Có tăng học phí, nhưng ở mức rất thấp
Vì sao Trường ĐH Cần Thơ lại chưa quyết định thực hiện tự chủ đại học, thưa GS.TS Nguyễn Thanh Phương?
Khi nghị định 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017 ra đời thì Trường ĐH Cần Thơ cũng muốn đăng ký thí điểm về tự chủ.
|
GS.TS Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng Trường Trường ĐH Cần Thơ. Ảnh: Mai Loan. |
Tuy nhiên, xét thấy điều kiện của Trường lúc đó là một trường đa ngành, đa lĩnh vực và đông sinh viên; đời sống, khả năng chi trả học phí của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long còn thấp cho nên Trường đã quyết định không tự chủ. Bởi khi tự chủ sẽ phải điều chỉnh nhiều nội dung trong hoạt động trong đó phải tăng học phí để bù đắp phần kinh phí cấp từ Nhà nước.
Nếu chưa tự chủ thì phần kinh phí cấp từ Nhà nước sẽ giúp đảm bảo một số khoản chi qua đó giữ mức học phí thấp phù hợp phù hợp với sự chi trả của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Khi không tự chủ thì Trường sẽ gặp khó khăn, thiệt thòi gì, thưa ông?
Theo NĐ 77 thì khi tự chủ các Trường sẽ được giao một số thẩm quyền quyết định một số nhiệm vụ như về chuyên môn (đào tạo và nghiên cứu khoa học), tổ chức bộ máy và nhân sự, tài chính bao gồm học phí, tiền lương cho cán bộ, đầu tư phát triển cơ sở vật chất,…
Như vậy nếu chưa tự chủ thì sẽ có một số nhiệm vụ chưa được giao quyền thực hiện, điều này có hạn chế đối với hoạt động của Trường, nhưng điểm được lớn hơn đó là chưa điều chỉnh tăng học phí cao sẽ hỗ trợ học phí cho người học, phù hợp với điều kiện kinh tế hay khả năng chi trả của phần lớn người dân trong vùng trong bối cảnh lúc đó.
Vậy việc tăng học phí hiện nay của Trường xuất phát từ yếu tố nào, thưa ông?
Từ năm 2020, Trường Đại học Cần Thơ không còn nhận được kinh phí chi thường xuyên từ Nhà nước nên Trường cũng phải thực hiện tăng học phí theo lộ trình, dù mức tăng này không cao.
Theo Nghị định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo quốc dân, Trường Đại học Cần Thơ được xếp và nhóm tự chủ chi thường xuyên nên được phép tăng học phí theo lộ trình mới và mức tăng được cho phép khá cao so với mức học phí trước đó và so với nhóm Trường chưa tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư.
Tuy nhiên, khi xem xét về khả năng chi trả của số đông người dân trong vùng như đồng bằng sông Cửu Long thì Trường của chỉ tăng 5% so với mức cho phép của năm học 2022-2023.
Cụ thể, mức học của Trường dao động từ 13,2-15,2 triệu đồng/năm theo ngành học, riêng ngành hoá dược là 19,5 triệu đồng/năm, chỉ tăng khoảng 3,4-3,6 triệu đồng/năm so với năm học trước đối với chương trình đại trà. Riêng với chương trình chất lượng cao là 30 triệu đồng/năm.
Tăng học phí phải phù hợp với sự chi trả của người dân
Vì sao Trường ĐH Cần Thơ mới chỉ tăng học phí ở mức đó, thưa ông?
Sau khi cân nhắc mọi mặt, nhà trường quyết định chỉ tăng học phí ở mức thấp. Bởi khi tăng học phí cao và nhanh (tăng đột ngột), có thể gây cú sốc cho người học, đặc biệt là người học có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Ngoài ra, cũng có lý do khác là Trường ĐH Cần Thơ đang được Nhà nước đầu tư một dự án từ vốn vay của Chính phủ Nhật Bản để phát triển cơ sở vật chất.
Học phí thu được chỉ để dùng chi trả cho hoạt động đào tạo trực tiếp đối với người học cho nên chỉ tăng ở mức vừa phải hay nói khác hơn là Trường cố gắng tối ưu quá nguồn lực tài chính.
Hiện nay, hàng loạt các trường tăng học phí, nhiều trường tăng rất cao. Điều này cũng gắn với tự chủ đại học. Quan điểm của ông thế nào?
