Sáng 2/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022.
Tham gia tranh luận tại phiên họp, đại biểu Thái Văn Thành (Nghệ An) cho biết, tại phiên thảo luận ngày 01/6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thông tin đang trình Chính phủ để định khung giá sách giáo khoa.
|
Đại biểu Thái Văn Thành (Nghệ An). Ảnh: QH. |
Ông đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng là phải đưa sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá và đảm bảo quyền lợi của học sinh và điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay của người dân.
Theo đại biểu Thành, cần tăng cường công tác truyền thông rộng rãi trong nhân dân để phụ huynh, học sinh hiểu về hai loại sách giáo khoa.
Thứ nhất là sách giáo khoa, đó là sách bắt buộc học sinh có đi học. Thứ hai là sách bổ trợ, sách tham khảo, loại sách này tuỳ thuộc vào điều kiện, nhu cầu của học sinh, phụ huynh nên không bắt buộc phải mua.
Lấy ví dụ thực tiễn tại địa phương, đại biểu Thái Văn Thành cho biết, ngành giáo dục tại địa phương đã tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng mô hình thư viện sách giáo khoa trên phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm, tỉnh sẽ dành một phần kinh phí để trang bị sách giáo khoa cho nhà trường.
Cùng với đó kêu gọi, huy động doanh nghiệp, các nhà xuất bản sách giáo khoa cho nhà trường, kêu gọi học sinh khóa trước học xong tặng lại sách để xây dựng thư viện sách giáo khoa. Việc làm này giúp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có sách để học và sách dùng nhiều lần sẽ tránh được lãng phí.
Từ đó, đại biểu Thái Văn Thành đề nghị Bộ GD&ĐT nhân rộng mô hình này trong các địa phương trên cả nước để hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có sách để học.
|
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định). Ảnh: QH. |
Tranh luận với đại biểu Thái Văn Thành (Nghệ An), đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) với tên sách sách tham khảo thì mọi người có thể hiểu rằng không phải mua. Nhưng thực tế, khi đã bán thì các phụ huynh cũng vẫn mua sách tham khảo để mong con mình được "bằng bạn bằng bè".
“Sách tham khảo là nguồn lợi rất lớn cho nhà xuất bản. Hiện nhiều nước trên thế giới, sách tham khảo chỉ dành cho các thầy cô giáo nhằm làm phong phú cho bài giảng của mình. Còn học sinh thì không cần sách tham khảo. Nên cấm bán sách tham khảo trong nhà trường”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hiếu, việc đổi mới sách giáo khoa rất đúng đắn, tuy nhiên, cách làm chưa đúng. Tạo sự cạnh tranh lành mạnh để có các sản phẩm tốt, rẻ hơn, đứng vững theo thời gian, chọn cách làm tường minh, khoa học thì sách giáo khoa thì sẽ trở lại đúng vị trí trang trọng của mình.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương. Ảnh: QH. |
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, hiện nay số lượng đầu sách giáo khoa cho học sinh, kể cả học sinh tiểu học quá nhiều. Trong đó, nhiều cuốn sách chỉ mang tính tham khảo nhưng phụ huynh không được hướng dẫn nên không biết có thể mua cuốn nào, không mua cuốn nào.
Để đảm bảo mọi học sinh đều được tiếp cận SGK, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga kiến nghị Chính phủ cần quan tâm, đầu tư thư viện sách giáo khoa dùng chung cho các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Theo đó, học sinh có thể mượn sách miễn phí và trả lại sau khi kết thúc năm học.
Đại biểu đề nghị Bộ GD&ĐT rà soát và tinh giản sách giáo khoa theo hướng thống kê danh mục sách giáo khoa bắt buộc đối với từng lớp học, cấp học. Ngoài số sách giáo khoa bắt buộc phải có, còn lại học sinh có thể chọn lựa mua hoặc không mua tùy theo nhu cầu.
Bộ GD&ĐT, sớm có biện pháp hữu hiệu quản lý giá sách giáo khoa, tránh việc tăng giá tùy tiện, tạo dư luận không tốt trong nhân dân và tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân.