Thông tin ban đầu vụ cướp tiệm vàng Kim Hùng, vào khoảng 20h30 tối 3/12 tại tiệm vàng Kim Hùng do ông Đỗ Văn Hùng (ở thôn Ngọc Thạnh 2, xã Phước An, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình) làm chủ.
Thời điểm xảy ra vụ việc, vợ chồng ông Hùng phát hiện đối tượng là Võ Văn Thành (trú thôn An Hòa, xã Phước An) đang dùng búa đập bể tủ đựng bạc. Sau đó, đối tượng Thành xông vào tấn công vợ chồng ông Hùng rồi bỏ chạy.
Đáng chú ý, sau khi xảy ra vụ việc, đối tượng Võ Văn Thành đã bị cơ quan chức năng tạm giữ. Tuy nhiên, trước đó, đối tượng này được xác định rối loạn tâm thần do sử dụng chất gây ảo giác (ma túy tổng hợp dạng đá và cỏ Mỹ).
Cụ thể, Thành bị rối loạn hành vi tư duy, cảm xúc và rối loạn giấc ngủ, có biểu hiện tăng động và nói những lời vô thức.
Dư luận đặt ra câu hỏi, trường hợp đối tượng Thành bị rối loạn tâm thần như trên thì có xử lý được trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hay không?
|
Hiện trường vụ việc. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho biết, đối với hành vi dùng búa đập cửa kính tiệm vàng, tấn công vợ chồng chủ tiệm vàng để cướp vàng của đối tượng Võ Văn Thành rõ ràng đây là hành vi cướp tài sản.
“Đây là hành vi dùng vũ lực tấn công người khác nhằm chiếm đoạt tài sản của họ. Theo quy định tại Điều 168 BLHS hiện hành vi cướp tài sản nêu trên sẽ bị phạt tug từ 3 đến 10 năm.
Ngoài ra, cần xác định tỉ lệ thương tích của các nạn nhân có % thương tích không? Tỉ lệ thương tích là bao nhiêu %? Nếu từ 11% đến 30 % thì là phạm tội thuộc trường hợp điểm c khoản 2 Điều 168 BLHS với khung hình phạt từ 7 đến 15 năm tù giam”, Luật sư Tùng cho biết.
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, cướp tài sản là tội phạm có cấu thành hình thức, do đó chỉ cần hành vi khách quan thỏa mãn các yếu tố thì cấu thành tội phạm. Việc tài sản có bị chiếm đoạt hay không không phải yếu tố quyết định để định tội danh, mà sẽ là yếu tố để xác định khung hình phạt theo quy định của pháp luật.
Nói về trường hợp đối tượng này bị rối loạn tâm thần thì có phải chịu trách nhiệm hình sự không?, Luật sư Hoàng Tùng cho hay, theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành, các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự bao gồm từ Điều 20 đến điều 26.
Trong đó điều 21 quy định miễn trách nhiệm hình sự trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Tùng cho rằng, đối tượng Võ Văn Thành tuy có tiền sử điều trị bệnh tâm thần, đã được chuẩn đoán là rối loạn tâm thần và hành vi trước đó.
Tuy nhiên, khi thực hiện hành vi cướp tài sản thì Thành đã xuất viện, hành vi tư duy tạm ổn. Việc xác định thành có phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp này thì bắt buộc cơ quan điều tra phải tiến hành trưng cầu giám định sức khỏe Thành.
“Nếu kết quả giám định Thành thực hiện hành vi phạm tội trong tình trạng đang mắc bệnh tâm thần dẫn đến làm mất khả năng nhận thức và điều kiển hành vi thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp, Thành không rối loạn tâm thần mà hành vi phạm tội phát sinh do sử dụng chất kích thích mạnh (ma túy đá) thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 13 Bộ luật hình sự hiện hành”, luật sư Hoàng Tùng cho hay.
Mời độc giả xem video Bắt nghi phạm cướp tiệm vàng ở Bình Định: