Ba cấp chính quyền... xử phạt
Công ty TNHH MTV Đỗ Hữu Vang (địa chỉ ở thôn Hà Hải, xã Hà Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) vừa bị UBND tỉnh Hải Dương ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiến 520 triệu đồng do có các vi phạm trong lĩnh vực đất đai. Quyết định do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản ký ngày 5/10.
Theo quyết định này, Công ty TNHH MTV Đỗ Hữu Vang đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Cụ thể, từ ngày 20/6-9/9/2021, công ty tự ý sử dụng, san lấp 53.834 m2 đất trồng lúa khi chưa hoàn thành thủ tục thuê đất; tự ý sử dụng, san lấp diện tích 11.176 m2 đất phi nông nghiệp là đất giao thông, thủy lợi nội đồng mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
|
Dự án của Công ty TNHH MTV Đỗ Hữu Vang tại xã Hà Kỳ. |
Ngoài ra, UBND tỉnh Hải Dương còn buộc Công ty TNHH một thành viên Đỗ Hữu Vang nộp lại gần 18,5 triệu đồng là số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm; thực hiện tiếp thủ tục để được giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.
Hành vi vi phạm của Công ty TNHH MTV Đỗ Hữu Vang tại vị trí doanh nghiệp này đang triển khai dự án cơ sở sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn, gạch không nung, bê tông xi măng, bê tông nhựa asphalt, bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng, cửa hàng kinh doanh xăng dầu và cho thuê kho bãi, nhà xưởng tại thôn Hà Hải, xã Hà Kỳ.
Trước đó, liên quan đến dự án này, UBND xã Hà Kỳ đã xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH MTV Đỗ Hữu Vang mức phạt 5.000.000 đồng do lỗi tự ý che phủ cát lên trên bề mặt diện tích đất nông nghiệp khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Mức phạt trên là mức cao nhất theo thẩm quyền của UBND xã.
Ngày 7/6, Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ Vũ Thị Hà tiếp tục ký quyết định 2863 xử phạt hành chính ông Đỗ Hữu Vang 50 triệu đồng về việc sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác (chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp), không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Đồng thời yêu cầu ông Đỗ Hữu Vang dừng thi công, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trong quyết định xử phạt hành chính 2863 của UBND huyện Tứ Kỳ chỉ nêu hành vi ông Đỗ Hữu Vang bơm cát bao phủ phần diện tích 4.900m2 đất nông nghiệp.
Tuy nhiên, sau khi nhận được báo cáo của UBND huyện Tứ Kỳ, Sở Tài nguyên Môi trường Hải Dương chưa đồng tình với báo cáo này vì diện tích xử phạt chỉ có 4.900 m2. Sở TN&MT yêu cầu UBND huyện Tứ Kỳ rà soát lại, đồng thời tiếp tục kiểm tra làm rõ và xử lý vi phạm cho đúng đối tượng, diện tích, đúng chủ thể vi phạm và mức độ hành vi vi phạm, sau đó gửi kết quả về Sở.
|
Quyết định xử phạt của UBND tỉnh Hải Dương. |
Có nhiều hành vi vi phạm… có thể bị xử phạt nhiều lần
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo quy quy định của pháp luật, mọi hành vi vi phạm đều phải chịu trách nhiệm pháp lý và nguyên tắc chung là mỗi hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị áp dụng chế tài một lần. Bởi vậy, trong vụ việc nêu trên, nếu doanh nghiệp có nhiều hành vi vi phạm, mỗi hành vi vi phạm lại thuộc thẩm quyền của các cấp hành chính khác nhau cũng có thể sẽ bị xử phạt nhiều lần với nhiều mức phạt và nhiều thẩm quyền khác nhau theo quy định của luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể tại Điều 38, Chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính nhưng không quá 5.000.000 đồng đối với cá nhân (đối với tổ chức không quá 10.000.000 đồng); tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức xử phạt; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
|
Quyết định xử phạt hành chính của UBND huyện Tứ Kỳ. |
Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 50.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, đ, e, h, i và k khoản 1 Điều 28 của Luật này.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này.
“Việc xử lý vi phạm hành chính phải theo trình tự thủ tục của luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan. Trường hợp UBND cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh xử phạt vi phạm hành chính không có căn cứ, không đúng thẩm quyền hoặc không đúng trình tự thủ tục luật định, doanh nghiệp này có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính theo quy định của pháp luật. Đối với chính quyền địa phương, theo phạm vi nhiệm vụ, thẩm quyền của mình cũng có quyền xử lý vi phạm hành chính trong đó bao gồm xử phạt hành chính và các biện pháp hành chính khác, như đình chỉ thi công, buộc tháo dỡ công trình, khắc phục hậu quả”, luật sư Cường nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khởi tố nguyên Chủ tịch và kế toán xã Quảng Châu vì sai phạm về đất đai: