Việc đưa ra xét xử hàng loạt các quan chức này cho thấy quyết tâm chống tham nhũng quyết liệt của Đảng và Nhà nước ta.
Năm kỷ lục xét xử đại án
Thật vậy, hiếm có năm nào mà nhiều đại án kinh tế, tham nhũng lại được đưa ra xét xử tới vậy trong năm Đinh Dậu 2017. Ngay khi vừa mới hết kỷ nghỉ Tết nguyên đán, tháng 2/2017, đại án tham nhũng xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn Dương (Vinashinlines) được đưa ra xét xử sơ thẩm và phúc thẩm.
Phiên tòa này sau đó được đưa ra phúc thẩm tháng 8/2017 với bản án tử hình cho Trần Văn Liêm, Giang Kim Đạt, Trần Văn Khương (cựu kế toán trưởng) mức án chung thân về tội Tham ô tài sản…
|
Hà Văn Thắm. |
Cũng trong tháng 8/2017, TAND TP Hà Nội khai mạc phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm trong đại án kinh tế xảy ra tại ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).
Hành vi chi lãi ngoài hơn 1.576 tỷ đồng của các bị cáo phạm các tội: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Tham ô tài sản. Ngoài ra, việc để Oceanbank thất thoát 500 tỷ đồng liên quan đến khoản vay của Công ty Trung Dung – công ty con của Phạm Công Danh – cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam đã Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Sau 1 tháng xét xử và nghị án, đại án OceanBank khép lại, Hà Văn Thắm bị tuyên 4 tội danh: Tham ô tài sản Chung thân; Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng 19 năm; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản 20 năm; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng 18 năm. Tổng hợp hình phạt: chung thân. Tương tự, Nguyễn Xuân Sơn bị Tòa tuyên 4 tội danh nhưng lãnh án tử hình.
Ngày 2/10, cựu đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga (nguyên Chủ tịch HĐQT công ty Housing Group) cùng đồng phạm bị đưa ra xét xử tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan tới dự án B5 Cầu Diễn.
HĐXX tuyên phạt Châu Thị Thu Nga mức án tù chung thân; các bị cáo khác từ 36 tháng tù treo đến 6 năm tù giam. Sau bản án sơ thẩm, có 220 đơn kháng cáo, con số kỷ lục tại TAND TP Hà Nội.
Tưởng như vụ án Châu Thị Thu Nga sẽ khép lại năm Đinh Dậu, thế nhưng vào những tháng cuối giáp Tết Bính Thân, liên tiếp hàng loạt đại án tham nhũng được khai mào. Cùng một ngày 8/1, hai đại án được mở ra tại 2 thành phố lớn Hà Nội, TPHCM gồm: xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ án “Cố ý làm trái” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) và Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC); xét xử Trầm Bê, Phạm Công Danh và đồng phạm trong vụ án liên quan tới các ngân hàng VNCB, BIDV, Sacombank…
Ngày 24/1, phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng và đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Bất động sản Dầu khí (PVP Land) tiếp tục khai mạc và khép lại trong sáng 5/2 với bản án chung thân thứ 2 dành cho ông Thanh.
Chưa hết, dự kiến, trong ngày 8/2 (tức 23 tháng chạp), phiên tòa xét xử siêu lừa Huyền Như sẽ diễn ra tại TPHCM tới tận ngày 27 Tết âm lịch.
|
Mặc dù chỉ diễn ra trong nửa tháng, thế nhưng đại án Đinh La Thăng lại là phiên tòa thu hút nhiều sự quan tâm nhất. Nguồn ảnh: zing |
Nóng hầm hập phiên xử ông Đinh La Thăng
Tuy nhiên, trong số các phiên tòa được kể trên, phiên xét xử ông Đinh La Thăng lại được quan tâm nhiều nhất. Trong suốt gần 20 ngày diễn ra, không lúc nào phiên tòa vắng bóng lực lượng báo chí đông đảo.
Đây được coi là một trong những phiên tòa có nhiều kỷ lục nhất năm. Điển hình là tốc độ điều tra, xét xử “nhanh như tên lửa”. Cụ thể, ngày 8/12/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam ông Đinh La Thăng.
Được xác định là vụ án phức tạp, thế nhưng, đúng 1 tháng sau ngày bắt tạm giam ông Thăng, phiên tòa xét xử đã được diễn ra vào 8h20 phút sáng ngày 8/1/2018. Và chỉ 14 ngày sau khi khai mạc phiên tòa, sáng 22/1/2018, vụ án đã khép lại với mức án 13 năm tù cho ông Đinh La Thăng, chung thân cho Trịnh Xuân Thanh và những bản án thích đáng dành cho 20 đồng phạm tại PVN và PVC.
Phiên tòa ông Thăng cũng để lại “dấu ấn” mà người ta không biết là nên buồn hay nên vui khi nghe những lời kể lể của những bị cáo từng nắm vị trí quan trọng tại các tập đoàn kinh tế hàng đầu đất nước.
"... Mong HĐXX thay đổi biện pháp ngăn chặn, để bị cáo được tại ngoại thăm bố và ăn cái Tết cuối cùng với gia đình, bạn bè và người thân sau đó bị cáo sẽ chấp hành án phạt tù", lời sau cùng của ông Đinh La Thăng gây "sốt".
Trong khi đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh "hồn nhiên như cô tiên" xin được tại ngoại để thăm vợ và 3 con đang ở Đức dù biết rõ bản thân mang trọng tội.
“Vợ và 3 con bị cáo đang ở Đức, vợ nuôi con bên đó không biết thế nào, có thể rất vất vả nên mong HĐXX sau khi kết thúc vụ án cho bị cáo được tại ngoại để thăm và gần vợ con, gia đình”, lời sau cùng của bị cáo Thanh.