20 năm tìm vợ
Lần tìm về thôn Ngô Khê, xã Bình Nghĩa (Bình Lục, Hà Nam) hỏi thăm nhà ông Học chẳng mấy ai biết, nhưng khi nhắc đến người đàn ông có vợ trẻ hơn 43 tuổi thì ai cũng rõ.
Đi qua cái giếng hoang rồi rẽ phải, đi đến cây nhãn to nằm giữa đường lại rẽ trái, cứ thế đi thẳng bao giờ nhìn thấy cái cổng sắt được che phủ bằng bạt thì đó là nhà ông Học.
Vừa đến cổng, tiếng chó sủa liên hồi, nghe thấy vậy người đàn ông dáng đi còng còng từ trong nhà bước ra. Căn nhà cấp 4 lụp xụp, quần áo đồ đạc nằm la liệt khắp mọi nơi. “Người ta bàn tán dức óc lắm, đến giờ vẫn còn nhiều người xì xèo”, ông Học mở đầu câu chuyện.
|
Bỏ ngoài tai dị nghị của hàng xóm láng giềng, ông Học và người vợ kém 43 tuổi đã nên duyên vợ chồng. |
Ông Ngô Thanh Học, 80 tuổi, người gốc thôn Ngô Khê. Năm ông vừa tròn 20 tuổi, đất nước rơi vào hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc, như bao thanh niên khác cùng trang lứa, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc ông lên đường nhập ngũ. Thời bấy giờ, ông đã nhiều lần trực tiếp cầm súng chiến đấu ở chiến trường khốc liệt Quảng Bình và Quảng Trị.
Vài năm sau trong một lần đi hành quân ông bị lạc ở trong rừng. Đồng đội tưởng ông đã hy sinh nên đã viết giấy báo tử gửi về cho gia đình. Ở quê nhà, mẹ ông đau xót khi nhận được hung tin, bà cụ lâm bệnh và qua đời.
Năm 1990, ông Học bất ngờ “đội mồ sống dậy” trở về quê hương trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê, anh em họ hàng đều ngỡ ngàng, không tin nổi đó là người thân của mình nhưng rồi qua thời gian, mỗi lúc ông Học nhớ thêm được nhiều chuyện cũ và kể lại với mọi người, ai cũng vui mừng vì ông còn sống.
Mấy chục năm tha hương, ông Học tay trắng trở về quê nhà. Ông đành ở tạm trong căn nhà lá lụp xụp, dột nát do cha mẹ để lại, kiếm sống bằng nghề nhặt ve chai.
Thời điểm ấy, ông cũng đã ngoài 50 tuổi, ông rất mong muốn có vợ, sinh con để nối dõi tông đường. Gia cảnh nghèo khó, tuổi cao, hỏi vợ khắp đây khắp đó, không ai dám lấy.
Cuộc đời ông cứ lủi thủi như vậy cho tới một ngày tháng 6/2010, khi đã 73 tuổi, thì duyên đến bất ngờ. Chị Bích, 29 tuổi, nhưng chưa chồng, cùng thôn, lúc ông Học nhập ngũ, chị vẫn chưa chào đời. Mẹ già bệnh tật, chị phải đi làm thuê ở xa. Trong một lần về quê chăm sóc mẹ ốm, chị tình cờ gặp ông Học, thấy ông sống một mình, lại hay ốm đau nên thường xuyên sang thăm.
“Tôi bắt đầu để ý ông ấy từ hôm ông ấy trổ tài xem tướng. Khi tôi nhờ xem giúp đường tình duyên, ông Học bảo tôi sắp gặp được người gắn bó cả đời. Lúc đó tôi đã 29 tuổi, con gái tầm tuổi đó ở quê được xếp vào dạng ế, “quá lứa, lỡ thì”, nên tôi chợt nghĩ thôi thì chẳng cần tìm đâu xa chi bằng tìm ngay người bên cạnh”, chị Bích kể.
Lời tỏ tình bất ngờ
Sau lần đó, chị Bích quan tâm nhiều đến người đàn ông mình gọi bằng "bác". Chị thường xuyên sang chơi nhà ông Học hơn, thi thoảng có món gì ngon là chị lại giành phần mang cho ông Học. Tình cảm trao cho ông Học lớn dần lên từng ngày, một hôm chị chủ động nói ra: "Hay là bác lấy em".
