Năm 2024, học phí Trường Đại học Sài Gòn đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên được thực hiện chính sách hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt theo Nghị định 116/2020 của Chính phủ (ngành Quản lý giáo dục không thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên). Học phí dự kiến đối với sinh viên các chương trình đào tạo chất lượng cao cụ thể là ngành Kế toán và Quản trị kinh doanh 27,491 triệu đồng/ năm học, ngành Ngôn ngữ Anh 28,674 triệu đồng/ năm học, ngành Công nghệ thông tin 32,67 triệu đồng/ năm học. Học phí các ngành khác theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ.
Trường Đại học Mở TP.HCM có mức học phí chương trình chuẩn từ 22 - 27 triệu đồng/năm học, với học phí chương trình đại trà là 26 triệu đồng/năm học. Ở chương trình đào tạo chất lượng cao có mức học phí từ 45 - 48 triệu đồng/năm học. Học phí tăng không quá 10% mỗi năm theo quy định.
Mức học phí dự kiến năm 2024 của Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho các ngành tiêu chuẩn dao động từ 27-60,7 triệu. Trong đó, ngành Dược học có học phí cao nhất là 60,7 triệu; ngành Việt Nam học là 50,1 triệu. Học phí phân hiệu ở tỉnh Khánh Hoà dao động từ 20,5 đến 24 triệu/năm.
Đại học Bách khoa Hà Nội áp dụng có mức học phí chương trình đại học chuẩn từ 17 - 22 triệu đồng/năm học. Chương trình EliTECH - Tiên tiến tương đương 1,3 - 1,5 lần học phí chương trình đại học chuẩn cùng ngành. Riêng chương trình tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế (FL2) và Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (IT-E10) học phí gấp 2 chương trình chuẩn.
Đối với chương trình dào tạo quốc tế có mức học phí từ 25 - 30 triệu đồng/học kỳ. Học phí của các chương trình đào tạo quốc tế do Đại học Bách khoa Hà Nội cấp bằng nằm trong khoảng 25 - 30 triệu đồng/học kỳ.
|
Nhiều trường đại học công bố mức học phí mới sẽ tăng so với năm học cũ. |
Tháng 7/2024, Trường Đại học Luật TPHCM công bố mức học phí áp dụng đối với các trình độ đào tạo của trường từ năm học 2024 - 2025. Nhằm đảm bảo đủ nguồn lực để đạt được mục tiêu vừa nêu, mức thu học phí đối với sinh viên chính quy trình độ đại học được tăng chỉnh tương ứng mức độ tự chủ tài chính mà trường được phê duyệt trước đó. Học phí các ngành từ 35 - 165 triệu đồng/năm. So sánh với mức học phí các năm trước, từ năm học 2024 - 2025, sinh viên Trường Đại học Luật TPHCM sẽ phải đóng tiền cao hơn 4 - 16,5 triệu đồng/năm tùy chương trình.
Tương tự, Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) sẽ thực hiện điều chỉnh tăng, giảm hoặc giữ nguyên mức học phí của các loại học phần, chương trình để tiến đến năm học 2025 - 2026 thống nhất 1 mức học phí cho các học phần trong 1 nhóm theo phân loại: Học phần tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Việt các môn tích hợp chứng chỉ quốc tế.
Trong năm học 2024 - 2025, học phí các chương trình tiếng Việt lần lượt là: Chương trình tiên tiến quốc tế (đã kiểm định quốc tế), chương trình tích hợp chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế (ACCA và ICAEW) thu 1,065 triệu đồng/tín chỉ; chương trình tiên tiến, cử nhân tài năng, ASEAN Co-op thu 975 nghìn đồng/tín chỉ. Với chương trình tiếng Anh, học phí bằng khoảng 1,2 - 1,4 lần so với chương trình tiếng Việt tương ứng.
Ở khối Khoa học Sức khỏe - những ngành có chi phí đào tạo lớn, các trường công lập cũng công bố mức phí mới cao hơn những năm trước. Tại Trường Đại học Y Dược TPHCM, ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt có học phí 74 - 77 triệu đồng/năm. Các ngành đào tạo cử nhân, kỹ thuật khác dao động 41 - 45 triệu đồng/năm. Tại Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, với khóa 2024 dự kiến khoảng 41,8 - 55,2 triệu đồng một năm (10 tháng).
Với các trường đại học tư thục, Trường Đại học FPT đã có thông báo các mức học phí áp dụng cho sinh viên nhập học mới năm 2024 hệ đại học chính quy tại Hà Nội và TP.HCM, với mức tăng học phí từ 1,8-2 triệu đồng/học kỳ ngay trong khóa học. Cụ thể, chương trình chính khóa gồm 9 học kỳ (bao gồm cả giai đoạn thực tập tại doanh nghiệp), mỗi học kỳ 4 tháng, học phí chuyên ngành được chia làm 3 mức: từ học kỳ 1 đến học kỳ 3: 28,7 triệu đồng/học kỳ; từ học kỳ 4 đến học kỳ 6: 30,5 triệu đồng/học kỳ và từ học kỳ 7 đến học kỳ 9: 32,5 triệu đồng/học kỳ.
Như vậy, sinh viên phải đóng 3 mức học phí khác nhau trong một khóa học, mức sau cao hơn mức trước từ 1,8-2 triệu đồng/học kỳ. Trong khi đó, ở năm học 2023-2024, tại cơ sở đào tạo Hà Nội và TP.HCM, học phí chuyên ngành (từ năm 2 tới năm 4) chỉ có một mức là 28,7 triệu đồng/học kỳ.
Trường Đại học RMIT mức học phí năm học 2024-2025 tăng khoảng 5% so với năm 2023, tính ra mỗi năm sinh viên phải đóng thêm khoảng hơn 15 triệu đồng và toàn khóa tăng gần 48 triệu đồng. Riêng các chương trình kỹ sư tăng tới hơn 63 triệu đồng/khóa.
Cụ thể, năm 2024 học phí chương trình cử nhân của trường (mỗi năm trung bình học 8 môn với 96 tín chỉ) là 334.570.000 đồng/năm và toàn khóa là 1.003.709.000 đồng, riêng ngành mới sản xuất phim kỹ thuật số là 347.436.000 đồng/năm và toàn khóa là 1.042.309.000 đồng. Trong khi đó, 3 chương trình kỹ sư tăng thành 318.633.500 đồng/năm và 1.338.278.000 đồng/khóa.
Theo ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Công Thương TPHCM, trong xu hướng tự chủ hiện nay của các trường đại học, học phí sẽ được điều chỉnh sát với chi phí đào tạo, tức là sẽ tăng. Học phí tăng dẫn đến tâm lý e ngại và khó khăn cho người học.
Do đó, cùng với tăng học phí, các trường phải cam kết dành tỷ lệ nhất định nguồn thu học phí để lập các quỹ học bổng, hỗ trợ sinh viên. Ngoài ra, các trường cũng có thêm nhiều chính sách huy động từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm để hỗ trợ người học diện chính sách.
Bên cạnh chính sách học bổng, các trường đại học và tổ chức còn phối hợp, cho ra đời nhiều chính sách tín dụng cho sinh viên với lãi suất ưu đãi.
Theo đó, nếu việc học ở giảng đường khó khăn vì tài chính do kinh tế gia đình eo hẹp, SV có thể tìm đến các quỹ, gói hỗ trợ từ nhà trường, doanh nghiệp.
>>> Mời quý độc giả xem video PGS.TS Phó Đức Tài, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ về cơ hội, thách thức với sinh viên ngành công nghệ thông tin: