Tại các bến xe lớn của Hà Nội những ngày gần đây, các chuyến xe buýt đều rất vắng khách. Anh Dũng - một hành khách thường xuyên sử dụng xe buýt đi làm từ Sơn Tây đến Hà Đông (Hà Nội) - cho biết nếu như trước đây tuyến xe buýt 89 luôn trong tình trạng chật kín, hành khách thường xuyên phải đứng cả chặng đường dài, thì giờ đây khách lên xe lúc nào cũng có ghế ngồi.
Anh cho biết thêm, hành khách đi xe buýt bây giờ chủ yếu là những bệnh nhân xuống khám và kiểm tra bệnh ở các bệnh viện trong nội thành.
Tương tự, chị Linh - người thường xuyên đi làm bằng xe buýt trên tuyến số 39 - chia sẻ lượng hành khách đi xe giờ không còn đông như thời gian trước đây, hầu hết mọi người lên xe đều có ghế ngồi.
|
Số lượng hành khách đi xe buýt tại Hà Nội đã giảm mạnh |
Chia sẻ với PV, anh Tuấn - một phụ xe buýt - thừa nhận kể từ khi học sinh, sinh viên Hà Nội được nghỉ học dài ngày và người dân ngại ra đường do lo sợ lây nhiễm dịch COVID-19 khiến cho số lượng người sử dụng phương tiện công cộng là xe buýt giảm hẳn. Số khách lên xe chủ yếu là ở các đầu bến, còn ở các điểm dừng đón dọc đường khu vực các trường học thì rất vắng. Chuyện chuyến xe trong giờ cao điểm chỉ có hơn chục khách, những chuyến giờ bình thường trong ngày thì lượng khách còn ít hơn.
Theo Sở GTVT Hà Nội, từ ngày 7/2 đến ngày 13/2, số lượng hành khách sử dụng xe buýt sụt giảm rất nhiều. Số lượng xe buýt chỉ đạt 120.271 lượt xe với 8,84 triệu lượt hành khách. Trong đó, buýt trợ giá đạt 8,39 triệu lượt hành khách. Đây là mức sụt giảm lớn nhất từ trước đến nay.
Trước đó, thống kê từ ngày 31/1 - 6/2 cho thấy số lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt vận chuyển đạt 492.145 lượt xe với 41,4 triệu hành khách. Riêng buýt trợ giá đạt 37,2 triệu lượt hành khách.
Mặc dù số lượng hành khách sử dụng phương tiện công cộng là xe buýt sụt giảm mạnh trong những ngày gần đây. Nhưng, đại diện Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết sẽ cố gắng giữ ổn định qua mùa dịch COVID-19 dịch vụ bởi nếu không duy trì thường xuyên người dân sẽ không sử dụng nữa. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch đạt mục tiêu xe buýt đáp ứng từ 20 – 25% nhu cầu đi lại của người dân tại Hà Nội trong năm 2020.
|
Mỗi chuyến xe chỉ có vài khách trở nên phổ biến ở nhiều tuyến |
Hà Nội có 124 tuyến buýt; trong đó, có 100 tuyến trợ giá, 10 tuyến không trợ giá, 12 tuyến kế cận, 2 tuyến City Tour. Mạng lưới xe buýt đã phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã và phục vụ đến 453/584 số xã, phường, thị trấn (đạt 78%); 66/71 bệnh viện (đạt 93%); 296/708 các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông đạt (42%); 32/37 các khu công nghiệp (đạt 86%); 82/85 các khu đô thị mới (đạt 96%).
Nếu đợt nghỉ của học sinh, sinh viên tiếp tục kéo dài và người dân tiếp tục ngại ra đường bởi lo ngại dịch COVID-19, chắc chắn hệ thống phương tiện công cộng là xe buýt tại Hà Nội sẽ tiếp tục gặp thêm nhiều khó khăn.