Ngày 19/6/2020, Quốc hội thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội trong đó có quy định “ĐBQH có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”.
Đối với Luật này, có 445/451 đại biểu có mặt tán thành, chiếm tỷ lệ 92,13%. Không có đại biểu nào không tán thành và có 6 đại biểu không biểu quyết.
|
Kết quả biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. (Ảnh: VTV) |
Trước đó, để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH TP.HCM cũng đã lấy ý kiến của các sở, ngành, đơn vị và các chuyên gia góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Các ý kiến đều nhất trí giữ nội dung quy định ĐBQH có 1 quốc tịch là quốc tịch Việt Nam mà không có ý kiến phản bác nào.
|
ĐBQH Phạm Phú Quốc. |
Trong suốt quá trình từ lấy ý kiến, thảo luận và biểu quyết thông qua luật này, ĐBQH Phạm Phú Quốc thuộc Đoàn ĐBQH TP.HCM đã có 2 quốc tịch Việt Nam và Cộng hòa Síp.
Mới đây, hãng tin Al Jazeera (Qatar) đăng một loạt bài viết dẫn từ tài liệu mật thu thập được, gọi là Hồ sơ Cyprus cho biết, chương trình hộ chiếu Cyprus (Cộng hòa Síp) cho phép những ai đầu tư ít nhất 2,15 triệu Euro (khoảng 2,5 triệu USD) sở hữu hộ chiếu nước này.
|
Bản đề xuất xin cấp quốc tịch cho vợ chồng ông Pham Phu Quoc được Bộ Nội vụ Síp gửi Hội đồng Bộ trưởng nước này. (Ảnh: Al Jazeera) |
Những người này sẽ trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa.
|
Thông tin ông Phạm Phú Quốc trên Al Jazeera. |
Hàng chục quan chức cấp cao một số nước và gia đình của họ đã mua “hộ chiếu vàng” này từ cuối 2017 đến cuối 2019, trong đó có ĐBQH TP.HCM Phạm Phú Quốc. Ông Quốc được cho đã có hộ chiếu Síp vào tháng 12/2018 cùng vợ.