm cách Hòn Tre (Khánh Hòa) 310 km.
Trên 2 tàu này có tổng cộng 26 ngư dân chưa liên lạc được.
Nhận được tin, một tàu khác ở gần hiện trường đã ra ứng cứu nhưng không thành công. Phương tiện này bị chết máy, phải phát tín hiệu cầu cứu. Đến sáng nay, các thuyền viên trên tàu này vẫn an toàn, đang giữ liên lạc với đất liền.
|
Một tàu của Hải quân Việt Nam neo đậu ở khu vực quân cảng Cam Ranh. Ảnh: Lê Quân.
|
Sáng nay, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng trực tiếp đi kiểm tra công tác ứng phó bão và sơ tán người dân tại Đà Nẵng.
Trong khu sơ tán tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng), Phó thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương cung cấp đủ lương thực, nước uống cho người dân tại các điểm sơ tán.
Ông lưu ý các lực lượng chú ý đảm bảo an toàn cho các điểm sơ tán, nhất là tại các công trình có mảng tường kính lớn, rất dễ bị gió giật vỡ, gây nguy hiểm.
“Bà con yên tâm sơ tán, tuyệt đối không tự ý trở về nhà khi bão chưa tan. Chính quyền đã giao bảo vệ tài sản cho người dân yên tâm tránh bão. Quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân”, Phó thủ tướng động viên bà con địa phương.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9, 8h15 sáng 28/10, do ảnh hưởng của bão số 9, tại Lý Sơn đã đo được gió mạnh cấp 10, giật cấp 12. Lúc 8h, vị trí tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 195 km, cách Quảng Nam khoảng 125 km, cách Quảng Ngãi khoảng 85 km, cách Bình Định khoảng 112 km, cách Phú Yên 190 km.
Sức gió mạnh nhất cấp 12 (115- 135km/h), giật cấp 15. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20- 25km/h.