Đánh giá lại chương trình, sách giáo khoa hiện hành

Google News

(Kiến Thức) - Theo GS.TS Phạm Tất Dong, Bộ GD&ĐT phải có cuộc tổng kết về chương trình giáo dục hiện hành và đánh giá đầy đủ về bộ SGK đang sử dụng. 

 Ảnh minh họa.
Theo GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, chương trình giáo dục phải là một thể thống nhất, sách giáo khoa (SGK) nhiều bộ là sự phản ánh tính đa dạng cần thiết của nội dung chương trình nhằm đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân với những địa bàn và điều kiện kinh tế khác nhau.
Trước khi triển khai một chương trình, nhiều bộ SGK, Bộ GD&ĐT phải có cuộc tổng kết về chương trình giáo dục hiện hành và đánh giá đầy đủ về bộ SGK đang sử dụng. Nếu như chương trình giáo dục hiện nay là tốt, SGK hiện nay có chất lượng và hiệu quả cao trong giảng dạy thì việc gì phải bàn đến câu chuyện này? Còn nếu nó đang có vấn đề thì phải chỉ rõ nó là vấn đề gì, trên cơ sở đó mới chỉ đạo xây dựng lại chương trình và viết lại bộ SGK để tránh những khiếm khuyết đã mắc phải.
Phải nhận thức rõ rằng viết các bộ SGK chứ không phải là viết từng cuốn SGK. Viết SGK theo từng bộ nghĩa là phải tôn trọng tính thống nhất của riêng từng bộ với một học thuật riêng, hệ thống quan điểm và cách tiếp cận riêng. Ví dụ, nếu xây dựng một bộ SGK theo hướng "nhà trường tư duy" thì SGK các môn như Toán, Văn, Lịch Sử, Địa lý... đều hướng đến đào tạo một người có tinh thần sáng tạo, có đầu óc kinh doanh và thói quen học tập suốt đời. 
Ở Hàn Quốc, nền giáo dục hướng vào năng lực là một chủ trương lớn với các trụ cột như phát triển mọi tiềm năng của từng cá nhân, tăng khả năng tìm kiếm việc làm, thúc đẩy năng lực hòa nhập xã hội. Mục đích nhằm chuyển nền kinh tế dựa vào chế tạo sang kinh tế công nghiệp tri thức và sáng tạo. Chương trình giảng dạy phải đáp ứng mục tiêu nuôi dưỡng sáng tạo trong từng học sinh, phát triển ý thức cao về nghĩa vụ công dân. Ở Việt Nam, nếu xác định đổi mới thì phải xác định sẽ đưa ra mô hình trường học nào, theo chủ đề phát triển nào? Đây là vấn đề then chốt để xác định chương trình giáo dục.
Một chương trình, nhiều bộ SGK là chủ trương đúng, nhưng cần phải có một chương trình khung về giáo dục được sự đồng thuận của một hội đồng khoa học do Nhà nước thành lập, không dùng chương trình hiện hành vì đang có nhiều tranh cãi, tổ chức đánh giá toàn diện các bộ SGK đang dùng hiện nay, chọn các tổ chức có năng lực biên soạn SGK phổ thông để xây dựng đề cương viết bộ SGK chứ không chọn cá nhân viết từng cuốn để đảm bảo tính thống nhất về học thuật, quan điểm giáo dục, cách tiếp cận. 
Cần tránh đưa ra một bộ SGK được viết theo các quan điểm giáo dục khác nhau, tham khảo tài liệu của các nước khác nhau để tránh một bộ sách "hổ lốn". SGK viết xong phải mang ra dạy thử trọn bộ trong năm học sau khi qua thẩm định của một hội đồng viết SGK toàn quốc, không nên chỉ thử nghiệm vài tiết học.
Nhà nước phải đầu tư kinh phí cho các đề án viết các bộ SGK, có kế hoạch biên tập, thẩm định thử nghiệm theo một quy định chặt chẽ, bố trí một số trường thực nghiệm với từng bộ sách. 
Hà Bình

Bình luận(0)