|
Ảnh minh họa. |
GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) đặt ra lúc này là cần thiết, nhưng cần xác định rõ chuẩn chương trình là gì, chuẩn SGK như thế nào?
GS.TS Nguyễn Ngọc Phú chia sẻ các quan điểm đổi mới: Chúng tôi tán thành quan điểm của Bộ là một chương trình, nhiều bộ SGK, nhưng chúng tôi cảm thấy Bộ lại quá nhấn mạnh đến SGK lúc này, trong khi theo chúng tôi, cái đặc biệt cần là làm rõ, cần định hình rõ là chuẩn của chương trình các lớp, xác định rõ chuẩn tối thiểu cần đạt là cái gì. Những nội dung này chúng tôi không thấy rõ được thể hiện trong báo cáo. Cũng có thể vấn đề này Bộ đã bàn ở một nội dung khác. Trước hết, cần tập trung công sức xây dựng chương trình theo hướng tiếp cận năng lực người học, hướng dẫn gợi mở kỹ về hình thành các năng lực bước đầu cần thiết.
Về vấn đề nhiều bộ SGK, cho phép các tổ chức cá nhân có quyền chủ động đăng ký biên soạn sách cũng có nhiều vấn đề đặt ra. Liệu có cho phép đơn vị hoặc tổ chức đăng ký chỉ nhận biên soạn SGK một cấp, một môn cho một số cấp hoặc tất cả các cấp hay không, mà không biên soạn toàn bộ SGK mọi cấp, mọi môn, mọi hoạt động? Một vấn đề rất nan giải là việc biên soạn SGK có được hỗ trợ về mặt tài chính hay không? Đây là một công việc khá tốn kém, ngoài ra sẽ có tình trạng bỏ tiền ra để biên soạn nhưng bị loại sau thẩm định thì những trường hợp như vậy có được xem xét gì về mặt kinh phí hay không?
Khi đã có các bộ SGK, đã được thẩm định, việc tiến hành thí điểm các SGK được biên soạn sẽ được thực hiện như thế nào? Có lẽ sẽ không thể thực hiện được yêu cầu này khi có nhiều bộ SGK (viết theo cùng một cấp, cùng một lớp, cùng một môn). Nếu nhất thiết phải thực hiện yêu cầu thí điểm trước khi triển khai thì khó lòng triển khai rộng theo đúng kế hoạch thời gian đã quy định của Bộ. Ngoài ra, ai sẽ chịu trách nhiệm tổ chức thí điểm các bộ sách đó?
Liệu có khả năng có những môn học mà không một đơn vị, tổ chức nào đăng ký biên soạn? Giả sử trường hợp đó xảy ra thì giải quyết như thế nào? Cũng đặt câu hỏi như vậy trong trường hợp không có một tổ chức, đơn vị nào nhận viết toàn bộ SGK (các cấp, các môn, các hoạt động), mà điều này rất dễ xảy ra. Trường hợp này sẽ được giải quyết như thế nào, phải chăng khi đó thì Bộ GD&ĐT sẽ đứng ra để viết. Cuối cùng, giao cho các trường được quyết định lựa chọn bộ SGK thì liệu có làm phát sinh tiêu cực?
Vai trò của Bộ GD&ĐT là gì ngoài việc ban hành các quy định, tiêu chí, quy trình, tổ chức thẩm định, giám sát... Việc Bộ GD&ĐT thực hiện biên soạn 1 bộ SGK của Bộ cũng liệu có nảy sinh tâm lý các trường chỉ dùng sách do Bộ biên soạn? Khắc phục điều đó thế nào?