Theo dự thảo nghị quyết của Quốc hội về phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, sẽ đẩy mạnh phân cấp, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền Đà Nẵng.
TP sẽ thí điểm theo hướng xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền địa phương (cấp TP) gồm HĐND và UBND. Cấp quận và phường không tổ chức HĐND mà chỉ có cơ quan hành chính là UBND quận và phường. UBND quận, phường chỉ gồm chủ tịch, các phó chủ tịch UBND và công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, phường.
Sẽ tiết kiệm một khoản tiền thuế
Thưa ông, khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền TP là một cấp thì Đà Nẵng sẽ có những thuận lợi và khó khăn như thế nào? Vai trò của HĐND sẽ phải nâng lên cả về chất và lượng thế nào để thực hiện vai trò giám sát?
Ông Bùi Văn Tiếng: Nếu được QH ban hành nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm lần thứ hai mô hình chính quyền đô thị, Đà Nẵng sẽ giảm được một số công chức do không còn tổ chức HĐND ở các quận và phường, từ đó tiết kiệm được một khoản tiền thuế mà người dân đóng góp vào ngân sách TP. Nhưng đó cũng chưa phải là điều chủ yếu mà Đà Nẵng được hưởng lợi từ việc thí điểm này.
Điều thuận lợi chủ yếu là mô hình chính quyền đô thị sắp thí điểm cho phép chính quyền Đà Nẵng quản lý TP một cách “đô thị” hơn, phù hợp với đặc điểm phân cấp quản lý của một đô thị.
|
Ông Bùi Văn Tiếng. |
Một thuận lợi cũng rất đáng kể nữa là khi Đà Nẵng được phép thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, trong đó có động thái chủ tịch UBND cấp trên được trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch UBND cấp dưới - do không tổ chức HĐND cùng cấp để bầu, sẽ tạo điều kiện để Chủ tịch UBND Hoàng Sa được bổ nhiệm hợp pháp, chính danh.
Đương nhiên Đà Nẵng cũng có một số khó khăn khi thực hiện thí điểm lần thứ hai mô hình chính quyền đô thị, như phải sắp xếp theo vị trí việc làm mới đối với số cán bộ, công chức công tác chuyên trách tại các cơ quan HĐND quận và phường hiện nay - một việc không phải lúc nào cũng có thể làm vừa lòng tất cả; hoặc cần phải tăng cường hơn so với trước năng lực kiểm soát quyền lực.
Quyền lực không được kiểm soát hiệu quả thì mô hình nào và ở cấp chính quyền nào cũng đều có thể dẫn đến tình trạng độc quyền, lạm quyền, lộng quyền, mất dân chủ. Khi thí điểm không tổ chức HĐND ở các quận và phường nghĩa là không còn cơ quan giám sát quyền lực cùng cấp tại chỗ, yêu cầu kiểm soát quyền lực đối với cơ quan hành chính - vẫn mang tên UBND - càng cần thiết hơn và do vậy phải được tăng cường.
Muốn thế, HĐND TP phải được tạo điều kiện (về chất lượng đại biểu, số lượng đại biểu chuyên trách…) để “điền vào chỗ trống” đó, để nâng cao hiệu quả thu thập dân nguyện, giám sát thực địa, đôn đốc việc trả lời ý kiến cử tri…
UBND Đà Nẵng và các cơ quan chuyên môn cấp TP phải nâng cao chất lượng quản lý trực tiếp địa bàn, thường xuyên kiểm tra hoạt động của cơ quan hành chính, UBND các quận, kịp thời xử lý những vi phạm, bởi Chủ tịch UBND TP không chỉ được quyền bổ nhiệm, khen thưởng mà còn được quyền cách chức/ kỷ luật chủ tịch và phó chủ tịch UBND quận.
UBND các quận cũng phải nâng cao chất lượng quản lý trực tiếp tương tự đối với các phường…
Lo lắng người dân không đủ thông tin
Từ kinh nghiệm sống và làm việc nhiều năm ở Đà Nẵng, cá nhân ông đánh giá, muốn có một chính quyền đô thị có hiệu quả, phát triển bền vững, Đà Nẵng nên thực hiện “một chính quyền hết sức đặc thù” đến mức nào?
