“Ốc đảo” mà chúng tôi nói đến là thôn Thuận Hòa (xã Quảng Trường, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Gọi là “ốc đảo” vì thôn này nằm biệt lập với thế giới bên ngoài và bị ngăn cách bởi dòng sông Gianh mênh mông sóng nước.
Cây cầu gỗ mục nát do người dân trong thôn tự bắc là cầu nối duy nhất giữa người trong thôn với thế giới bên ngoài. Nhiều năm trôi qua, chiếc cầu đã xuống cấp và mục nát.
|
Cây cầu phao dựng bằng gỗ là cầu nối duy nhất giữa "ốc đảo" Thuận Hòa với các địa phương khác. |
Sống trong sợ hãi
Để vào thôn Thuận Hòa, chúng tôi phải đi qua chiếc cầu gỗ đã mục, vừa đi trên cầu mà chúng tôi vừa lo: “Liệu cầu có lật hay không?”. Mỗi lần chiếc cầu rung lắc là từng ấy lần chúng tôi thót tim.
|
Cầu phao được dựng tạm bằng gỗ, dây thừng, thùng phi nhựa do người dân tự làm vào những năm 2007. |
Theo quan sát của chúng tôi, cây cầu dài khoảng 200 mét, rộng 2mét. Cầu được dựng bằng những tấm ván bạch đàn cùng với thân cây dẻ. Các tấm ván kết nối với nhau bằng những dây thừng to.
Phía dưới có thùng phi nhựa lớn như tấm phao để đỡ cầu. Tìm hiểu được biết, cây cầu do bà con trong thôn tự bắc đã nhiều năm nay. Sau nhiều năm sử dụng, cây cầu đã mục nát và có dấu hiệu xuống cấp.
|
Sau nhiều năm sử dụng cây cầu đã có dấu hiệu bị xuống cấp. |
Dân địa phương cho hay, những năm 1999 mọi người trong thôn muốn ra ngoài đều phải di chuyển bằng thuyền. Tuy nhiên, thấy như vậy rất nguy hiểm và vất vả nên năm 2007 mọi người đã đóng góp dựng lên chiếc cầu kể trên. Thế nhưng, cơn lũ năm 2010 và 2013 đã tàn phá cây cầu khiến nó bị xuống cấp nghiêm trọng.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Mai Lương Thế (62 tuổi, thôn Thuận Hòa) cho biết, người dân trong “ốc đảo” Thuận Hòa rất sợ những ngày trời mưa to. Bởi lẽ, mỗi khi trời mưa, nước dâng lên khiến mọi người phải tháo dỡ cầu vì sợ cầu bị nước lũ cuốn trôi.
“Chúng tôi sống trong cảnh 4 phía là sông nước nên bị cô lập việc phát triển kinh tế khó khăn lắm. Nhà tôi mỗi lần làm ruộng phải sang bên kia sông, mùa gặt thu hoạch lúa đem về nhà phải di chuyển qua cầu gập ghềnh rất khó khăn. Nhiều lần tôi bị ngã xuống nước rồi”, ông Lương tâm sự.
Bà Mãi Thị Độ (60 tuổi): “Người dân ở đây muốn ra khỏi thôn phải đi qua cây cầu này. Hàng ngày có rất nhiều phương tiện di chuyển nên dẫn đến cầu xộc xệch, nhiều tấm ván bị lệch khỏi vị trí. Những hôm nước cạn dây chằng chồng chéo căng ra, đi rung lắc khiến ai cũng lo sợ mỗi lúc qua cầu. Những ngày mưa, nước dâng làm dây chùng lại, đi qua cầu chòng chành lắm”.
Một người dân trong “ốc đảo” vui tính bảo: “Gọi là cầu phao cho nó sang mồm thế thôi chứ thực chất là gỗ kết lại với nhau bằng các sợi dây thừng, phía dưới được đặt mấy thùng phi nhựa. Mỗi khi đi qua rung lắc rất mạnh, ai cũng sợ”.
“Ai đi quen thì không sao chứ mới đi thì thể nào cũng bị ngã. Tôi chưa bị nhưng người dân ở đây bị ngã nhiều lắm. Khi có hai phương tiện lưu thông ngược chiều thường xuyên xảy ra va chạm, té xuống nước”, anh Hoàng Văn Hoàng (SN 1971) cho hay.
|
Do trận lũ năm 2010 và 2013 cây cầu đã có dấu hiệu bị mục nát, xuống cấp, nhiều tấm ván bị dời khỏi vị trí khiến việc đi lại trên cây cầu luôn tiềm ẩn sự nguy hiểm. |
Ông Hoàng Văn Vũ (SN 1963, trưởng thôn Thuận Hòa) thông tin: “Hiện tại trong thôn Thuận Hòa có gần 200 hộ gia đình. Cuộc sống của bà con trong thôn chủ yếu là làm nông nghiệp nên cuộc sống rất khó khăn.
Cây cầu là cầu nối duy nhất giữa người dân trong thôn với các địa phương khác. Chúng tôi cũng đã nhiều lận kiến nghị lên cấp trên việc xây dựng một cây cầu khang trang hơn để việc đi lại của người dân bớt khó khăn hơn nhưng hiện vẫn mòn mỏi chờ câu trả lời”.
