Bão, lũ lụt, thuỷ điện và Covid-19: Cách nào dân sống khoẻ nhất?

Google News

(Kiến Thức) - Đối với người dân miền Trung, năm 2020 không chỉ là năm nhiều khó khăn thách thức mà còn là năm mất mát, kiệt quệ, đau thương khi liên tiếp phải gánh chịu hậu quả bão, lũ lụt, thủy điện và dịch COVID-19.

Hai đợt dịch COVID-19 chỉ cách nhau 99 ngày mà trọng tâm vùng dịch đợt hai lại ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Quảng Nam đã gây nhiều tác động tiêu cực chưa từng có tiền lệ lên nền kinh tế của cả nước nói chung và miền Trung nói riêng. Hàng nghìn doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động phá sản, kéo theo hàng chục nghìn lao động mất thu nhập, thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng. Ngay Đà Nẵng một trung tâm dịch vụ du lịch của cả nước đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề của dịch bệnh khi là tâm điểm vùng dịch với hàng trăm ca nhiễm, thiệt hại kinh tế riêng về du lịch lên đến 26.000 tỷ đồng.
Bao, lu lut, thuy dien va Covid-19: Cach nao dan song khoe nhat?
 Người dân sơ tán phòng tránh bão số 9 đang đổ bộ miền Trung. Ảnh: VGP
Họa chồng lên họa, vừa phải chịu đựng 2 đợt dịch COVID-19, người dân miền Trung đã phải hứng chịu cơn bão số 5 và những trận lũ lịch sử chồng lên nhau khiến cuộc sống người dân thật sự kiệt quệ. Trận “đại hồng thủy” nhấn chìm nhiều địa phương ở miền Trung mới đây đã khiến 132 người thiệt mạng và mất tích, gần 200 nghìn ngôi nhà chìm trong nước lũ, hàng nghìn ha hoa màu, hàng trăm nghìn con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi. Không ít người dân mất nhà mất cửa, trắng tay sau lũ bão, tang thương và thiệt hại kinh tế của thảm họa thiên tai nối tiếp sau dịch bệnh đã khiến cuộc sống người dân vô cùng khó khăn.
Lũ chồng lên lũ, thiên tai nối tiếp thiên tai, thảm họa lũ lụt miền Trung khiến không ít người đề cập đến sự phát triển dày đặc của mạng lưới thủy điện ở khu vực này. Trong họa lũ lụt ấy chưa có chứng minh thủy điện gây lũ nhưng tình trạng phát triển nóng của hệ thống thủy điện dày đặc đã làm hủy hoại nghiêm trọng tài nguyên đất, rừng đầu nguồn và trở thành mối hiểm họa cho dân. Người dân không chỉ sợ hai cụm từ “xả lũ” mỗi khi mưa lớn mà còn sợ sạt lở đất. Sự cố sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 khiến 17 công nhân tử vong, mất tích, 13 cán bộ, chiến sĩ hi sinh trên đường cứu nạn đã làm tăng thêm những mất mát đau thương cho khúc ruột miền Trung.
Thiệt hại với người dân miền Trung đến nay chưa thể thống kê hết nhưng chưa dừng lại khi mới đây cơn bão số 9 sau khi giảm còn cấp 12 đang áp sát miền Trung. Đây là cơn bão lớn trong vòng 20 năm qua và nếu không phòng ngừa tốt sẽ thiệt hại rất nặng nề.
Câu hỏi đặt ra: Cách nào để người dân miền Trung sống khỏe nhất để có thể đương đầu với thiên tai?
Dịch họa COVID-19 cũng giống như thiên tai bão lũ đều có thể gây ra những hậu quả nặng nề mà con người phải mất rất nhiều năm để khắc phục hậu quả.
Trong thời điểm bùng phát dịch bệnh COVID-19 và thời điểm thiên tai bão lũ hoành hành, người dân miền Trung nói riêng và cả nước nói chung đều nhận thấy sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ việc đưa ra các biện pháp phòng tránh đến khắc phục hậu quả. Trước tác động của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách tiền tệ, tài khóa, an sinh xã hội nên đến hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của cú sốc dịch bệnh. Và mới đây, Chính phủ đã hỗ trợ 500 tỷ đồng và cấp 4.000 tấn gạo cứu đói cho đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Ngay trong phòng chống bão, lũ, Thủ tướng liên tục có những công điện đưa ra các biện pháp ứng phó. Ngay bão số 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhanh chóng quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương để chỉ đạo ứng phó bão số 9, do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn làm Trưởng ban để giảm thiểu những tác động đến cuộc sống người dân.
Cùng với sự quan tâm của Chính phủ, nhân dân cả nước đều hướng về khúc ruột miền Trung. Trong đại dịch COVID-19, người dân cả nước đều động viên ủng hộ Đà Nẵng và các tỉnh vượt qua dịch bệnh. Trong “trận đại hồng thủy” mới đây, cả nước tiếp tục hỗ trợ người góp của, kẻ góp công giúp đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt, sớm ổn định đời sống. Nhưng đó chỉ là những giải pháp trước mắt.
Người dân miền Trung muốn sống khỏe để vượt qua thiên tai, dịch bệnh chính là phát triển nội lực, có những giải pháp chiến lược phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững. Tuy nhiên, đó là một trong những giải pháp lâu dài và phải mất thêm rất nhiều thời gian để phát triển.
Còn với thiên tai và trước mắt là cơn bão số 9 cũng giống như dịch bệnh COVID- 19 vẫn là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Người dân cần nâng cao ý thức để đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân, tuân theo những chỉ đạo của lực lượng chức năng phòng chống bão lũ sơ tán đến nơi an toàn, tuyệt đối không đi ra khỏi nhà, không được có tâm lý chủ quan. Bởi thực tế không ít trường hợp tử vong trong trận đại hồng thủy vừa qua xuất phát từ sự chủ quan của một bộ phận người dân. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần lưu ý triển khai các biện pháp phòng, chống mưa lũ trước, trong và sau bão, đặc biệt lưu ý bảo đảm an toàn hồ đập, ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu và đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân phải được ưu tiên hàng đầu.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bão số 9 Molave giật cấp 17, Nếu giữ cấp 12 khi vào đất liền, bão số 9 sẽ có sức tàn phá khủng khiếp

Nguồn: VTV 1

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)