Theo tôi, Đà Nẵng cần có một mô hình chính quyền đô thị rất “đô thị”, phù hợp với đặc điểm phân cấp quản lý “hết sức đặc thù” của một đô thị - thường đòi hỏi phải tập trung và thống nhất trên cả địa bàn, cấp trên chỉ nên phân cấp những gì cần phần cấp, tránh tình trạng phân cấp tràn lan, nhất là tránh xu hướng phân cấp cái khó, cái phức tạp cho cấp dưới.
Thậm chí tổ chức lễ tang cho những người có công với nước, với cộng đồng là việc làm tình nghĩa nhưng cũng đòi hỏi cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì phải đầu tư nhiều thời gian và công sức để lo liệu cho chu toàn, và chính công việc này đang là nội dung được cấp trên phân cấp triệt để nhất cho cấp dưới!
Một trong những đề xuất gây tranh cãi là khi thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng thì người dân được trực tiếp bầu Chủ tịch TP. Theo ông, người dân có đủ thông tin để thực hiện quyền này hiệu quả?
Lo lắng rằng người dân không đủ thông tin chẳng hạn bầu hay không bầu những ứng viên mà cử tri không biết gì hơn ngoài mấy dòng tiểu sử ngắn gọn và qua một buổi tiếp xúc ngắn ngủi - để thực hiện hiệu quả quyền được bầu trực tiếp Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, là lo lắng có cơ sở thực tế, đầy trách nhiệm và không đồng nghĩa với việc phản đối bản thân chủ trương bầu trực tiếp chức danh này.
|
Một góc Đà Nẵng. |
Nhưng lo lắng như vậy là chung cho tất cả các cuộc phổ thông đầu phiếu, từ bầu cử ĐBQH đến bầu cử đại biểu HĐND các cấp, chứ không riêng gì việc bầu trực tiếp Chủ tịch UBND TP.
Rõ ràng bất cập về thông tin ứng viên không phải là “đặc sản” của việc cử tri bầu trực tiếp Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng như đề xuất lần này, bởi bản thân ứng viên chức danh Chủ tịch UBND TP nếu không được bầu trực tiếp thì cũng chỉ có thể qua phổ thông đầu phiếu để trở thành đại biểu HĐND trước khi được HĐND bầu giữ chức Chủ tịch UBND TP.
Nói như vậy để thấy nếu có sự bất cập nào đó về thông tin ứng viên, làm cho việc bầu cử có khả năng “hình thức”, không thực chất, cần sớm khắc phục, thì không chờ đến trường hợp cử tri được quyền bầu trực tiếp Chủ tịch UBND TP.
Thí điểm hiệu quả rồi mới nhân rộng
Nên đầu tư thí điểm đặc thù - hiệu quả rồi mới nhân rộng hay sẽ xây dựng một luật Chính quyền đô thị, hay luật Thành phố trực thuộc TƯ?
Theo tôi thì đầu tư thí điểm đặc thù mô hình chính quyền đô thị ở Đà Nẵng cho hiệu quả rồi mới nhân rộng, hay đầu tư xây dựng ngay một luật Chính quyền đô thị hoặc luật Thành phố trực thuộc TƯ, cả hai cách đều có chung một điểm xuất phát là làm thế nào để quản lý đô thị khác với quản lý nông thôn.
Còn theo cách nào là đó sự lựa chọn của Chính phủ và Quốc hội.
Riêng cá nhân tôi thiên về cách thứ nhất, như hiện nay. Cách thứ hai có vẻ chính quy hơn nhưng không thực tế, chẳng hạn phải theo dõi đánh giá kết quả thí điểm trên diện rộng hơn...
Trở lại việc khi thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng thì chính quyền các cấp và người dân sẽ phải có những thay đổi thế nào để thích ứng với tình hình mới?
Tôi nghĩ đã trải qua thực tế thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị lần thứ nhất từ năm 2009 đến 2016, chính quyền các cấp và người dân Đà Nẵng không quá khó để thích nghi với mô hình chính quyền đô thị lần này.
Đó là chưa kể địa bàn Đà Nẵng trên đất liền tương đối nhỏ gọn rất thuận lợi trong việc quản lý của chính quyền TP đối với các quận và phường.