Tôi cho rằng, trong xu hướng tới đây, học phí phải điều chỉnh tăng, vì khi tự chủ thì nguồn lực tài chính là rất quan trọng đối với các trường.
Tăng học phí cũng là một phần trong tiến trình nâng cao chất lượng đào tạo, bởi các cơ sở giáo dục luôn mong muốn người học được đào tạo với chất lượng cao. Ngoài ra, chuẩn đầu ra của người học phải đáp ứng được yêu cầu công việc trong bối cảnh mới, học phí thấp thì khó đạt được điều này.
Tuy nhiên, tăng học phí phải rất cẩn trọng, vừa phải và phù hợp với mức chi trả của người dân. Nếu tăng quá cao có thể tạo cú sốc cho người có điều kiện kinh tế khó khăn có thể làm mất đi cơ hội học tập đối với họ.
Và có một điều mà người học cũng rất quan tâm, đó là chất lượng đào tạo liệu có tăng tương xứng với tăng học phí, thưa ông?
Trường ĐH Cần Thơ đang tính toán rất cẩn trọng điều này. Câu hỏi đặt ra, đó là thu học phí cao thì phải trả lại cho người học cái gì chứ không phải thu học phí chỉ để trả lương cao hay có lợi nhuận trong đào tạo?
Học phí tăng phải đi cùng với tăng chất lượng đào tạo, đảm bảo người học có thể ra trường tìm được việc là và làm việc được tốt.
Bên cạnh, còn phải có cơ chế để hỗ trợ những học sinh khó khăn, phải có quỹ học bổng cho sinh viên nghèo có thể theo học được, vì trong những em có hoàn cảnh khó khăn, có những em học rất giỏi, nếu như các em này không có cơ hội học tiếp chỉ vì học phí thì sẽ rất tiếc và mất nhân tài cho xã hội.
Không nên lấy học phí là nguồn thu chính
Tự chủ đại học được kỳ vọng là sẽ đem lại cuộc cách mạng toàn diện cho giáo dục. Tuy nhiên, cùng với đó là vẫn còn nhiều trăn trở, đặc biệt là vấn đề liên quan tới học phí tăng. Vậy sẽ phải giải quyết điều này thế nào, thưa ông?
Tự chủ đại học là con đường cần phải làm chứ không còn con đường nào khác trong điều kiện hiện tại và cũng phù hợp với bối cảnh của thế giới.
Thực tế, các trường đều kỳ vọng vào tự chủ đại học, và thực hiện càng nhanh càng tốt. Có điều trong quá trình triển khai hiện nay còn vướng nhiều quy định bởi các luật khác nhau, hoặc giữa những thông tư nghị định vẫn còn chồng chéo, gây khó cho các trường trong quá trình tự chủ. Đặc biệt là vấn đề tạo thêm nguồn thu ngoài học phí cho trường.
Ví dụ, hầu hết các trường đều có các cơ sở vật chất có thể thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm, hoạt động khởi nghiệp cho người học hoặc hợp tác trong sản xuất kinh doanh để tạo thêm nguồn thu. Tuy nhiên, cơ sở vật chất của các trường công lập lại là tài sản công mà khi liên doanh liên kết thì bị vướng bởi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Trong khi đó, tôi biết các trường trên thế giới thực hiện việc này rất tốt, đem lại nguồn thu rất lớn cho trường.
Tức là cần có những nguồn thu khác chứ không phải “ngốn” từ học phí, thưa ông?
Đúng vậy, lẽ ra, các nguồn thu ngoài học phí phải là chính, chứ không phải từ học phí. Tuy nhiên, các đại học ở ta lại lấy học phí là nguồn lực chính thống để vận hành nhà trường. Lấy một ví dụ như vậy để cho thấy cái vướng trong tự chủ đại học. Tôi kỳ vọng, trên cơ sở những góp ý, những quy định về tự chủ đại học sẽ được điều chỉnh, làm sao để thông thoáng hơn và việc tự chủ thuận lợi hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!
GS Nguyễn Thanh Phương cho hay, Trường ĐH Cần Thơ có đặc điểm gắn rất chặt với các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long, được các địa phương và doanh nghiệp trong và ngoài vùng đã và đang ủng hộ rất nhiều. Nếu những vướng mắc trong tự chủ được tháo gỡ, nhà trường tin sẽ thu hút được nhiều nguồn lực, từ đó có thể cân đối được mức học phí, phù hợp với sự chi trả của người dân trong vùng. Đó là lợi ích có thể nhìn thấy khi thực hiện tự chủ đại học.