Những ngày vừa qua, Hà Nội đã có những trận mưa rất to gây ngập úng. Nhiều người cho rằng, nguyên nhân của việc Hà Nội ngập nặng là do quy hoạch, trong đó có việc “bê tông hóa”, nhiều nhà cao tầng, thiếu hồ nước…
|
TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội. |
Nguyên nhân Hà Nội ngập lớn nhất là do biến đổi khí hậu
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống về vấn đề này, TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, có nhiều nguyên nhân liên quan đến thoát nước bề mặt, dẫn đến việc Hà Nội bị ngập úng. Trong đó, có thể kể đến một số nguyên nhân nổi bật như tốc độ “bê tông hóa”, mật độ nhà cao tầng, thiếu hồ nước, thiếu không gian xanh…
Đối với xây nhà cao tầng, trong quy chuẩn nêu rất rõ những công trình cao từ 9 tầng trở lên thì mật độ xây dựng không quá 40%. Tuy nhiên, giám sát thực hiện thế nào lại là vấn đề khác.
Việc xây dựng nhiều khu đô thị đã dẫn tới dân số tăng quá mức dự kiến của quy hoạch.
Trong khi đó, không gian xanh và diện tích các hồ nước lại càng ngày bị thu hẹp lại. Việc Hà Nội cho lấp bớt một số hồ, kênh, mương cũng đã ảnh hưởng tới việc thoát nước.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính của việc Hà Nội ngập lụt trong những ngày qua lại là do biến đổi khí hậu, chứ không phải nhóm nguyên nhân trên.
Hà Nội đã có quy hoạch thoát nước với 2 giai đoạn, trong đó đặt ra vấn đề lượng mưa với lưu lượng khoảng 150mm/ngày, sau đó điều chỉnh lên tới 300mm/ngày. Hà Nội đã triển khai cơ bản quy hoạch.
“Tuy nhiên trận mưa vừa qua chỉ trong 2 giờ đồng hồ mà lưu lượng đã tới 138mm, như vậy nó rất bất thường của biến đổi khí hậu”, ông Nghiêm nói.
Đã đến lúc phải sửa quy hoạch thoát nước Hà Nội
Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, trước đây Hà Nội cũng đã có nhiều lần bị úng, ngập và đã vượt quá mức giới hạn của quy hoạch thoát nước, gần đây nhất là trận ngập năm 2019.
“Từ đó đặt ra vấn đề, phải chăng, với tốc độ đô thị hóa cao như thế này, lại đang tiếp tục phát triển đô thị trung tâm, dân số gia tăng, lại là trung tâm đầu não về kinh tế, văn hóa thì phải chăng đã đến lúc Hà Nội cần tiếp tục điều chỉnh thoát nước giai đoạn 3 để có thể chịu đựng được tác động của biến đổi khí hậu mà dự báo tương lai còn nặng nề hơn nữa?”, ông Nghiêm nêu vấn đề.
|
Hà Nội ngập nặng sau trận mưa lớn. Ảnh: Nhân Dân. |
Cùng với đó, phải tăng thêm diện tích nước mặt. Bình thường để thoát được nước mặt, theo quy chuẩn của Việt Nam cũng như bài học của các nước là phải có 3% diện tích là hồ nước. Trong khi đó, đện nay mình chỉ có hơn 1%.
Cho nên phải gia tăng diện tích hồ nước, ví dụ như làm công viên phải chú trọng điều này và làm tốt công tác quản lý để thực hiện.
Khi ngập úng xảy ra, để giải quyết vấn đề đời sống ngay lập tức thì nên có giải pháp cục bộ, đó là tăng công suất hệ thống bơm nước cục bộ tại các điểm úng ngập cục bộ. Ở nước ngoài cũng thường làm các giải pháp cục bộ, như ở Ý khi nước biển dâng lên họ còn dùng cả hệ thống che chắn hiện đại để không ảnh hưởng đến dân cư.
Phải khơi thông, quản lý chặt hệ thống kênh, mương, đặc biệt là dòng chảy của những dòng sông chính (sông Nhuệ, sông Đuống, sông Hồng…).
Về việc có thể học tập nước ngoài, dùng cánh đồng, sân vận động, trường học làm nơi chứa nước mỗi khi ngập úng, hoặc xây dựng hệ thống chứa nước ngầm lớn hay không, theo ông Đào Ngọc Nghiêm là không thể.
“Trước đây Hà Nội đã từng đề xuất làm thêm hầm ngầm để chứa nước nhưng bị phản đối. Điều kiện địa chất thủy văn mỗi nước, mỗi nơi một khác, không thể bê nguyên xi của nước ngoài về áp dụng ở Việt Nam được. Thêm nữa, nếu trữ nước ở sân vận động hay cánh đồng thì rồi sẽ thoát đi đâu? Nước sẽ ngấm vào đất và ảnh hưởng đến điều kiện địa chất”, ông Nghiêm phân tích.
Ông Nghiêm cho biết, trước đây Hà Nội cũng đã đề xuất làm hầm ngầm qua phố Trần Hưng Đạo giống như hầm Thủ Thiêm của TP HCM, chứ không phải làm cầu như hiện nay. Nhưng rồi có ý kiến cho rằng làm vậy sẽ tác động tới địa chất xung quanh, sẽ sụt lún, ngoài ra rất tốn kém cho nên đã dừng lại.
Mới đây, trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội liên quan đến giải pháp chống ngập cho Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho hay, trước diễn biến thời tiết bất thường gây ra mưa lớn như những ngày qua, không chỉ ở Việt Nam mà tại các nước có hạ tầng phát triển như Mỹ, châu Âu, khó có hạ tầng nào chịu đựng được.
Giải pháp Bộ trưởng đưa ra chống ngập cho Hà Nội là ở khu vực không tự thoát được nước thì phải sử dụng máy móc thiết bị. Trong trường hợp thời tiết cực đoan thì phải tính toán hệ thống để trữ nước. Như Nhật Bản có khu vực người ta bố trí những đường ngầm ở dưới, gọi là hầm chứa lớn ở dưới vừa giữ lượng nước để khi hạn hán thì tưới cây, nhưng cũng là nơi chứa nước. Hoặc bố trí trường học, sân vận động, cánh đồng lúa thành nơi chứa nước. Thậm chí là cả một hệ thống dưới đường giao thông, là thùng rất lớn để chứa nước.