Bao năm phiêu bạt, tìm kiếm nửa kia của cuộc đời nhưng đều thất bại. Nay có người chủ động đề cập, đến nằm mơ ông cũng chẳng dám nghĩ tới…
“Trước đây tôi cũng có người theo đuổi nhưng tình duyên có vẻ lận đận, nhiều lúc tưởng sắp thành thì lại tan vỡ. Đến khi gặp ông Học chúng tôi trò chuyện nhiều hơn về cuộc sống, thấy ông hiền lành, chịu khó, lại ở một mình nên thấy rất thương, chỉ thương thôi chứ không phải yêu, thương vì sự đồng cảm, hiểu rõ nỗi cô đơn của ông ấy, nên tôi chủ động ngỏ lời, dù ông ấy còn hơn cả tuổi bố tôi”, chị Bích chia sẻ.
|
Bước sang tuổi 80 nhưng ông Học vẫn phải sống trong cảnh chăm con mọn. |
Ông Học bảo, ông cũng không yêu chị Bích nhưng rất thương vì hoàn cảnh 2 người giống nhau. Chị Bích cũng như ông, mồ côi cha từ nhỏ, gia đình nghèo khó. Mẹ chị bị teo tay, không làm được việc nặng nên chị phải làm thuê vất vả nuôi mẹ. Bản thân chị cũng bị dị tật ở cẳng chân, mỗi lần trái gió trở trời lại xuất hiện cơn đau nhức dữ dội.
Đám cưới chấn động
Sống trong cảnh túng quẫn, suốt ngày lo chăm con, chăm chồng khiến chị Bích chán nản. Chị trải lòng: "Vì tụi nhỏ nên chúng tôi mới cố sống với nhau. Giờ đã vậy, tôi có ước giá không lấy ông ấy, thời gian cũng không quay trở lại". Chị cũng thừa nhận không lường hết được cuộc sống với chồng quá chênh lệch tuổi. Giờ đây, chị chỉ mong các con lớn khôn, sức khỏe chồng tốt hơn, để chồng chăm sóc con, còn mình đi làm kiếm thêm thu nhập.
Cuối năm 2010, vợ chồng ông Học dẫn nhau đi đăng ký kết hôn. Lúc ấy, dọc đường từ nhà ra ủy ban xã, dân làng đứng hai bên đường, ai cũng chỉ chỏ cười ồ, trêu chọc 2 vợ chồng. Ông Học ngượng ngùng, thậm chí còn chẳng dám đi cạnh vợ mà phải lùi lại phía sau.
Chuyện tình “bác – cháu” chênh nhau 43 tuổi này vẫn khiến người dân làng bàn ra tán vào mỗi khi ngồi lại. Cũng vì cái không đành lòng ấy, cả hai đã vượt qua bao trắc trở vì người thân 2 bên gia đình chia cách. Đám cưới này, cô dâu không trang điểm, không mặc áo cưới.
Năm 2013, chị Bích mang song thai, một trai một gái, nhưng vì điều kiện khó khăn nên chị vẫn đi làm, khi thai được tròn 8 tháng chị bất ngờ đau bụng nên đẻ non. Hai bé Tiên và Thu đẻ non, rất hay ốm vặt. Cặp vợ chồng lệch tuổi thường phải vay mượn, ôm con ra bệnh viện huyện, tỉnh.
Vài năm trở lại đây sức khỏe ông Học giảm sút rõ rệt, ốm đau liên miên, tiền thuốc thang cũng tốn. Trước ông còn đi nhặt được ve chai, nay thì cả gia đình 5 người chỉ còn biết trông chờ vào khoản trợ cấp thương binh 1,6 triệu mỗi tháng của ông.
“Cả nhà 5 người, mỗi tháng đã đóng tiền học cho 2 đứa lớn hết 900 nghìn đồng. Cứ hễ đứa nào đau ốm lại phải chạy vạy vay mượn khắp nơi để chạy chữa, nghĩ cũng khổ” bà Liên, hàng xóm nhà ông Học, cho biết.
Không có việc làm, chồng lại tuổi cao sức yếu nên cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Chị Bích bảo, bữa cơm gia đình hiếm khi có một bữa tươm tất, chủ yếu là tận dụng vườn nhà có gì thì ăn nấy. Đứa con gái út của chị, đến tuổi ăn dặm nhưng cũng chẳng mấy khi biết đến mùi thịt, cá. “Bữa ăn là cháo trắng nấu mỡ, đến tháng lĩnh trợ cấp thì mới mua cho vài bữa thịt ăn, vài lạng thịt mỡ nấu với rau cải, cho thêm tí gừng, thế là thịnh soạn lắm rồi”.