Ngày đầu tháng 8, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố 25 bị can, bắt tạm giam 16 người tại 4 ngân hàng TP Bank; Sacombank; BIDV và Ngân hàng Xây dựng (VNCB). Trong số người bị bắt tạm giam có ông Trầm Bê (nguyên Chủ tịch Sacombank).
Bước đầu, cơ quan chức năng xác định ông Trầm Bê và các đồng phạm gây thiệt hại khoảng 6.600 tỷ đồng. Một phần tài sản trên được nêu trong kết luận điều tra giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh.
|
Ảnh minh họa "bóng hồng Trang phố núi" trong đại án nghìn tỷ. Ảnh: Hiền Đức. |
Liên quan đại án Phạm Công Danh, cuối tháng 7, Bộ Công an cũng đã khởi tố bị can đối với Phạm Thị Trang (tức Trang 'phố núi', 43 tuổi, ngụ TP.HCM). Người này là mắt xích quan trọng giúp Phạm Công Danh rút hàng nghìn tỷ đồng trái phép ra khỏi VNCB.
Tuy nhiên, thời điểm cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố bị can Phạm Công Danh, vào tháng 7/2014, Trang đã xuất cảnh ra nước ngoài.
Trong quá trình xét xử đại án VNCB, Phạm Công Danh khai ông ta gặp và quen Trang ở Hà Nội trước khi vào VNCB. Danh còn khai Trang làm việc cho ngân hàng với nhiệm vụ huy động vốn. Khi có hợp đồng gửi tiền lớn vào VNCB, ông ta sẽ trích phần trăm cho Trang.
Trang là em gái của Phạm Việt Thép, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ và thương mại JSC An Phát thuộc Tập đoàn Thiên Thanh. Theo cơ quan điều tra, Thép là một trong những giám đốc được Phạm Công Danh dựng lên nhằm rút tiền của VCNB.
Hơn 10 năm trước, trong các phiên tòa xét xử đại án Bùi Tiến Dũng - Tổng giám đốc PMU18, cái tên Trang “phố núi” nhiều lần được nhắc đến. Lúc đó, Trang là chủ một nhà hàng ở Hà Nội.
|
Bị cáo Phạm Công Danh. Ảnh: Thăng Long. |
Trước thông tin cho rằng “con bạc triệu đô” Bùi Tiến Dũng thường đến nhà hàng của Trang tổ chức ăn chơi và tặng những món quà có giá trị lớn cho chủ nhà hàng như xe ôtô đắt tiền, Phạm Thị Trang đã lên tiếng phủ nhận.
Sau đại án Bùi Tiến Dũng, Trang là cái tên được dư luận quan tâm. Sau khi “con bạc triệu đô” lĩnh án tù, Trang thoát khỏi vòng lao lý. Thời điểm đó, dư luận đặt nghi vấn về mối quan hệ thân thiết giữa Trang và Bùi Tiến Dũng.
Tuy nhiên, Trang lý giải nguyên Tổng giám đốc PMU18 chỉ là một trong những khách hàng thường lui tới nhà hàng của cô ta. Cô và ông Dũng không có mối quan hệ riêng tư.
Năm 2016, trong phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm xảy ra tại VNCB, cơ quan tố tụng có gửi giấy triệu tập nhưng Phạm Thị Trang vắng mặt.
Trong lời đề nghị của mình, luật sư Phan Trung Hoài (luật sư của Phạm Công Danh) đề nghị, theo Luật tương trợ tư pháp 2007, cam kết không bắt giữ người làm chứng là bà Trang (được cho là đang ở Mỹ) về nước. Luật sư Hoài bày tỏ nguyện vọng mong HĐXX có thể mời bà Trang tới dự phiên tòa vì người này có vai trò quan trọng trong vụ án.
Việc có thể đối chất với "Trang phố núi" được luật sư của Phạm Công Danh cho rằng sẽ làm sáng tỏ bản chất vấn đề.
Trả lời vấn đề này, chủ tọa phiên tòa cho biết Phạm Thị Trang có đơn gửi cơ quan chức năng xin vắng mặt.
Theo tài liệu, Trang là người giúp Phạm Công Danh tìm những khách hàng lớn cho VNCB, trong đó có Trần Ngọc Bích (Giám đốc Tân Hiệp Phát). Theo lời khai của bà Bích, để tạo uy tín khi giúp sức cho Danh, Trang tự giới thiệu là Phó tổng giám đốc Ngân hàng VNCB.
Tài liệu tố tụng cũng thể hiện, Trang là người đã đứng ra giới thiệu cho Phạm Công Danh sử dụng Công ty An Phát của anh trai cô ta, để ký hợp đồng khống trong việc cung cấp dịch vụ nâng cấp hệ thống Corebanking. Giữa năm 2013, Danh và Trang chỉ đạo Mai Hữu Khương, nguyên thành viên HĐQT VNCB soạn hợp đồng nâng cấp hệ thống Corebanking. Qua đó, các bị can đã “rút ruột” hơn 63,7 tỷ đồng của VNCB.
Trong đại án Phạm Công Danh, Trang bị tình nghi có hành vi giúp sức cho Danh và đồng phạm rút gần 5.500 tỷ đồng nhưng không có chứng từ, không có chữ ký của chủ tài khoản, gây thiệt hại lớn cho ngân hàng VNCB.
Cũng tại phiên tòa hơn một năm trước, luật sư đã cung cấp thông tin việc Trang từng gửi “thư tình” cho Phạm Công Danh. Tại tòa, Danh khai giữa họ chỉ có một mối quan hệ, đó là việc Trang huy động vốn giúp ngân hàng.