Gian nan đường tìm chữ
Cuộc sống nghèo khó cộng với việc đi lại khó khăn nên hầu hết trẻ em ở “ốc đảo” Thuận Hòa đều chỉ học hết cấp 2 rồi nghỉ. Trò chuyện với chúng tôi, nhiều trẻ em trong “ốc đảo” vẫn thể hiện khát khao được đi học cao hơn để nuôi dưỡng những ước mơ xa hơn. Thế nhưng, cái nghèo, cái khó của cuộc sống trong “ốc đảo” đã vô tình làm mờ đi cái khát khao nhỏ bé đó của các em và cũng từ đó đường tìm chữ của các em lại càng gian nan hơn.
|
Hàng ngày, nhiều học sinh trong "ốc đảo" Thuận Hòa phải đánh cược sự sống cho cây cầu để băng qua sông tìm chữ. |
“Bọn cháu ở đây đi học học như thế đấy chú ạ. Mỗi ngày muốn đến trường đều phải vượt qua chướng ngại đầu tiên là chiếc cầu rung lắc. Sợ lắm nhưng vì hàm học nên vẫn phải đi. Những ngày mưa lớn, nước dâng thì chúng cháu phải nghỉ ở nhà. Muốn đi học nhưng nước lớn không qua cầu được, buồn lắm”, em Mai Thị Mỹ Hòa (học sinh lớp 4) tâm sự.
Em Mai Xuân Đạt (học sinh lớp 11) tâm sự: “Cầu nguy hiểm lắm anh ạ, ngày trước đi học qua cầu chưa quen nên bị ngã suốt. Những ngày mưa lớn muốn qua cầu thì phải vịn vào dây thừng thì mới qua được. Trời có bão, lụt thì chỉ còn cách nghỉ ở nhà. Mong sao có chiếc cầu mới chắc chắn hơn để con đường tìm chữ của chúng em bớt gian nan”.
Nhiều bậc phụ huynh trong “ốc đảo” cũng ăn không ngon, ngủ không yên khi con cái đi học qua cây cầu phao mục nát.
Cách đây không lâu, con tôi đi học qua cầu bị té xuống nước, may mà nó biết bơi chứ không thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Anh Hoàng Văn Hoàng
“Tôi cũng có đứa con đang đi học, những ngày trời mưa để con đi học thì lo lắng lắm, ăn không ngon, ngủ không yên. Cách đây không lâu, con tôi đi học qua cầu bị té xuống nước, may mà nó biết bơi chứ không thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, anh Hoàng Văn Hoàng kể.
Cô Hoàng Thị Thanh Hải - Giáo viên Trường Tiểu học xã Quảng Trường chia sẻ: “Học sinh từ thôn Thuận Hòa đến trường rất khó khăn, mỗi lần tới trường phải đi qua cây cầu phao mà sóng lên nhiều em đi qua bị té ngã, sách vở ướt hết.
Vào mùa mưa học sinh phải nghỉ học chứ nước dâng cao không thể đi học được. Thậm chí các cháu ở trường mầm non không được đi khai giảng do nước lớn không thể sông. Trong toàn xã việc học của những học sinh ở thôn Thuận Hòa thua so với các thôn khác.”
Ông Phạm Xuân Thủy - Phó Chủ tịch xã Quảng Trường cho biết: “Người dân ở thôn Thuận Hòa bao năm ước ao có cây cầu kiên cố để đi nhưng nào có đâu, các cháu mầm non còn nhỏ không đến trường phải làm trường ngay trong thôn cho các cháu. Ngày mưa lớn học sinh không được đi học, chúng tôi chỉ đạo trường cho học sinh nghỉ học không được qua lại vì nguy hiểm khi nào nước rút mới đi học lại”
|
Cây cầu là trở ngại lớn với đường tìm chữ của các học trò nghèo nơi "ốc đảo", cũng chính vì nó mà việc học của trẻ em trong ốc đảo luôn bị lép vế so với các địa phương khác. |
Ông Thủy cho biết thêm, do nguồn kinh phí có hạn nên xã không thể xây dựng cho dân thôn Thuận Hòa một cây cầu mới. Tuy nhiên, hàng năm xã đều trích một khoản kinh phí để dân tu sửa lại cầu.
Mùa mưa lũ xã huy động công an, dân quân tự vệ phối hợp với thôn Thuận Hòa để giúp đỡ đưa cầu phao vào bờ. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri xã cũng đã kiến nghị, phản ánh lên cấp trên mong muốn có cây cầu mới cho người dân. Tuy nhiên, hiện tại vẫn đang chờ kinh phí để sớm xây dựng cho người dân một cây cầu kiên cố hơn.
Người dân thôn Thuận Hòa từ bao đời nay luôn ao ước sớm có một cây cầu vững chắc để phát triển kinh tế, cho con em trong thôn được đến trường bớt nhọc nhằn hơn, không còn cảnh sống trong “nơm nớp lo sợ”.
Mời quý độc giả xem Video: Thăm ngôi trường kỳ lạ chỉ có 9 học sinh giữa ốc đảo: